Được biết, chiếc xe mà Bộ Công thương “mượn” là ô tô du lịch 5 chỗ ngồi thương hiệu Mercedes-Benz E250. Đơn vị được Bộ “mượn xe” là Công ty cổ phần Rượu Hà Nội (Halico), thành viên của Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco).
Lý do “mượn xe” được Bộ Công thương giải thích trong công văn 6514/BCT-VP, ngày 30/6/2015 là, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống phí đặc biệt là tiết kiệm trong việc mua sắm, sử dụng xe ô tô của các cơ quan nhà nước, trong những năm qua Bộ Công thương đã dừng hẳn việc mua sắm xe ô tô đang quản lý và sử dụng một số phương tiện, trong đó có những phương tiện quá cũ nát, không thể khắc phục được, dẫn tới tình trạng phương tiện phục vụ cho hoạt động của Bộ rất thiếu.
Bởi vậy, “được biết Halico đang có chiếc xe ô tô con nhãn hiệu Mercedes ít có nhu cầu sử dụng, Bộ Công thương đề nghị Halico tạo điều kiện cho Bộ mượn chiếc xe ô tô nói trên, phục vụ công tác của Bộ, trong thời gian chưa được nhà nước cấp kinh phí mua mới”, là đề nghị của Bộ tới doanh nghiệp.
Cũng rất nhanh chóng, chỉ mươi ngày sau, ngày 10/7/2015, chiếc xe Mercedes-Benz E250 có năm sản xuất 2009, biển số 30V-1357 đi được hơn 95.000 km đã được ông Mai Văn Lợi, Giám đốc Halico bàn giao cho Văn phòng Bộ Công thương.
Trong các điều khoản của Hợp đồng mượn ô tô cũng ghi rõ, Bộ Công thương sẽ trả lại xe cho Halico khi không còn nhu cầu sử dụng hoặc khi được Nhà nước cấp kinh phí mua xe mới.
Trong khi đó, theo Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg, quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty TNHH MTV do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, chức danh Bộ trưởng được trang bị xe công có mức giá không quá 1,1 tỷ đồng, Thứ trưởng được trang bị xe công có mức giá không quá 920 triệu đồng, Văn phòng Bộ được trang bị xe không quá mức 720 triệu đồng.
Đáng nói là theo kết quả rà soát mới đây của Bộ Tài chính, Bộ Công thương hiện có 192 xe, trong khi đó theo tiêu chuẩn, định mức, Bộ Công thương chỉ được tối đa là 135 xe, do đó đã thừa ra 57 xe. Bộ Tài chính cũng đã đề nghị Bộ Công thương thực hiện sắp xếp, điều chuyển nội bộ giữa các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý bảo đảm việc sử dụng xe phục vụ công tác chung tuân thủ đúng định mức quy định tại Quyết định 32/2015/QĐ-TTg.
Halico là công ty cổ phần trong đó cổ đông lớn nhất là Habeco với 54,3% và Tập đoàn Diageo - công ty rượu lớn nhất thế giới đồng thời là chủ sở hữu nhiều thương hiệu rượu nổi tiếng thế giới như Johnnie Walker, Bailey, Smirnoff – nắm giữ 45,5% kể từ năm 2012.
Để tham gia vào Halico, Diageo đã phải bỏ ra khoảng 1.945 tỷ đồng, tương đương 90 triệu USD.
Diageo là công ty niêm yết đồng thời trên cả hai sàn chứng khoán: Sở giao dịch chứng khoán New York (mã DEO) và Sở giao dịch chứng khoán London (mã DGE).
Habeco là doanh nghiệp thuộc quản lý của Bộ Công thương, hiện nhà nước thông qua Bộ Công thương đang quản 81,79% vốn điều lệ.
Theo Đầu tư