Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn tổ chức ăn bán trú tại trường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ưu tiên tổ chức ăn, ngủ, nghỉ ngay tại lớp học; học sinh lớp nào ăn, ngủ riêng theo lớp đó. Học sinh ăn theo suất ăn riêng, không dùng chung các đồ dùng cá nhân - Bộ GDĐT nêu rõ trong Sổ tay phòng dịch vừa sửa đổi
Các học sinh khi tới trường được thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh (ảnh minh họa).
Các học sinh khi tới trường được thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh (ảnh minh họa).

Đây là nội dung đáng quan tâm tại "Sổ tay bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học" mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa công bố trên cơ sở sửa đổi, bổ sung từ cuốn sổ tay được ban hành theo Quyết định số 3822/QĐ-BGDĐT và Quyết định số 406/QĐ-BGDĐT.

Sổ tay bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học có nội dung hướng dẫn về việc tổ chức ăn bán trú của học sinh.

Sổ tay ghi rõ: Khi tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp, các cơ sở giáo dục tổ chức ăn bán trú cho trẻ em mầm non, học sinh cần đảm bảo một số yêu cầu phòng chống dịch. Cụ thể, nhà trường phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế và ngành Giáo dục, trong đó bảo đảm theo nguyên tắc hạn chế giao lưu, tiếp xúc giữa các học sinh trong cùng lớp và giữa các lớp.

Đặc biệt, ưu tiên tổ chức ăn, ngủ, nghỉ ngay tại lớp học; học sinh lớp nào ăn, ngủ riêng theo lớp đó. Học sinh ăn theo suất ăn riêng, không dùng chung các đồ dùng cá nhân, rửa tay với nước sạch và xà phòng trước và sau khi ăn.

Cơ sở giáo dục thự hiện vệ sinh, khử khuẩn nhà ăn sau mỗi lượt tổ chức cho học sinh ăn (nếu tổ chức ăn ở nhà ăn chung của nhà trường) và bảo đảm an toàn thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Cùng với nội dung hướng dẫn tổ chức ăn bán trú, tài liệu này cung cấp các nội dung cơ bản, ngắn gọn, cập nhật liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học, trên cơ sở các hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế, Bộ GDĐT và Tổ chức Y tế Thế giới.

Ngoài các thông tin về dịch COVID-19 và phương pháp xử trí và điều trị COVID-19; các nguyên tắc cơ bản trong phòng dịch COVID-19 tại trường học, Sổ tay còn hướng dẫn cụ thể về công tác chuẩn bị của nhà trường; ứng phó của nhà trường khi có trường hợp bệnh nghi ngờ trong trường học; xử trí khi có trường hợp học sinh mắc COVID-19 trong trường học; công tác chuẩn bị cho học sinh trở lại trường học học trực tiếp…

Bộ GDĐT cũng lưu ý, khi Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn chuyên môn khác với hướng dẫn tại cuốn sổ tay này thì các cơ sở giáo dục thực hiện theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế.

Ngoài ra, Sổ tay cũng hướng dẫn về việc tổ chức ăn bán trú của học sinh trong các nhà trường khi tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp để bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch.

Theo thống kê của Bộ GDĐT công bố cuối ngày 22/2, tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp trên cả nước là 78.86%.

Cụ thể, ở bậc mầm non, 50 tỉnh, thành phố đã tổ chức dạy học trực tiếp. 13 tỉnh, thành phố hiện dừng dạy học trực tiếp do dịch bệnh diễn biến phức tạp tại địa phương, gồm: Thành phố Hà Nội; thành phố Đà Nẵng; Tiền Giang; Bạc Liêu; An Giang, Phú Yên, Lào Cai, Tuyên Quang, Đắk Nông, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hưng Yên; Đắk Lăk.

Bậc tiểu học có 52 tỉnh, thành phố đã tổ chức dạy học trực tiếp. 11 tỉnh, thành phố hiện dừng dạy học trực tiếp do dịch diễn biến phức tạp, gồm: An Giang; Tiền Giang, Hà Nội; Đắk Lắk; Lào Cai, Tuyên Quang, Hưng Yên, Đắk Nông, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh.

Bậc trung học cơ sở có 59 tỉnh, thành phố đã tổ chức dạy học trực tiếp. 4 tỉnh, thành phố dừng dạy học trực tiếp do dịch diễn biến phức tạp, gồm: Phú Thọ, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hà Nội.

Bậc trung học phổ thông có 62 tỉnh, thành phố đã tổ chức dạy học trực tiếp. 1 địa phương là Lào Cai dừng dạy học trực tiếp do dịch diễn biến phức tạp.