Minh Tuấn
Minh Tuấn

Nhà giáo

Khai giảng và tư duy giáo dục

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bài toán về thời gian đến trường của năm học mới trong tình hình dịch bệnh đang đặt ra cho chúng ta những câu hỏi lớn về thay đổi tư duy và cách thức tổ chức giáo dục.

Tối ngày 4/8, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ký quyết định ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022 đối với cấp Mầm non, Phổ thông và giáo dục Thường xuyên. Trong đó, Bộ GDĐT quy định, thời gian tựu trường sớm nhất vào ngày 1/9. Riêng học sinh lớp 1 tựu trường sớm nhất từ ngày 23/8. Tổ chức khai giảng vào ngày 5/9.

Một điểm cần lưu ý nữa trong công văn này là thời gian nghỉ học, thời gian tựu trường sớm và thời gian kéo dài năm học không vượt quá 15 ngày so với khung chung do Bộ GDĐT ban hành; tuy nhiên, ở đây Bộ vẫn cho phép một số địa phương linh động cho phù hợp với tình hình cụ thể.

Trong tình hình dịch bệnh đang diễn ra hết sức phức tạp, nguy cơ lây nhiễm cao, vấn đề an sinh xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì quyết định này của Bộ GDĐT đã khiến không ít người dân băn khoăn, lo lắng; thiết nghĩ, tâm lý ấy cũng là tất yếu.

Chúng tôi nhận thấy, trong quyết định này ngoài việc thể hiện trách nhiệm cao với nền giáo dục nước nhà thì ở đây, Bộ Giáo dục cũng cần có những thay đổi mạnh mẽ hơn nữa về tư duy và cách thức tổ chức giáo dục. Kết quả khả quan của năm học vừa qua phải nên là một cơ sở quan trọng tạo niềm tin cho một đối sách có tính chuyển mình căn cơ hơn về tổ chức dạy học.

Bên cạnh việc bám sát thực tế của tình hình dịch bệnh để mỗi địa phương có được kế hoạch năm học tốt nhất thì một sự thay đổi tất yếu về tận dụng nguồn tài nguyên số và sử dụng các “kênh” giao tiếp online một cách đắc lực sẽ vừa giúp chúng ta phát huy được hiệu quả dạy học, vừa phòng chống được những nguy cơ lây nhiễm.

Điều quan trọng của giáo dục không phải là dạy nhiều, mà là học nhiều; nói cách khác phải làm sao để dạy ít nhất nhưng học nhiều nhất; phải biến việc học thành tự học. Một tâm thế thoải mái, tự chủ bên cạnh sự trút bỏ các áp lực thành tích và các thủ tục hình thức sẽ là động cơ học tập chính đáng, tiến bộ và tích cực nhất mà một nền giáo dục cần tạo ra cho người học. Ở bất cứ đâu, khi mà việc dạy nới lỏng lại dẫn đến tình trạng học sinh không muốn học hay không thể học thì ở đó đang thực hiện một nền giáo dục lạc hậu.

Khi tham khảo ở một số nền giáo dục tiên tiến trên thế giới như Úc hay Âu châu thì chúng ta đều thấy nổi lên một điều rõ rệt, là việc dạy học online của họ rất khác chúng ta. Việt Nam đang sử dụng các phần mềm trực tuyến để thay thế cho một lớp học truyền thống, nghĩa là vẫn chỉ dùng nó để truyền giảng – mọi việc mới chỉ dừng lại ở đó. Chứ chưa thực sự có tương tác thầy - trò. Về bản chất cái gọi là học online mà chúng ta đang sử dụng trong khoảng hơn một năm qua là chỉ thay đổi phần vỏ, còn nội dung, phương pháp, tư duy giáo dục v.v. vẫn chưa có sự đổi mới, nghĩa là còn mang nặng tính đối phó hơn là một sự thay đổi có chủ đích lâu dài.

Như ở Úc, học sinh phổ thông học online nhưng chủ yếu là để thực hiện những chủ đề/dự án dưới sự hướng dẫn của giáo viên; và các em sẽ phải hoàn thành những chủ đề/dự án ấy, sau đó gửi kết quả về cho giáo viên; buổi học online tiếp theo là để nhận xét, thảo luận, tranh luận về các kết quả này. Nghĩa là không phải kiểu dùng app (ứng dụng) để thầy “giảng bài” và trò ghi chép như chúng ta, vì nó rất nhàm chán và không thể duy trì được sự tập trung chú ý của học sinh, và nhất là nó phản tiến bộ. Với cách làm như Úc, có thể nói giáo dục đã thực sự chuyển trọng tâm sang người học, thật sự lấy học sinh làm trung tâm.

Khi giáo dục thực sự chuyển đổi số, đòi hỏi thầy và trò và quản lý nhà nước phải thay đổi cách làm việc và cách tương tác để công nghệ số có chỗ phát huy. Để tài nguyên số và những ứng dụng rất “thần kỳ” thực sự giúp ích cho giáo dục thì phải đồng thời thay đổi cả tư duy giáo dục ở những chủ thể hữu quan. Không nên nghĩ quá nhiều về việc “dạy” nữa, thay vào đó hãy nghĩ đến chuyện “học”; thay vì nghĩ nhiều đến “quản lý” hãy tập trung vào “tổ chức”.

Có một điều quan trọng tuy “vô hình” nhưng lại chi phối một cách quyết định đến việc học của học sinh: thi cử. Thi thế nào sẽ học thế ấy, chứ không phải ngược lại. Nếu ra đề theo kiểu kiểm tra trí nhớ như đã diễn ra suốt nhiều chục năm nay thì học sinh sẽ lo học thuộc; nếu ra đề theo dạng tư duy thì học sinh sẽ học theo cách giải quyết vấn đề; nếu ra đề kiểu tổng hợp tri thức liên ngành thì học sinh sẽ tự đào sâu mở rộng; nếu cho điểm “sáng tạo” rất cao thì học sinh sẽ bộc lộ cá tính và theo đuổi cá tính v.v. Có nghĩa, hãy đầu tư vào thiết kế các đề thi phát triển năng lực thay vì thi kiểm tra trí nhớ ngắn hạn, là kiểu thi dung dưỡng cho lối dạy học theo kiểu phán truyền, áp đặt, rao giảng như trước nay. Chỉ một sự thay đổi như thế (khâu đề thi) thì lập tức cả nền giáo dục sẽ chuyển động theo hướng tích cực. Lúc này, việc dạy học sẽ “nhàn hơn”, hiệu quả hơn, và nhất là hạnh phúc hơn – vì học sinh đã tìm được động cơ và hứng thú học tập tích cực tự thân.

Tóm lại, vấn đề mà Bộ GDĐT cần dành nhiều tâm sức bây giờ không phải chỉ nên là khi nào và bằng cách gì để “đưa học sinh đến trường” cho đúng thời điểm, mà là tính toán về một đường hướng dựa trên tư duy giáo dục tiến bộ song hành với chuyển đổi số tổng thể và toàn diện quá trình giáo dục. Đây không phải là một bài toán tình thế, mà là “chiến lược quốc gia” về giáo dục, nó cần được thúc đẩy và vận hành ngay cả khi dịch bệnh đã đi qua.

Thay vì loay hoay với câu hỏi “Khi nào khai giảng” thì nên tập trung vào sự truy vấn “Cần học thế nào”?