Giải mã xã hội 4.0
Gần đây xã hội liên tục xảy ra nhiều chuyện, từ gian lận thi cử ở Hà Giang, đến chuyện thỉnh vong ở chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh, hãm hiếp bạn học ở Quảng Trị, học sinh đánh bạn dã man ở Hưng Yên, “giang hồ mạng” Khá Bảnh, hiện tượng Phúc XO… Đánh giá về hàng loạt sự việc, hiện tượng tiêu cực, bạo hành xảy ra trong giới trẻ thời gian qua, nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung - Viện trưởng Viện Giáo dục IRED, cho rằng đó là sự “loạn chuẩn”.
"Chưa bao giờ, chưa có thời đại nào mà cha mẹ và thầy cô lại gặp nhiều thách thức như vậy trong việc dạy con và dạy trò như hiện nay" - Ông Giản Tư Trung nói.
Những thay đổi của thời đại đem lại cho các bạn trẻ nhiều cơ hội để học hành, mở mang và hội nhập, nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức chưa từng có, dễ dẫn đến hoang mang với những lựa chọn. Rốt cuộc thì mình nên yêu cái gì, theo đuổi con đường nào, điều gì là đúng-sai…?
"Nhìn vào hàng loạt sự việc, hiện tượng tiêu cực xảy ra trong giới trẻ thời gian qua có thể thấy rõ nhiều chuẩn mực đang bị đảo lộn, nhiều giá trị bị thách thức, nhiều niềm tin bị đổ vỡ và các bạn trẻ đang đối mặt với sự “loạn chuẩn” trong xã hội" - Ông Giản Tư Trung nhận định.
Nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung trao đổi tại buổi tọa đàm sáng 22/5
|
“Vậy chúng ta phải dạy con, dạy trò sống thế nào trong bối cảnh nêu trên? Làm sao để giúp các bạn trẻ phát triển đủ nhanh nhạy để theo kịp thời đại, đủ tỉnh táo để không “loạn chuẩn” và đủ vững vàng để góp phần kiến tạo những chuẩn mực mới cho chính mình và xã hội? Đây thực sự là một câu hỏi lớn và có tính thời đại!” – Nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung đặt vấn đề.
Ông Giản Tư Trung phân tích: “Thời đại 4.0 không chỉ là vấn đề về công nghệ, kinh tế, chuyển đổi số, mà còn là vấn đề về văn hóa, giáo dục. Thời đại 4.0 chính là một thế giới biến động, chóng mặt và khôn lường. Văn hóa 4.0 tích cực ở chỗ cả xã hội dễ dàng mở mang đầu óc với thế giới, tiếp cận tinh hoa tri thức toàn cầu, nhưng cũng có những hệ lụy khủng khiếp, rất nhiều chuyện xảy ra hàng ngày.
Nếu không có 4.0 thì không có những giang hồ mạng như Khá Bảnh, Phúc XO – sản phẩm của xã hội 4.0, hiện tượng thỉnh vong chùa Ba Vàng… Tuy nhiên, cũng đừng nhìn xã hội theo màu đen, hoặc ngược lại, màu hồng. Hãy nhìn xã hội với màu đúng của nó”
Giáo dục khai phóng
Thời nay cha mẹ áp đặt con cái không nghe, xã hội áp đặt giới trẻ không nghe. Rõ ràng là không thể áp đặt chuẩn, quan trọng nhất là phải khai minh và khai tâm để các bạn trẻ tự quyết định chuẩn cho mình trong thời loạn chuẩn. Đây là câu hỏi lớn khiến hàng triệu thầy cô và cha mẹ học sinh phải trăn trở, chứ không phải câu hỏi vô tình bột phát” – Nhà giáo dục Giản Tư Trung nhận định.
Rất đông các phụ huynh và thầy cô đến tham dự tọa đàm
|
“Cần phải định nghĩa lại tất cả mọi thứ! Tìm lại bản chất của mọi vấn đề và trả lại chân giá trị cho mọi chuyện. Cần hướng đến các giá trị phổ quát và những nguyên lý trường tồn. Có những giá trị bất biến, hàng trăm hay hàng ngàn năm, vượt không gian và thời gian, đúng ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Nếu không chạm được những giá trị này thì xã hội sẽ "sáng đúng chiều sai, sáng mai lại đúng"; chính bản thân giáo viên có thể hoang mang, còn học trò thì khủng hoảng” – Viện trưởng Viện IRED khẳng định.
Phân tích về một số ngộ nhận nguy hiểm của nhiều bạn trẻ hiện nay, ông Giản Tư Trung cho rằng: “Nhiều bạn trẻ không phân biệt được tự do và hoang dã, chân thật và trơ trẽn, cá tính và quái tính, đức tin và mê tín, Be Myself và Me First. Ranh giới để phân biệt các thái cực này chính là văn hóa. Chỉ có khai minh, khai tâm, giáo dục khai phóng cho các bạn trẻ thì các bạn trẻ mới hiểu được đâu là tự do, đâu là hoang dã, biến quái tính thành cá tính”.
Nhà giáo dục Giản Tư Trung đặt vấn đề: “Phải trả lời được câu hỏi học toán để làm gì? Học văn để làm gì? Đại học khác gì với doanh nghiệp, với “lò” bán bằng? Đại học là để giúp học sinh có tầm vóc văn hóa và chuyên môn nghề nghiệp ở trình độ cao. Văn hóa chính là thứ để phân biệt giữa tự do và hoang dã, chân thật và trơ trẽn, đức tinh và mê tín…”
Một phụ huynh phát biểu về định hướng giáo dục gia đình
|
Những trăn trở của nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung được rất đông phụ huynh đến từ nhiều tỉnh thành về tham dự chương trình bày tỏ sự đồng thuận.
“Học trò ở ta đang bị rối bù giữa mớ câu hỏi: Giờ phải thi trường nào? Như thế là tư duy ngược. Thi xong học xong ra trường toàn làm sai việc, phải đào tạo lại từ đầu. Đáng lẽ trước tiên hãy hỏi: Tôi muốn có một cuộc đời như thế nào? Để trả lời câu hỏi này thì buộc phải trả lời được tôi muốn làm nghề gì để có được cuộc đời như thế, và phải học trường nào để có thể làm nghề đó?” – Viện trưởng Viện IRED hướng dẫn cha mẹ trước khi các con bước vào kỳ thi tuyển sinh Đại học 2019.
“Trong tất cả mọi kỹ năng lãnh đạo thì lãnh đạo bản thân là lớn nhất. Trong các loại sáng tạo thì sáng tạo số phận là vĩ đại nhất. Đích đến của giáo dục khai phóng là con người tự do!” – Ông Giản Tư Trung nhắc nhở các bậc cha mẹ đừng cố gắng dạy con mà hãy dạy chính mình trước, rồi đồng hành cùng con, để con tự nhận thức và định chuẩn cho bản thân.
Nhiều phụ huynh và thầy cô đồng thuận với những trăn trở của nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung
|