Bắt tay thay đổi cung cách quản lý công sản

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung đang được trao một nhiệm vụ nặng nề. Ông được lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu thiết kế giúp Chính phủ một nghị định thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu nhà nước.
Ở cấp vi mô những quy định về đất đai còn rất méo mó, các thủ tục hành chính rất rườm rà, chưa vận hành theo quy tắc thị trường. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ
Ở cấp vi mô những quy định về đất đai còn rất méo mó, các thủ tục hành chính rất rườm rà, chưa vận hành theo quy tắc thị trường. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ

Cơ quan này sẽ giúp giải quyết tách bạch chức năng quản lý nhà nước và vai trò chủ sở hữu nhà nước ở doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Đây là vấn đề gây đau đầu lâu nay, nhưng phải giải quyết sớm do các nghị quyết của Đảng và Chính phủ đã yêu cầu rất kiên quyết.

Ông Cung nói: “Chúng ta đã có đánh giá tổng kết trong và ngoài nước rất rõ ràng, và được thực tiễn chứng minh là để cải thiện quản trị DNNN, thì điều đầu tiên là nâng cao hiệu quả, có cơ quan chuyên trách độc lập thực hiện quyền chủ sở hữu tách khỏi chức năng quản lý nhà nước. Song, tiếc là từ nhận thức đến hành động còn có khoảng cách mất đến vài chục năm”.

Khu vực DNNN, bao gồm các doanh nghiệp có trên 50-100% sở hữu nhà nước, theo tính toán của Tổng cục Thống kê, đang chiếm tới hơn 5,4 triệu tỉ đồng (gần 245 tỉ đô la Mỹ). Đó là số tài sản công cực lớn, thế nhưng, như Kết luận số 50 của trung ương khẳng định, “thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả, thậm chí tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật là do quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước không tốt, không rõ trách nhiệm”.

Trong bối cảnh các nguồn lực của đất nước cho phát triển đã tới hạn, nỗ lực thay đổi trong quản lý nhà nước như trên để tìm không gian phát triển là rất đáng chú ý. Tuy nhiên, điều đó là chưa đủ. Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách châu Á - Thái Bình Dương Victoria Kwakwa nói tại một hội nghị đầu tuần này: “Việt Nam muốn phát triển thì phải xây dựng nền kinh tế hiện đại dựa vào tăng năng suất. Đó là yếu tố quyết định”. Lời nhắn nhủ của bà Kwakwa, người có kinh nghiệm bảy năm ở Việt Nam trên cương vị Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới, là đầy trọng lượng.

Trong Báo cáo 2035 đầy đủ, dự kiến sẽ công bố vào tháng 6 này, mà ông Nguyễn Đình Cung tiếp cận được, Ngân hàng Thế giới tính toán rằng tài sản công của Việt Nam lớn hơn 4 lần so với GDP, tức khoảng 800 tỉ đô la Mỹ, lớn hơn nhiều so với khoảng 245 tỉ đô la Mỹ mà khu vực DNNN đang nắm giữ. Khối tài sản cực lớn này, nếu được quản trị tốt, hẳn đất nước sẽ khác. Ông Cung nói: “Tài sản công lên tới 800 tỉ đô la. Nếu chỉ nâng 1-2% hiệu quả thì đất nước đã có thêm 8-16 tỉ đô la, tương ứng với 5% GDP. Vì thế, tôi nói nếu chúng ta quản trị tốt thì Việt Nam có thể tăng trưởng  trên 10%”.

Điều quan trọng nhất tôi nghĩ là phải có một cơ quan nhà nước quản lý được tài sản quốc gia”.
Nguyễn Đình Cung -  Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Những lý luận này của ông Cung hoàn toàn được bà Kwakwa chia sẻ. Trong một hội thảo giới thiệu về Báo cáo 2035 đầu tuần này, bà nói: “Hiện đại hóa nền kinh tế và cải cách thể chế đòi hỏi Chính phủ phải xác định lại vai trò của mình, làm rõ giới hạn giữa Nhà nước và thị trường”. Nhận định ở mức khái quát cao này, trên thực tế, lại rất rõ ràng ở cấp vi mô. Ông Sandeep Mahajan, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới, bổ sung thêm: “Các nguồn lực phải được sử dụng tốt. Nếu Việt Nam không phân bổ vốn, hay đất đai cho các dự án năng suất nhất, thì các yếu tố năng suất còn suy giảm. Phân bổ vốn và đất đai hiệu quả trong các lĩnh vực khác nhau thì sẽ thúc đẩy thị trường”. Ông cho rằng, ở cấp vi mô những quy định về đất đai còn rất méo mó, các thủ tục hành chính rất rườm rà, chưa vận hành theo quy tắc thị trường. “Ví dụ, khi chính quyền một tỉnh chuyển đổi đất nông nghiệp, thì ai là đối tượng được tiếp cận đất đấy?”.

Dù không trực tiếp, bà Phạm Chi Lan, một trong những người tham gia sâu vào Báo cáo 2035, có câu trả lời: “Đó là chủ nghĩa thân hữu. Đang có sự phân biệt rất rõ ràng giữa các doanh nghiệp thân hữu (với chính quyền) là các DNNN, là số lớn các doanh nghiệp FDI, một số ít tập đoàn tư nhân lớn của Việt Nam với phần đông các doanh nghiệp nhỏ và vừa khác”. “Vì sao thân hữu ở Việt Nam nhiều đến thế?”, ông Cung đặt câu hỏi, rồi tự trả lời: “Vì Nhà nước có quá nhiều thứ để cho, Nhà nước có quá nhiều và thị trường lại có quá ít. Song, vấn đề là Nhà nước cho không minh bạch, không chịu trách nhiệm giải trình”. Ông cho rằng, cải cách nay phải nằm ở khu vực nhà nước, và để tạo sức ép để Nhà nước cải cách, thì doanh nghiệp và xã hội cũng phải thay đổi.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư Pháp Hoàng Thế Liên đồng tình với ông Cung khi cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần phải xây dựng nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường, và các tổ chức xã hội. Ông nhận xét, trên thế giới có nhiều thể chế dung nạp, và có thể chế cướp đoạt. Nhìn nhận về Việt Nam, ông Liên nói: “Chúng ta cần phải có thể chế dung nạp để mọi người có thể tham gia vào quá trình phát triển”.

Là người gắn bó với doanh nghiệp lâu nay, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nhận xét, những yếu tố tạo nên năng suất cao những năm 2000 đến nay đã bị cạn kiệt. Các yếu tố thị trường không được cải cách kịp thời; đất đai, vốn vẫn dồn nhiều cho DNNN, và cho những doanh nghiệp tư nhân thân hữu thay vì cho các doanh nghiệp cạnh tranh cao trong nền kinh tế. Các DNNN đang nắm giữ rất nhiều tài sản và vốn liếng; các cơ quan nhà nước lại can thiệp hành chính quá nhiều, làm không gian cho doanh nghiệp tư nhân trở nên quá chật chội. “Sự phân bổ các yếu tố thị trường không theo kịp nhu cầu phát triển. Đó là trách nhiệm của Nhà nước”, ông Lộc nói.

Hơn mọi lời nói, ông Cung nhận thức mình đang có cơ hội hành động để thay đổi một phần của cuộc chơi với trách nhiệm xây dựng nghị định nói trên. “Điều quan trọng nhất tôi nghĩ là phải có một cơ quan nhà nước quản lý được tài sản quốc gia. Tài sản công lớn như thế, giá trị như thế, thì ai đang được hưởng lợi? Đây đang là yếu tố làm méo mó thị trường nhiều nhất, làm xã hội kém minh bạch nhất. Chúng ta phải bắt đầu từ điểm này”.

Được biết, sau ông Cung là sự ủng hộ của các lãnh đạo bộ, và của các văn bản cấp cao của cả Đảng và Chính phủ. Liệu sẽ có đột phá trên hành động?

Theo TBKTSG