Hôm nay cả nước “khai giảng”. Hai chữ “khai giảng” luôn làm tôi bị giật mình bởi cái ấn tượng từ mơ hồ đến mỗi lúc một rõ rệt hơn về sự chứa đựng ngữ nghĩa, tư duy và “truyền thống” dằng dặc trong nó.
“Khai” là mở ra, là bắt đầu; “giảng” là trình bày kiến thức một cách cặn kẽ cho người khác hiểu. Và tất nhiên, “khai giảng” theo logic thông thường chính là ngày của thầy cô giáo, không có bóng dáng học trò, mà nếu có thì mờ nhạt và thụ động.
Thử so sánh với tiếng Anh. Ngày đầu tiên của năm học mới được gọi là “First day of school” hoặc “Start of a new school year”: không có chữ “giảng - teach” nào cả. “Lễ khai giảng” cũng vậy, là “Opening Ceremony of the New Academic Year", luôn là chữ “học tập”, "trường học", "sự học" chứ không phải là “giảng dạy”.
Đây không phải là chuyện câu chữ thông thường, mà nó thể hiện trong đó cả một lối tư duy, quan niệm và tư tưởng về giáo dục. Người học và sự học được đặt ở vị trí đầu tiên và là trung tâm, chứ không phải người dạy như 2 chữ “khai giảng” trong tiếng Việt của ta.
Có người hỏi tôi, rằng ngày xưa đi học có gặp được một thầy/cô nào giảng bài thật hay và để lại ấn tượng sâu đậm tới bây giờ không. Tôi nói “không”.
Có lẽ tôi bị ám ảnh thì đúng hơn là “ấn tượng”. Cái in đậm trong tâm trí tôi là hình ảnh người thầy nhập tâm với lời giảng du dương trầm bổng, và với cả cuốn sổ dày cộp, ngồi bất động nơi bàn giáo viên, đọc cho chúng tôi chép… Tôi vào đại học sư phạm, rồi trở thành một thầy giáo dạy văn. Tôi cố tránh cái “vết xe đổ” kia; nhưng cũng lạ, dường như lại chưa bao giờ lấy việc giảng bài cho thật “hay” làm mục đích trong lao động nghề nghiệp của mình.
Vậy, không giảng bài thì anh làm cái gì? Tổ chức, tổ chức và tổ chức. Giáo dục với tôi là tổ chức hoạt động học chứ không phải là truyền giảng. Thậm chí, tôi có phần ác cảm với cái sự du dương, bổng trầm, nhập hồn nhập vía trong dạy văn của nhiều người. Thay vào đó, tôi sẽ nhường “sân khấu” lại cho học trò của mình. Chúng sẽ trình bày cái điều mà chúng hiểu về một tác phẩm văn học hay một vấn đề xã hội nào đó. Rồi chúng tiếp tục phải ráng mà bảo vệ cái quan điểm ấy trước sự “tấn công” của bạn bè. Cứ như thế, ông thầy ngồi ở cuối lớp, chú tâm quan sát và sẵn sàng cố vấn khi cần thiết.
Nhận thức là cả một quá trình, và tất nhiên nó sẽ có những lầm lạc non nớt, phiến diện. Một nhà sư phạm thì phải chấp nhận cả những điều ấy để tạo điều kiện cho sự trưởng thành của trẻ. Cái sự nóng vội trong giáo dục ngày nay chính là không cho người khác quyền sai, và thế là nó gây ra sự giả tạo, đồng thời là cả nỗi sợ hãi nơi người học. Nó giết chết con người cá nhân, đày ải tất cả trong một mặc cảm càng ngày càng lớn và tỷ lệ nghịch với sự tự tin mà bất cứ nền giáo dục nào cũng cần vun bồi cho người học.
Trở lại, không/ít “giảng bài”, đó là một cách dạy học rất “nhàn”, nhưng mà vui. Tôi nói “nhàn” là bởi nếu dạy học theo kiểu cũ mà với 5 tiết liên tục trong 1 buổi dạy thì bạn sẽ rã rời, miệng đắng, cổ khô, cơm không muốn nuốt mỗi khi trở về tới nhà. Còn với cách này thì có dạy liên tục 1 tuần bạn vẫn thấy khỏe re. “Vậy thì sướng quá rồi, ai mà chẳng làm được”! Không hẳn như vậy. Đây là cách “học 100 để dạy 1”, nó đòi hỏi ở người thầy một bản lĩnh tri thức và khả năng tổ chức, hướng dẫn và dẫn dắt “cuộc chơi” để làm sao cho buổi học không bị rơi vào hình thức, và nhất là không trở thành một…”đám mổ bò”. Nghĩa là vừa phải đạt được mục tiêu bài học mà người học lại vẫn được là chính mình khi không bị cưỡng bức phải từ bỏ quan điểm cũng như miễn cưỡng chấp nhận quan điểm của người khác. Ông thầy sẽ “giảng bài”, nhưng là giảng đúng cái lúc mà học trò cần. Ông ta sẽ xuất hiện vào đúng thời điểm khi mà “nhân - duyên” đã hội đủ và chỉ cần một cái điểm huyệt rất nhẹ thì mọi thứ liền vỡ ra, chứ không phải là cứ đứng trên bục, mắt lim dim mơ màng, giảng như người mộng du để học trò ở dưới phải đánh vật với cơn buồn ngủ mặc thầy mải mê trong sự nhập hồn!
Bắt buộc học trò phải ghi chép và học thuộc thì dễ, nhưng “thuyết phục” được các em mới là chuyện khó. Và cách thuyết phục mà tôi cho rằng tiến bộ là phải tạo mọi điều kiện và cơ hội tốt nhất để học sinh có cơ hội tự-thuyết-phục-mình và thuyết phục lẫn nhau bằng những va chạm thật sự.
Những năng lực sẽ hình thành từ đây: khả năng tư duy, năng lực sử dụng ngôn từ, chiến lược hội thoại cho đến phát triển cá tính và văn hóa thảo luận; tinh thần dân chủ và ý thức tôn trọng sự khác biệt. Việc học thuộc các bài văn mẫu, dù là hay ho đến đâu, thì như chúng ta đã thấy, đều dẫn tới hủy hoại phẩm chất và tư chất của người học. Việc giảng bài du dương từ đầu tới cuối thì cũng thế, đó là một dạng văn mẫu.
Bục giảng không phải chỗ để ông thầy thể hiện bản thân mình, càng không phải là nơi để độc diễn chân lý của người dạy, dù sự diễn ấy có hay ho đến nhường nào. “Lấy học sinh làm trung tâm” không thể chỉ bằng cái câu khẩu hiệu treo lạnh ngắt trên tường mà phải bằng một hành động cụ thể, quyết liệt: dũng cảm rút lui.
Chủ nghĩa toàn-trị-chân-lý đang là một chướng ngại ghê gớm nhất ngáng đường sự khai phóng con người, và từ đó ngáng đường sự phát triển của xã hội.
Cái cung cách dạy học “rót đầy” cần phải được tiễu trừ khỏi giáo dục, và thay bằng đường lối của sự “khơi dậy”; “dạy học” phải được thay bằng “đào luyện”; giảng bài phải được thay bằng tổ chức.
Học văn không phải để trở thành nhà văn mà là để biết nói năng, biết trình bày, biết biện luận bằng một phương pháp tư duy mạch lạc và biết sử dụng ngôn từ một cách trong sáng, chặt chẽ, giàu giá trị biểu cảm, đồng thời biết tôn trọng chỗ đứng của người khác. Một mục tiêu như thế phải được thành tựu bằng một cách thức tương ứng nào đó, nhưng dứt khoát không phải bằng văn mẫu, dù là văn mẫu của sách hay của thầy.
Mỹ cảm, cái thứ mơ hồ nhưng quan trọng bậc nhất trong văn chương nghệ thuật cũng không thể đi bằng con đường của du dương luyến láy. Tôi tin rằng con người chỉ có thể xúc động khi biết nhìn thấu bản chất của hiện thực và nhìn sâu được vào bản thân mình. Như vậy, nó vẫn là câu chuyện của nhận thức, nghĩa là ngay cả trong văn chương phạm trù “cái Chân” vẫn cần được đặt lên trước hết. Từ Chân sẽ sinh ra Thiện và Mỹ, chứ không phải ngược lại.
Hai chữ khai giảng, cùng với quyết tâm đổi mới giáo dục, phải được dần lãng quên một cách có ý thức; và thay bằng “Khai trường”/ “Tựu trường”. Có một điều lạ, là mặc dù không hề vi phạm quy tắc ngữ pháp nhưng trong khi chúng ta vẫn dùng hai chữ “khai giảng” một cách rất tự nhiên như một điều hiển nhiên thì lại chưa thấy bất cứ ai nói “khai học” bao giờ. Trong ý thức của chúng ta và nền giáo dục Việt Nam, dường như cái nhận thức và tư duy giáo dục lấy người học làm trung tâm chưa bao giờ trở thành tự giác, và càng chưa bao giờ trở thành văn hóa.
Năm học mới đã bắt đầu trong diễn biến phức tạp khó lường của đại dịch, vì thế online đang là một lựa chọn tối ưu. Tuy nhiên, cách mà chúng ta sử dụng hình thức trực tuyến vẫn rất cũ kỹ, vì nó còn nằm trọn trong chữ “giảng” mà chưa bước sang chữ chữ “học” một cách dứt khoát. Và hơn lúc nào hết, đừng để chuyển đổi số giáo dục tiếp tục trở thành câu chuyện “bình mới rượu cũ”.