Được biết, việc này dự toán sẽ tiêu tốn 16.000.000 USD (gần 400 tỉ đồng) vay của Ngân hàng Thế giới (WB).
Việc làm lãng phí?
Thực hiện Nghị quyết số 88/2014 của Quốc hội, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo 3 nhà xuất bản (NXB) thuộc ngành Giáo dục, gồm NXB Giáo dục Việt Nam, NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, biên soạn, xuất bản 5 bộ SGK các môn học bắt buộc ở lớp 1 và 7 quyển SGK Làm quen với tiếng Anh lớp 1 (môn học tự chọn) để triển khai từ năm học 2020 - 2021. Tất cả số SGK này đều được biên soạn, xuất bản bằng vốn tự có của Bộ GD&ĐT.
Nghị quyết 88 giao Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK là để chủ động trong công việc, đề phòng trường hợp các tổ chức, cá nhân trong xã hội không có điều kiện biên soạn SGK, biên soạn không đủ, hoặc không bảo đảm chất lượng SGK các môn học, lớp học.
Vào thời điểm này, đã có 5 bộ SGK dùng cho học sinh lớp 1 năm học 2020-2021 của 3 NXB đều thuộc ngành Giáo dục; trong đó NXB Giáo dục Việt Nam là đơn vị trực thuộc Bộ, được Bộ giao trách nhiệm biên soạn đầy đủ SGK cho tất cả các môn học, các lớp học. Như vậy, việc biên soạn thêm một bộ SGK bằng ngân sách nhà nước vào lúc này là không cần thiết.
Việc biên soạn thêm một bộ SGK do Bộ GD&ĐT tổ chức vào thời điểm này cũng khó bảo đảm chất lượng, có nhiều khả năng lãng phí khoản vay 16.000.000 USD của Ngân hàng Thế giới (WB).
Theo báo cáo ngày 23/03/2020 của Chính phủ gửi Quốc hội, nguyên nhân Bộ GD&ĐT không tổ chức biên soạn được bộ SGK mà Nghị quyết 88 giao là không có tác giả: “Ngay từ khi Bộ GD&ĐT xây dựng chương trình mới, nắm bắt được tinh thần xã hội hóa SGK theo Nghị quyết 88 của Quốc hội thì các NXB đã hợp tác, hợp đồng với các nhóm tác giả có kinh nghiệm và nhiệt huyết tham gia biên soạn SGK”.
Báo cáo ngày 23/3/2020 của Chính phủ gửi Quốc hội về việc thực hiện triển khai đổi mới chương trình SGK, giáo dục phổ thông nhiều lần nhắc tới việc không đủ nhóm tác giả tham gia thầu thực hiện SGK.
|
Có nên quyết tâm chi 400 tỉ đồng để làm một bộ SGK nhiều nguy cơ không bảo đảm chất lượng?
Trong bối cảnh các NXB đã thu hút hết những người có kinh nghiệm vào 5 bộ SGK như trình bày trong Báo cáo, thì bộ SGK mà Bộ GD&ĐT dự kiến biên soạn khó có thể tìm được các tác giả có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này để bảo đảm chất lượng của bộ sách. Nếu Bộ chọn tác giả SGK, biên tập viên của một NXB lên biên soạn bộ SGK này, thì sẽ tạo ra tình trạng cạnh tranh không công bằng giữa các NXB, các nhóm tác giả, khiến dư luận có thể cho rằng Bộ tạo điều kiện độc quyền cho “doanh nghiệp sân sau”.
Xét về tiến độ, từ nay đến thời điểm bắt đầu chọn SGK cho năm học 2021 – 2022 theo quy định của Thông tư 01 chỉ còn 1 năm. Kế hoạch của Bộ GD&ĐT hoàn thành 3 bộ SGK cho lớp 1, lớp 2 và lớp 6 trong khoảng thời gian như vậy là thiếu thực tế, kể cả trong trường hợp sách không cần dạy thực nghiệm.
Điều phải cân nhắc nhiều nhất là việc xuất bản một bộ SGK do Bộ trực tiếp tổ chức biên soạn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK, quay trở lại tình trạng độc quyền trong lĩnh vực này.
Trong lúc kinh tế gặp vô vàn khó khăn vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, từ Chính phủ đến người dân đều phải thắt lưng buộc bụng, một số đông người lao động thậm chí còn không đủ tiền trang trải những món chi tối thiểu cho cuộc sống, thì Bộ GD&ĐT có nhất thiết phải quyết tâm chi 400 tỉ đồng để làm một bộ SGK nhiều nguy cơ không bảo đảm chất lượng?
Có thể một quyết định thuận lợi cho Bộ GD&ĐT sẽ được Chính phủ và Quốc hội thông qua. Nhưng rồi đây, chỉ 1 năm sau khi bộ sách được gắn mác Bộ GD&ĐT ra đời và được sử dụng thôi, nếu kết quả dạy và học nhà trường cho thấy đó là một bộ SGK yếu về chất lượng do tác giả thiếu chuyên nghiệp, thì ai sẽ chịu trách nhiệm về việc này?
VietTimes sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả về sự việc này.