Trước đó, trong phần trả lời thẩm vấn tại phiên tòa, bà Vũ Thị Kim Ngọc, đại diện theo ủy quyền của Ngân hàng Thương mại TNHH Một thành viên Đại Dương đã một mực yêu cầu HĐXX buộc các bị cáo và các khách hàng phải bồi thường cho ngân hàng số tiền 1.576 tỷ đồng, mà bà cho rằng đây là con số thiệt hại của ngân hàng căn cứ theo kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT và cáo trạng của Viện Kiểm sát.
“Bị cáo cảm thấy rằng rất là buồn, khi Ngân hàng Đại Dương ở đây là nguyên cáo. Đúng ra thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải là nguyên cáo. Bởi vì là bị cáo làm sai với NHNN, làm lợi cho Ngân hàng Đại Dương. Giá như Ngân hàng Đại Dương đứng ở đây nói đỡ cho bị cáo và các đồng nghiệp của bị cáo, tốt hơn là đứng đây đòi tiền”, Hà Văn Thắm nói.
Cũng theo cựu Chủ tịch OceanBank: “Thậm chí xin lỗi Ngân hàng Đại Dương, bị cáo nghĩ thêm rằng là, giá như Ngân hàng Đại Dương cẩn thận với sự việc của bị cáo cũng như các đồng nghiệp ở đây của bị cáo - là những người xuất sắc nhất của Ngân hàng Đại Dương đang phải đứng trước vành móng ngựa - thì Ngân hàng Đại Dương đã đang bổ nhiệm những người không xuất sắc còn lại, những người không bị truy tố còn lại. Để người ta lừa đảo mất mấy trăm tỷ như trường hợp ở Chi nhánh Hải Phòng. Dẫu chăng là mình hãy ở lại để giữ”.
Hà Văn Thắm bày tỏ: Bị cáo là người thiết kế ra thương hiệu của Ngân hàng Đại Dương, là người đã cùng với các đồng nghiệp ở đây đã đổ rất nhiều mồ hôi xương máu, coi Ngân hàng Đại Dương như ngôi nhà của mình, coi đồng nghiệp như anh em của mình. “Nên là dù là ngân hàng bây giờ không còn là của mình nữa nhưng vẫn thấy rất xót xa”.
“Tại sao đứng ra đòi cái tiền - mà đúng ra ngân hàng đã được hưởng rồi. Lại không đi lo đi giữ những tài sản đó, là tài sản của nhân dân, tài sản của ngân hàng. Chứ bị cáo nghĩ rằng là đòi như vậy thì rất xấu hổ”, bị cáo này tiếp tục.
Bởi theo Hà Văn Thắm, bị cáo không điên gì để mà đi cố tình làm trái – bị cáo nghĩ rằng là bị cáo là người hiểu biết. “Bị cáo rất sợ Thống đốc, cho nên đã cố tình phải làm như vậy thì rõ ràng phải có động cơ của mình. Mà trong trường hợp này, động cơ duy nhất của bị cáo và các đồng nghiệp cấp dưới của mình - họ làm việc không hưởng lợi gì - chỉ làm lợi cho bị cáo. Họ chỉ hưởng lương mà thôi, đâu được thêm gì cả”.
“Cho nên bị cáo thấy là, trong cái việc xác định tội phạm ở đây, cáo trạng rất có vấn đề. Mong Viện Kiểm sát xem xét lại. Nếu như không thiệt hại thì yếu tố chiếm đoạt ở đây cũng rất là mờ nhạt. Mong HĐXX xem xét cho bị cáo”, Hà Văn Thắm nói.
“Bị cáo mong HĐXX cho bị cáo một cơ hội. Với hành vi như vậy thì bị cáo nghĩ, HĐXX không nỡ lòng nào để cho bị cáo phải ra khỏi xã hội một cách vĩnh viễn. Mà HĐXX sẽ đại diện cho xã hội, giơ bàn tay ra để đón nhận bị cáo vào một ngày nào đó được quay lại với xã hội.
Một lần nữa bị cáo nói là bị cáo đã nhận tội rồi nhưng nếu HĐXX hôm nay không đại diện cho nhân dân mà đại diện cho tòa án của lương tâm và của đạo đức nghề nghiệp thì bị cáo sẽ xin HĐXX xử bị cáo vô tội.
Bởì bị cáo nghĩ rằng, giống như các đồng nghiệp, bị cáo làm vì những động cơ, mục đích không vi phạm đạo đức, từ trong hoàn cảnh rất ép buộc.
Nếu quy kết bị cáo có tội như thế thì rất oan uổng, rất nặng nề, rất khắc nghiệt cho bị cáo. Kính mong HĐXX xem xét”, Hà Văn Thắm kết thúc bài tự bào chữa như vậy.
Trong phần tự bào chữa khá dài của mình, Hà Văn Thắm cũng sắp xếp một khung thời gian để nói về tình hình nợ xấu của OceanBank.
Cựu Chủ tịch OceanBank nói, trước khi bị bắt, ngày 13/10/2014, bị cáo đã có báo cáo với NHNN, rằng OceanBank đã thu hồi được 8.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, anh Quân – trưởng đoàn thanh tra của NHNN có giải thích là mặc dù như vậy nhưng báo cáo thanh tra của tôi chốt đến thời điểm 31/3, con số 8.000 tỷ là sau khi chúng tôi nhắc nhở, anh thu hồi được, con số đó tôi không quan tâm.
“Nhưng nếu thực sự là nợ xấu thì làm gì bị cáo thu được nhiều như thế (?!)”, Hà Văn Thắm nói.
Theo Cựu Chủ tịch OceanBank, trước thời điểm bị cáo bị bắt, số liệu của OceanBank đã không phải như số liệu của cơ quan thanh tra. Bị cáo có xin cơ quan thanh tra ghi nhận lại, tuy nhiên cơ quan thanh tra đã chốt ở thời điểm 31/3/2017. Ông đánh giá, điều này đã gây nên cái nhìn rất xấu từ dư luận và các vị lãnh đạo Nhà nước khi nhìn vào số liệu của OceanBank.
Bị cáo Hà Văn Thắm cũng đề cập đến vấn đề OceanBank bị mua lại 0 đồng. Ông nói, được thông báo trong quá trình điều tra, Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã yêu cầu tất cả các doanh nghiệp của ông khi mua bán đều phải hỏi ý kiến và có chữ ký của ông, thì mới được phép mua bán, kể cả doanh nghiệp không đứng tên ông - cơ quan điều tra biết rõ DN nào là của ông.
“Thế nhưng, việc này chỉ được thực hiện đối với các DN khác mà không được thực hiện với DN lớn nhất của bị cáo là OceanBank. Bị cáo không được hỏi, không được ký và không được biết gì cả, thậm chí 1 năm sau mới được thông báo chính thức”, Hà Văn Thắm trình bày.
Hà Văn Thắm cũng nhắc lại một chi tiết từng nêu, đó là sau ngày 31/3/2014, theo yêu cầu của PVN, bị cáo đã tìm được đối tác của Singapore và Việt Nam. Họ có văn bản đồng ý mua phần vốn góp của PVN với giá 800 tỷ đồng, tức là PVN sẽ không mất đồng nào. Thủ tướng đã đồng ý, tuy nhiên rút lại công văn đồng ý đó. Việc rút lại do NHNN sợ bán với giá 1.0 có thể bị thiệt, và NHNN đề nghị được chủ động xử lý việc này để có lợi hơn cho Nhà nước.
“Bị cáo rất buồn vì giá trị của Ngân hàng Đại Dương cho đến thời điểm này rất cao. Việc Ngân hàng Đại Dương bị mua lại, có chăng vì các bị cáo bị bắt, dẫn đến việc thanh khoản do dân rút tiền mà thôi”, Hà Văn Thắm bày tỏ./.