Sau nhiều đồn đoán, Apple đã bán loạt iPhone 12 mà không kèm bộ sạc và tai nghe. Điều này gây khó chịu cho không ít người, bởi họ sẽ phải dùng lại phụ kiện cũ hoặc phải bỏ thêm ít nhất 19 USD (gần 450.000 đồng) cho một bộ sạc mới hoặc phải dùng phụ kiện của bên thứ ba.
iPhone 12 chỉ gồm cáp, không kèm bộ sạc và tai nghe. Ảnh: Lưu Quý. |
Bất chấp tuyên bố của Apple rằng bỏ bộ sạc và tai nghe là để "bảo vệ môi trường", giới chuyên gia cho rằng thực tế Apple đang đi đúng hướng trong việc thúc đẩy mảng phụ kiện và thiết bị đeo của mình. Với việc bỏ hai phụ kiện nói trên, Apple sẽ có thêm doanh thu từ việc bán bộ sạc, cũng như xây dựng được hệ sinh thái mới xung quanh MacSafe - hệ thống sạc từ tính mới trên iPhone - như ốp lưng, bao da, sạc không dây và nhiều phụ kiện mới khác trong tương lai.
Danh mục phụ kiện và thiết bị đeo của Apple đã đạt được nhiều thành công. Apple Watch, AirPods, bộ sạc và các phụ kiện khác đã cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ, hứa hẹn đủ sức thay thế doanh thu từ iPad, MacBook và có thể tương đương doanh thu từ dịch vụ - mảng kiếm tiền chỉ sau iPhone.
Trong quý tài chính thứ ba, mảng thiết bị đeo và phụ kiện đã tăng trưởng 17% về doang thu, mang lại tới 6,45 tỷ USD cho công ty Mỹ này. Với quý tài chính sắp tới, con số trên được dự đoán sẽ tăng trưởng hơn nữa.
Mảng phụ kiện và thiết bị đeo của Apple dường như đang theo con đường mà mảng dịch vụ đã đi trước đây. Khi doanh số iPhone tăng trưởng chậm hơn trước, Apple đã đẩy mạnh các sản phẩm kỹ thuật số mới, như chợ ứng dụng App Store, iCloud hay dịch vụ phát nhạc trực tuyến... để tận dụng tối đa hiệu quả từ một tỷ người dùng iPhone của mình. Công ty đã thu về 13,16 tỷ USD doanh thu dịch vụ trong quý tài chính thứ ba, tăng gần 15% so với năm trước.
Apple sẽ bán riêng phụ kiện iPhone 12 cho những ai có nhu cầu. Ngoài bộ sạc, công ty còn bán tai nghe không dây AirPods với giá từ 159 USD (3,7 triệu đồng), bộ sạc MacSafe với giá 39 USD (hơn 900.000 đồng). "Apple sẽ có một quý IV với doanh số phụ kiện tăng đáng kể", một chuyên gia nhận định.
Theo ước tính của Gene Munster, đối tác quản lý tại hãng đầu tư Loup Ventures, việc bỏ bộ sạc và tai nghe trên iPhone 12 sẽ giúp Apple tăng lợi nhuận trên mỗi chiếc iPhone 12 lên thêm 1%. Còn nếu bỏ phụ kiện trên các dòng iPhone cũ, lợi nhuận có thể còn cao hơn. Theo Angelo Zino, nhà phân tích của CFRA Research, cho rằng, chi phí linh kiện của iPhone 12 đắt hơn từ 30% đến 35% so với các thế hệ iPhone trước đây.
Cũng theo tính toán của Gene Munster, nếu doanh số iPhone 12 tương đương iPhone 11 năm ngoái (hơn 210 triệu máy) và chỉ 5% người dùng mua thêm tai nghe AirPods, Apple có thể lãi thêm 700 triệu USD.
Các nhà phân tích của Deutsche Bank cho rằng, tiềm năng tăng trưởng từ mảng phụ kiện sau khi Apple bỏ bộ sạc và tai nghe là vô cùng lớn. "Dù Apple tuyên bố việc bỏ tai nghe và bộ sạc là để bảo vệ môi trường, nhưng thực tế, quyết định đó mang lại lợi ích tài chính rất lớn cho công ty", một chuyên gia của Deutsche Bank nhận xét.
Giới phân tích cho rằng, MacSafe cũng đang đặt nền móng cho việc Apple sẽ bán nhiều phụ kiện hơn nữa trong tương lai. Từ lâu, đã có tin đồn rằng mục tiêu cuối cùng của "Quả táo" là bỏ cổng sạc trên iPhone tương tự giắc cắm tai nghe 3,5mm trước đây. Điều này sẽ thúc đẩy chủ sở hữu iPhone phải mua thêm nhiều thiết bị bổ sung cho iPhone của họ.
Scott Cassel, CEO của tổ chức phi lợi nhuận Product Stewardship Institute, nói với The Verge rằng việc Apple không bán tai nghe và củ sạc là hành động "vừa tăng thêm doanh thu, vừa đẩy trách nhiệm về bảo vệ môi trường sang các công ty khác". "Tại sao Apple không chịu trách nhiệm lớn hơn cho việc tái chế và tái sử dụng trên các sản phẩm của họ, mà lại đi cắt giảm các phụ kiện cần thiết?", Cassel đặt câu hỏi.
Theo Cassel, các công ty như Apple nên tạo các sản phẩm dễ sửa chữa và tái sử dụng hơn thay vì để chúng "lỗi thời sau vài năm", bởi điều đó tốt cho môi trường. Chẳng hạn, tai nghe AirPods là thiết bị không thể sửa chữa, dù có tuổi thọ ngắn hơn các tai nghe truyền thống do không thể thay pin hoặc linh kiện nếu bị hỏng.
"Có lẽ Apple cũng khá thành thật khi nói rằng việc bỏ phụ kiện là tốt cho môi trường, nhất là khi có hàng chục triệu iPhone mới được bán ra mỗi quý. Nhưng ở quy mô đó, nó cũng thúc đẩy người dùng chi tiêu nhiều hơn cho phụ kiện", cây bút công nghệ Steve Kovach của CNBC nêu quan điểm.
Theo VnExpress