Hầu hết, các bậc phụ huynh đều lo lắng đến việc làm thế nào để con có một mùa hè thật bổ ích, vui tươi. Ngoài ra, trẻ cần có thời gian vừa ôn lại kiến thức, vừa vui chơi an toàn để phụ huynh an tâm hơn. Buổi giao lưu “Mùa hè cho con” được tổ chức tại TP.HCM đã giúp phụ huynh hiểu rõ hơn những chương trình hè lành mạnh, an toàn, phù hợp với lứa tuổi, sở thích và đặc biệt là nương vào cá tính đặc thù của trẻ.
Đừng để trẻ kỹ năng “cùn”, hãy trau dồi giá trị sống
Hiện nay, nhiều bậc cha mẹ rất quan tâm trong việc đào tạo cho con những kỹ năng sống cần thiết. Các phụ huynh gửi con tham gia những mô hình đào tạo khá đa dạng, phong phú: câu lạc bộ, khóa học, trại hè… và tại trường học, trung tâm ngoại ngữ, cũng rất quan tâm vấn đề này.
“Tuy nhiên, các bé có nền tảng tiếp thu như thế nào là một vấn đề khác. Một số nơi làm hoành tráng nhưng không đọng lại kiến thức cho các con thì chẳng có ích gì, trong khi cha mẹ cứ kỳ vọng vào những khóa học như vậy. Nhiều bậc phụ huynh tưởng rằng con mình sẽ thành tài sau khi tham gia khóa học kỹ năng chỉ 3, 4 ngày. Cuối cùng, khi về nhà thì đâu lại vào đó. Chẳng thay đổi gì cả. Có những dịch vụ ở nước ngoài, họ vào Việt Nam mở trung tâm kỹ năng sống và một khóa học lên đến chục triệu” - theo ông Trần Tuấn Huy -Giám đốc Trung tâm Đào tạo Giá trị kỹ năng sống A Better World.
Cha mẹ cần có một góc nhìn khoa học, cũng như thực sự hiểu các con thì mới đáp ứng được nhu cầu của trẻ. Nếu các phụ huynh chỉ chờ đến kỳ nghỉ hè, bắt đầu đăng ký tham gia những khóa học ở trung tâm kỹ năng thì đó là vấn đề cần suy nghĩ lại.
“Bởi kỹ năng sống là cả một quá trình dài, một sự thay đổi lớn của trẻ. Nếu các bậc cha mẹ chỉ cho tham gia một vài hoạt động trong hè, thì khi vào năm học, các em phải tập trung đến trường rồi lại bỏ quên những kỹ năng đã học. Thật sự rất lãng phí. Giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống là một tiến trình, chứ không đơn giản chỉ một vài khóa học, hay tham gia đôi ba lần là có được kỹ năng đáp ứng cho cuộc sống” – ông Tuấn Huy chia sẻ.
Cùng quan điểm, bà Phạm Thị Tuyn (Hiệu trưởng Trường Quốc tế Tương Lai, TP.HCM) chỉ ra: “Nhiều bố mẹ đưa con vào các trung tâm dạy kỹ năng như nhờ giữ con giùm. Gọi là cho con đi học hè, học kỹ năng sống. Tất tần tật mọi thứ, cả ngoại ngữ, nhưng kết quả sau 8 tuần học, trở lại con số 0”.
Bà Phạm Thị Tuyn (người cầm mic) - Hiệu trưởng trường Quốc tế Tương Lai, TP.HCM
|
Bên cạnh đó, những khóa học thường đề cập đến kỹ năng sống mà quên mất giá trị sống. Nhiều nơi tập trung đào tạo kỹ năng. Đăng ký học sẽ đảm bảo tốt về mọi mặt, nhưng phẩm chất cho đưa trẻ lại không được nhắc đến. Điều này rất nguy hiểm.
“Giống như con dao chúng ta đang sử dụng rất sắc bén, kỹ năng rất tuyệt vời. Thế nhưng, cái tâm không có, việc sử dụng không tốt thì có thể gây hại cho trẻ, làm hại cho cuộc sống. Cho nên, khi đăng ký theo học các lớp ngoại khóa, bố mẹ cần tìm hiểu những giá trị thực tế, con sẽ được truyền tải điều gì chứ không chỉ có kỹ năng” – ông Tuấn Huy nói thêm.
Không chỉ là dạy mà hãy sống cùng con
Mùa hè rất cần thiết để tham gia các khóa học nhưng vận dụng vào cuộc sống là một tiến trình, chứ không phải một sớm một chiều. Bố mẹ cần giúp cho con phát huy những kỹ năng con đã được học.
“Hai tháng hè, cha mẹ cũng rất vất vả, vì phải đi làm. Sống ở thành phố để dành trọn hai tháng hè đưa con đi tham gia các hoạt động rất là khó. Lựa chọn các hoạt động làm sao trải đều trong hai tháng vừa học, vừa chơi nhưng vẫn an toàn, đó là mong muốn của phụ huynh” - lời tâm sự của phụ huynh Thùy Dung.
Một số bậc phụ huynh tâm sự trong chương trình
|
Bà Tuyn chia sẻ: “Thà một con dao sắc bén để đủ ứng phó với cuộc sống. Còn hơn có nhiều con dao, nhiều kỹ năng nhưng “bị cùn” chẳng thể làm được gì. Phải làm sao vận dụng kỹ năng sống đã học vào thực tế, đừng để trẻ học kỹ năng rồi trôi theo mùa hè".
Vì vậy, dù chương trình hè có đầy đủ kỹ năng và trẻ tiếp thu được nhiều kiến thức thì hãy đưa nó vào trong “ngăn hộc”. Đó mới là cách giúp trẻ phát triển toàn diện về tư duy lẫn thể chất. Từ mẫu giáo, trung học, THPT và tương lai, phụ huynh cần phải có xuyên suốt và duy nhất một lộ trình tùy thuộc vào tâm sinh lý, độ tuổi của đứa trẻ để biết những kỹ năng, phẩm chất cần giáo dục cho trẻ.