Cụm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson thực hiện chiến dịch tuần tra ở Biển Đông |
Mỹ có rất nhiều vấn đề chính sách đối ngoại lớn và phức tạp, đa dạng từ các nhóm khủng bố như IS và Al-Qaeda ở bán đảo Ả Rập đến các nỗ lực của Nga nhằm giành lại vị thế cường quốc trên thế giới. Một vấn đề khác nữa là Biển Đông cũng đã thúc đẩy tham vọng của Trung Quốc.
Các tranh chấp đi liền với hành vi quân sự hóa trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông có thể tác động khiến các nhà hoạch định chính sách của Mỹ tin rằng đối đầu quân sự với Trung Quốc là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, một cuộc xung đột Mỹ-Trung hoàn toàn có thể tránh được nếu Mỹ chọn lựa chính sách một cách cẩn trọng và thực thi chiến lược khôn ngoan mà chưa cần tới giải pháp quân sự.
Biển Đông là vùng biển giàu tài nguyên thiên nhiên. Theo Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ, có khoảng 11 tỷ thùng dầu và 190 nghìn tỷ feet khối khí đốt tự nhiên được dự trữ trong khu vực tranh chấp nóng bỏng này. Tuy nhiên, Trung Quốc lại cho rằng khu vực này còn có thể dự trữ tới hơn 200 tỷ thùng dầu và gần 750 nghìn tỉ feet khối khí đốt tự nhiên.
Không bàn đến số lượng chính xác là bao nhiêu, con số ước tính này cũng có thể là nguyên nhân chính khiến Trung Quốc tiếp tục tuyên bố chủ quyền phi pháp trong khu vực. Vì Trung Quốc vẫn tiếp tục đưa ra các sáng kiến kinh tế, nguồn dầu lửa và khí đốt không giới hạn này vẫn là ưu tiên quốc gia của nước này.
Ngoài ra, Biển Đông cũng chiếm đến 12% lượng đánh bắt hải sản toàn cầu. Vì Trung Quốc tiêu thụ đến 25% sản lượng thủy sản trên toàn cầu, cho nên nước này vẫn tiếp tục tuyên bố chủ quyền ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế với phần lớn khu vực và khăng khăng cho rằng ngư dân của mình được quyền đánh bắt ở đây.
Trong một phiên điều trần gần đây trước Thượng viện, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã tuyên bố: “Chúng ta phải gửi đến Trung Quốc một thông điệp rõ ràng, thứ nhất, hành vi xây dựng đảo (phi pháp) phải dừng lại, và thứ hai, nước này sẽ không được cho phép tiếp cận các hòn đảo nhân tạo”. Tuyên bố của ông Tillerson rõ ràng đã cho thấy tổng thống Mỹ Donald Trump và chính quyền mới của Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu các hành vi của Trung Quốc vẫn tiếp diễn.
Phát biểu này có giọng điệu tương tự với lời lẽ của ông Steve Bannon - cố vấn cao cấp của ông Trump - trong một bản tin hồi tháng 3/2016, ông Bannon đã tuyên bố : “Chúng ta (Mỹ) sẽ tham chiến trên Biển Đông trong vòng 5 đến 10 năm tới.”
Theo AsiaTimes, ông Trump và đội ngũ an ninh quốc gia của ông cần hiểu rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc về cơ bản là vì nhu cầu tài nguyên chứ không phải vì chủ quyền. Theo những báo cáo gần đây, dân số Trung Quốc sẽ đạt xấp xỉ 1,4 tỷ người vào năm 2020. Vì dân số Trung Quốc tiếp tục tăng lên, nhu cầu sử dụng tài nguyên như thủy sản và dầu lửa cũng tăng theo. Nếu Trung Quốc không đủ khả năng nuôi sống dân cư của mình trong tương lai, điều này có thể sẽ dẫn tới xung đột, dù có sự can thiệp của Mỹ hay không.
AsiaTimes đề xuất Mỹ nên cân nhắc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh gồm các bên yêu sách để tiến hành đối ngoại nghiêm túc về việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình cũng như phương thức phân chia hợp lý các nguồn tài nguyên trên Biển Đông.
Mỹ nổi tiếng với lịch sử can thiệp vào các nước khác và dẫn đến những thiệt hại lớn về tính mạng không đáng có. Mỹ có trách nhiệm bảo vệ lợi ích chiến lược của mình ở Đông Á. Tự do hàng hải sẽ là vấn đề hàng đầu khi đối phó với Trung Quốc trên Biển Đông. Mỹ không thể mạo hiểm đối đầu quân sự trên vùng lãnh thổ đang tranh chấp này cho đến khi mọi biện pháp ngoại giao khác đều đã thất bại.
Mỗi năm có khoảng 5.000 tỷ USD hàng hóa đi qua Biển Đông. Chỉ khi các tuyến đường vận tải này bị đe dọa thì Mỹ mới cân nhắc ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận khu vực. Kích động một cuộc đối đầu quân sự sẽ không phải là một lựa chọn thông minh trong việc sử dụng các nguồn tài nguyên hạn chế mà nước Mỹ hiện đã triển khai trên các chiến trường.
Theo AsiaTimes, cho đến khi Trung Quốc manh động cản trở hoạt động thương mại trên Biển Đông, tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Tillerson nên phát triển một chiến lược ngoại giao. Làm như vậy sẽ giảm được nguy cơ xung đột quân sự và ngăn chặn các tính toán chiến lược sai lầm của cả hai phía.