Báo Mỹ: Ngư dân Việt quyết bám biển bảo vệ chủ quyền quốc gia

Hết lần này đến lần khác, những ngư dân Việt như ông Le Tan liên tục gặp phải những "rắc rối" khi đánh bắt cá tại ngư trường Hoàng Sa.
Ảnh: Ngư dân Le Tan quyết bám biển để bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Ảnh: Ngư dân Le Tan quyết bám biển để bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Năm ngoái, một nhóm người từ một chiếc tàu mang cờ Trung Quốc đã đuổi theo tàu của ông Tan, bắt ông và con trai ông đồng thời đe dọa họ không được ra ngư trường Hoàng Sa đánh bắt cá nữa.

"Họ đột kích vào thuyền của chúng tôi. Đầu tiên họ lấy cá, sau đó họ lấy các thiết bị cần thiết trên tàu. Những món đồ họ thích sẽ được giữ lại, còn không thì ném hết xuống biển", ông Tan nói.

Ông Tan cho biết trong 10 năm qua ông đã bị tàu Trung Quốc tấn công từ 4 đến 5 lần. Khi con trai ông Tan bị bắt, anh bị người Trung Quốc đánh và bị chấn thương cột sống.

"Nó phải ở nhà 3 tháng và không thể đi làm", ông Tan nói với CNN.

Ngư dân bị tấn công vì bảo vệ chủ quyền quốc gia

Chính quyền Việt Nam tin rằng ông Tan và hàng trăm ngư dân khác bị tấn công chỉ vì họ đang hoạt động đánh bắt cá ở quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng.

Trung Quốc nói rằng họ sở hữu gần như toàn bộ Biển Đông, dựa trên một bản đồ được vẽ hồi năm 1947, với cái gọi là yêu sách "đường 9 đoạn". Nhiều nước trong khu vực phản bác lại yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông, gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.

Nằm ngoài khơi Biển Đông, Lý Sơn là hòn đảo rộng 10 km2 và chỉ mới có điện lưới quốc gia từ tháng 10.2014. Trên đảo có khoảng 1.000 ngư dân, trong đó có ông Tan. Theo chính quyền địa phương, trong năm 2015 có đến 200 ngư dân Lý Sơn và 17 tàu đánh cá bị tàu Trung Quốc tấn công.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố họ "không có thông tin" về các vụ đánh đập và đuổi bắt ngư dân Việt trên Biển Đông, dù họ tuyên bố khu vực trên là lãnh thổ " không thể chối cãi" của Trung Quốc.

Từ năm 1999, Trung Quốc đơn phương xây dựng một lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè trên Biển Đông với lý do bảo vệ nguồn lợi hải sản.

"Trung Quốc có quyền quản lý lãnh hải thuộc chủ quyền của chúng tôi. Theo tôi được biết, lực lượng trên biển của chúng tôi luôn thực thi pháp luật một cách văn minh", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh nói; đồng thời hối bỏ hành động tấn công ngư dân Việt khi được CNN hỏi.

Quyết bám biển để bảo vệ chủ quyền quốc gia

Bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND Huyện Lý Sơn
Bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND Huyện Lý Sơn

Bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch huyện đảo Lý Sơn nói rằng dù việc đánh bắt cá có nhiều nguy cơ bị tấn công nhưng chính quyền vẫn khuyến khích ngư dân tiếp tục bám biển Hoàng Sa, nơi bà mô tả là một ngư trường truyền thống và đóng góp lớn cho nền kinh tế của đảo.

"Bằng cách tiếp tục ra biển, họ xác nhận khu vực này thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đây là điều không thể phủ nhận", bà Hương nói.

Chính phủ Việt Nam tích cực thông tin về các vụ tàu Trung Quốc tấn công ngư dân Lý Sơn như một ví dụ về hành động xâm lấn chủ quyền của Bắc Kinh. Nhà chức trách giúp ngư dân bám biển bằng cách chi tiền thay thế ngư cụ bị mất và giúp chi trả chi phí y tế.

"Với niềm tin vào quyền sở hữu quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, người dân Việt đã đóng góp nhiều tiền vào việc trợ giúp ngư dân", Chủ tịch Hiệp hội thủy sản Lý Sơn, ông Nguyễn Quốc Trinh cho biết.

"Đây là động lực giúp cho ngư dân chúng tôi cảm thấy an toàn khi ra biển", ông Trinh nói.

Cơ hội cho Mỹ xây dựng quan hệ với Việt Nam

Tàu đánh cá trên đảo Lý Sơn
Tàu đánh cá trên đảo Lý Sơn

Các nhà phân tích chính trị nói rằng sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc tại Biển Đông sẽ giúp Mỹ xây dựng mối quan hệ mới với Việt Nam.

Trong vài năm qua, Trung Quốc đã có những động thái gây hấn tại Biển Đông như xây các đảo nhân tạo phi pháp, triển khai tên lửa phòng không ra quần đảo Hoàng Sa...

Trước chuyến thăm của Tổng thống Obama đến Việt Nam, Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, ông Daniel R. Russel gọi Việt Nam là "một đối tác ủng hộ Luật Biển và các quy định pháp luật trong không gian hàng hải, trong việc giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông".

Chính quyền Mỹ đã thực hiện hàng loạt cuộc "tuần tra hàng hải" trên Biển Đông, nhấn mạnh quyền tự do di chuyển trong vùng biển này của tất cả các quốc gia trên thế giới. 

Hoạt động của Mỹ khiến Trung Quốc tức giận. Bắc Kinh nhiều lần cáo buộc Washington đang "kích động xung đột và gây nguy hiểm cho sự ổn định khu vực".

Về phần mình, Việt Nam lại không khó chịu trước các hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ. Hồi tháng 1, ông Lê Hải Bình, người phát ngôn  Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng: "Việt Nam tôn trọng quyền đi qua vô hại trên lãnh hải".

 Theo CNN, Một thế giới