Thông tin trên Diễn đàn cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công thương kiến nghị không áp dụng biện pháp ngừng nhập khẩu với máy xử lý dữ liệu tự động (máy đào tiền ảo) có mã phân loại HS 8471.80.90.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, qua phân tích thực tế, phạm vi ảnh hưởng nếu dừng nhập khẩu nhóm hàng mã này rất rộng. Thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2017, có hơn 27.239 sản phẩm và 5 tháng đầu năm 2018 có hơn 15.117 sản phẩm mã HS này được nhập về Việt Nam.
"Ngừng nhập khẩu trong khi chưa xác định được cụ thể mã HS với mặt hàng cần quản lý là chưa phù hợp với quy định tại Luật Quản lý ngoại thương về quyền tự do kinh doanh xuất, nhập khẩu và áp dụng biện pháp tạm ngừng nhập khẩu", Bộ Công Thương nêu quan điểm.
Hơn nữa, các loại máy, thiết bị dùng đào tiền ảo là mặt hàng đa dụng, được sử dụng vào mục đích khác nhau tùy người dùng. Bộ Công thương lo lắng, việc ngừng nhập khẩu sẽ gây ra tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có sử dụng thiết bị.
Dẫn báo cáo góp ý kiến của Bộ Thông tin & Truyền thông, cơ quan này cho hay, hoạt động khai thác tiền ảo không chỉ thực hiện bằng các máy xử lý dữ liệu tự động, còn diễn ra trên các thiết bị di động, nền tảng đám mây, đào bằng ổ cứng. Trong tương lai, với sự phát triển bùng nổ của công nghệ sẽ ngày càng gia tăng độ phong phú các loại máy đào tiền ảo, cũng như hoạt động khai thác tiền ảo.
Vì thế, Bộ Thông tin & Truyền thông cho rằng, khi chưa xác định cụ thể mã HS thì chỉ nên tạm ngừng nhập khẩu máy đào tiền ảo ASIC (máy đào chuyên dụng sản xuất nhằm thực hiện chức năng đào tiền ảo), không nên thực hiện biện pháp này với máy đào VGA (máy có các khối chức năng, được lắp ráp như PC thông thường).
Ngoài ra, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về biện pháp quản lý trong nước với các loại tiền ảo, cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng máy xử lý dữ liệu tự động để khai thác tiền ảo.
Do đó, Bộ Công thương đánh giá, biện pháp tạm ngừng nhập khẩu nếu được áp dụng sẽ không đảm bảo được hiệu quả, không đạt được mục tiêu quản lý do sự đa dạng của các loại thiết bị đào tiền ảo, nhất là trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và bùng nổ công nghệ thông tin.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đề xuất giao các bộ, ngành nghiên cứu, phân loại, áp mã số HS phù hợp với mặt hàng máy xử lý dữ liệu tự động để làm cơ sở áp dụng biện pháp quản lý phù hợp.
Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quản lý chặt chẽ, quy định các chế tài xử lý vi phạm với các hoạt động liên quan tới đào, kinh doanh và đầu tư các loại tiền ảo, sản phẩm tương tự khác.
Được biết, tháng 4/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ thị yêu cầu tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới bitcoin và các loại tiền ảo khác. Chỉ đạo này được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều hoạt động đầu tư, mua bán tiền ảo, huy động vốn qua phát hành tiền ảo (ICO), sử dụng tiền ảo để huy động vốn theo phương thức đa cấp, gây rủi ro và mất trật tự xã hội.
Trước những bất cập trong quản lý, kinh doanh tiền ảo 'núp bóng' bán hàng đa cấp, lừa người dân, tháng 6/2018, Bộ Tài chính đề xuất tạm ngừng nhập khẩu máy đào tiền ảo và nhận được đa số ý kiến ủng hộ từ các Bộ, ngành.
Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về tăng cường quản lý hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự. Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét đề xuất ngừng nhập khẩu này.
Trong khi đó, thời gian qua, tiền ảo tiếp tục xu hướng mất giá trên toàn cầu. Theo Coinmarketcap, trong 24 giờ tính đến hết trưa 12/10, vốn hóa tiền kỹ thuật số toàn cầu đã mất 6,72 tỷ USD. Trước đó một ngày, các đồng tiền này cũng bị bán tháo mạnh, khiến giá trị bốc hơi hàng tỷ USD chỉ trong vài giờ.
Cho tới nay, giá 3 loại tiền ảo có vốn hóa lớn nhất thế giới là Bitcoin, Ripple, Ethereum đều đã mất giá đáng kể so với đỉnh cuối năm ngoái.