Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tỷ lệ nghỉ hưu đúng tuổi chỉ chiếm khoảng 40,5%, số người nghỉ hưu sớm trước tuổi chiếm tỷ lệ cao, trên 50%. Tuổi nghỉ hưu bình quân năm 2012 chỉ khoảng 54 tuổi, trong đó nam khoảng 55 tuổi và nữ là gần 53 tuổi, thấp hơn nhiều so với quy định (55 tuổi với nữ và 60 tuổi với nam).
Trong khi đó, khi tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam hiện nay là 73 tuổi. Như vậy, thời gian hưởng lương hưu kéo dài, lên tới khoảng 20 năm.
Sơ với thời điểm năm 1995, thời điểm BHXH đề ra nguyên tắc "có đóng có hưởng" mà hiện nay đang thực hiện, thời gian hưởng lương hưu đã tăng lên 7 năm. (Thời điểm năm 1995, người Việt Nam có tuổi thọ trung bình khoảng 67 tuổi, bình quân tuổi nghỉ hưu là 54 nên thời gian hưởng lương hưu khoảng 13 năm).
Để khắc phục tình trạng này, BHXH đang đề xuất điều chỉnh tuổi nghỉ hưu.
Tuy nhiên, đây là vấn đề hết sức nhạy cảm và tác động sâu rộng tới tất cả các mặt của đời sống xã hội, do vậy để tạo sự đồng thuận cao, cơ quan chủ trì phải tính toán hết sức khoa học và chặt chẽ, trong quá trình triển khai cần có sự chuẩn bị về tâm lý cho người lao động, người sử dụng lao động và cần có lộ trình phù hợp. Bên cạnh đó, phải lường trước những tác động của chính sách, để khi chính sách mới được ban hành sẽ mang lại những điều tốt hơn cho người lao động
Được biết, nguyên nhân của việc nhiều người lao động về hưu sớm là do tỷ lệ giảm trừ cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi thấp. Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, tỷ lệ giảm trừ cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi chỉ là 2% (năm 2006 là 1%). Tuy nhiên, theo khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tỷ lệ giảm trừ này phải từ 5 đến 6%/năm thì mới hạn chế số người nghỉ hưu trước tuổi.
Ngoài ra, quy định giảm tuổi nghỉ hưu trong chính sách tinh giản biên chế, giải quyết đối với lao động dôi dư... và các nhóm đối tượng khác trong Luật Bảo hiểm xã hội cũng chưa thực sự hợp lý làm cho tuổi nghỉ hưu bình quân thực tế thấp hơn nhiều so với quy định.