Theo tin của Nikkei Asia Review ngày 1.6, mặc dù có một số công ty muốn tiêu thụ hàng hóa sản xuất ở Trung Quốc tới các nơi khác trên thế giới để tránh mức thuế cao của Mỹ; nhưng thủ đoạn lợi dụng làm giả nơi sản xuất để gián tiếp xuất khẩu sang Mỹ cũng có thể đã gia tăng.
Tờ Nikkei Asia Review đã căn cứ các số liệu của Ủy ban mậu dịch quốc tế Mỹ (the U.S.International Trade Commission) và Trung tâm mậu dịch quốc tế (the International Trade Centre), tiến hành phân tích tình hình lưu thông hàng hóa Trung – Mỹ và các nơi khác trên thế giới; đặc biệt là 5 loại sản phẩm có mức sụt giảm lớn nhất, gồm: máy móc và phụ tùng, thiết bị điện tử và linh kiện, đồ dùng gia đình, đồ chơi, xe hơi và phụ tùng xe.
Các mặt hàng máy móc và phụ tùng cùng thiết bị điện tử và linh kiện Trung Quốc do bị ảnh hưởng bới mức thuế cao, lượng tiêu thụ tới Mỹ đã giảm rất rõ. Lấy ví dụ quý I năm 2019, giá trị máy móc và phụ tùng xuất sang Mỹ giảm 5 tỷ 770 triệu USD; còn thiết bị điện tử và linh kiện giảm 4 tỷ 460 triệu USD.
Lượng hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ trong quý I/2019 đã giảm tới 12% do Mỹ tăng thuế
|
Quý I năm nay, 5 loại sản phẩm lớn trên đây tiêu thụ sang Mỹ giảm 16%, tổng trị giá 12,2 tỷ USD. Tuy nhiên, lượng hàng từ Trung Quốc tiêu thụ sang các quốc gia đang phát triển và lượng hàng từ các quốc gia này tiêu thụ tới Mỹ đều gia tăng với mức độ lớn; trong đó nổi nhất là số lượng hàng xuất khẩu qua đường Đài Loan, Việt Nam và Mexico.
Trong 5 loại sản phẩm nêu trên, kim ngạch xuất khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam tăng 1,5 tỷ USD (tỷ lệ tăng 20%); còn kim ngạch hàng hóa từ Việt Nam tiêu thụ sang Mỹ tăng 2,7 tỷ USD (mức tăng tới 58%).
Đồng thời, kim ngạch tiêu thụ 5 loại sản phẩm trên từ Trung Quốc Đại Lục sang Đài Loan tăng 1,4 tỷ USD (tăng 23%); còn kim ngạch từ Đài Loan tiêu thụ sang Mỹ tăng 2 tỷ USD ( tăng 31%). Tương tự, tỷ lệ hàng hóa thuộc 5 loại trên từ Trung Quốc tiêu thụ tới Mexico tăng 14,3%; số lượng hàng hóa tiêu thụ từ Mexico tới Mỹ cũng gia tăng. Tháng 3 năm 2019 vừa qua, Mexico đã thế chỗ Trung Quốc trở thành quốc gia có lượng hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ lớn nhất.
Theo Nikkei Asia Review thì sự phát triển đó có liên quan đến việc một số công ty có nhà máy sản xuất ở Trung Quốc tạm ngừng hoặc giảm thiểu việc trực tiếp xuất khẩu sang Mỹ, mà chuyển nguyên liệu và linh kiện tới một số quốc gia châu Á khác và Mexico để lắp ráp rồi chuyển tiếp tới Mỹ.
Thực ra, có một số công ty Trung Quốc cũng mở nhà máy ở các nước châu Á; nhất là Việt Nam có vị trí địa lý liền kề với Trung Quốc, giá nhân công lại rẻ, khá thu hút ngành công nghiệp chế tạo Trung Quốc tới đầu tư.
Tuy nhiên mặt khác, tình hình người Trung Quốc đi đường vòng mượn đường các nước khác để gián tiếp xuất khẩu sang Mỹ cũng gia tăng rõ rệt. Tại Thâm Quyến có một công ty vận chuyển hàng hóa nhận vận chuyển hàng qua Malaysia tới Mỹ với giá 17 ngàn Nhân dân tệ/container. Ngoài ra còn có một số công ty Trung Quốc chuyển linh kiện tới các nước châu Á khác, sau khi thay đổi bao bì, đóng gói lại để qua mặt hải quan xuất vào Mỹ với xuất xứ nơi sản xuất giả.
Thay đổi xuất xứ nơi sản xuất hàng hóa là thủ đoạn thường thấy để gián tiếp đưa hàng Trung Quốc tới Mỹ tiêu thụ
|
Do những hành động gian dối kiểu này ngày một gia tăng đã khiến một số quốc gia châu Á bắt đầu thấy lo ngại, e sợ phía Mỹ sẽ đối phó, trừng phạt đối với họ. Hồi tháng 9.2018, chính phủ Việt Nam đã tịch thu một lô hàng thực tế là “Made in China” nhưng chuẩn bị xuất sang Mỹ tiêu thụ dưới nhãn mác “Made in Việt Nam”. Ngày 31.5 vừa qua, ông Donald Trump tuyên bố sẽ tăng thuế đối với tất cả các mặt hàng từ Mexico xuất sang Mỹ; một lý do quan trọng là do số lượng hàng hóa từ Mexico tiêu thụ sang Mỹ tăng lên một cách bất thường.
Bộ Kinh tế Đài Loan hôm 7.5 đã bày tỏ tăng cường giám sát các cảng mậu dịch tự do và các khu gia công sản phẩm xuất khẩu để ngăn chặn sản phẩm Trung Quốc Đại Lục lén lút chui vào Đài Loan để “tẩy sản địa” (thay đổi nơi sản xuất) rồi xuất sang Mỹ. Cục Quốc mậu Đài Loan cho biết dự định tu sửa luật mậu dịch trong đó nâng mức phạt đối với hành vi “tẩy sản địa” tăng gấp 10 lần, tức là từ 300 ngàn lên 3 triệu Đài Tệ/vụ và có thể liên tục phạt kẻ vi phạm.
Bài báo trên Nikkei Asia Review kết luận: Bắc Kinh có thể trở thành bên thua thiệt do sự thay đổi về dây chuyền sản xuất và biến động về nhân viên. Trong tháng 4, tổng lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc bị giảm 3%; nếu dùng cách tăng thêm xuất khẩu sang các quốc gia và khu vực châu Á để bù đắp thì cũng rất khó khăn.