Băn khoăn kỳ thi quốc gia, đề tài khoa học xếp ngăn kéo

Đổi mới kỳ thi quốc gia, đánh giá học sinh tiểu học năm 2015 theo Thông tư 30, khó khăn và biện pháp bảo đảm thực hiện, áp dụng ổn định..., đã được các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận chiều ngày 12/6.
Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) chất vấn thành viên Chính phủ.
Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) chất vấn thành viên Chính phủ.

Cụm thi chưa được xã hội đồng thuận cao

Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia sắp tới là sự trăn trở của nhiều đại biểu và cũng là băn khoăn của nhiều cử tri; nhất là phụ huynh, học sinh khi kỳ thi đang tới gần. Thực sự lo lắng về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng dù có ưu điểm nhưng việc thi theo cụm chưa được xã hội đồng thuận cao. Trả lời thắc mắc của đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, đổi mới trong kỳ thi lần này là sẽ có hai loại cụm thi. Một loại cụm thi dành cho thí sinh chỉ thi để tốt nghiệp phổ thông và tổ chức tại địa phương. Báo cáo của các tỉnh mà Bộ có được thì thí sinh đều thi tại huyện nên không có gì khó khăn so với trước khi đổi mới kỳ thi này.

Trả lời băn khoăn của đại biểu Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) đối với việc thay đổi phương thức chấm thi tốt nghiệp phổ thông năm 2015 liệu có dẫn đến thay đổi kết quả thi của học sinh hay không, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay: Việc chấm và coi thi đã có quy chế. Bộ đã họp, quán triệt với hiệu trưởng các trường đại học và Giám đốc các Sở GD-ĐT về cách thức tổ chức kỳ thi. Bộ trưởng nhắn gửi đến các học sinh chuẩn bị tốt nghiệp phổ thông trung học hãy yên tâm ôn tập, cố gắng làm bài tốt, bởi, các thầy cô luôn trân trọng, ghi nhận kết quả học tập của các em. Mục tiêu của đổi mới thi cử không phải tạo ra cú sốc, mà tạo sự biến chuyển tốt về chất lượng giáo dục. Không có chỗ cho hành vi gian lận, thiếu trung thực, phá hoại quá trình giáo dục nhân cách học sinh.

Đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An) chất vấn: “Qua trả lời của Bộ trưởng cho thấy việc tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia sắp tới có nhiều thuận lợi hơn so với trước đây. Nhưng có một số vấn đề phát sinh như cơ sở vật chất, nơi ăn ở cho thí sinh ở một số địa phương chưa đáp ứng được. Đây không chỉ là nỗi lo cho phụ huynh học sinh mà còn gây gánh nặng lên địa phương”.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, việc tổ chức thi theo cụm đã triển khai 13 năm ở 3 cụm (Cần Thơ, Quy Nhơn, Vinh) và cách đây 3 năm thì thêm cụm thứ 4 là Hải Phòng. Năm nay triển khai ở 38 cụm, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã làm việc với các địa phương, khảo sát và trao đổi kỹ với lãnh đạo các tỉnh. Đến thời điểm này, các địa phương đã vào cuộc quyết liệt, chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho thí sinh.

Điều chỉnh đánh giá học sinh tiểu học

Việc đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 cũng được nhiều đại biểu đặt câu hỏi. Đại biểu Nguyễn Văn Minh (TP Hồ Chí Minh) nêu vấn đề: “Đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 nhận được nhiều ý kiến trái chiều, nhất là tình trạng khen thưởng học sinh hiện nay, em nào cũng khen. Đánh giá của Bộ trưởng về cách đánh giá, khen thưởng học sinh hiện nay như thế nào?”.

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, nhận xét học sinh tiểu học là một bước chuyển phù hợp đang triển khai tại các nước có nền giáo dục phát triển. Việc đánh giá nhằm thay đổi động lực học cho học sinh, từ chỗ học vì điểm số sang học để hoàn thiện kỹ năng và hình thành phẩm chất. Kết quả thăm dò cũng cho thấy, việc đánh giá học sinh tiểu học khiến việc học thêm, dạy thêm đã giảm đi; nắn chỉnh lại động lực học tập; tránh việc phân loại học sinh gây cảm giác tự ti dẫn đến chán học bỏ học của học sinh yếu, các cháu được điểm giỏi thì chủ quan.

Cũng theo Bộ trưởng, để có thể áp dụng hình thức đánh giá này, Bộ GD-ĐT đã nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế với hỗ trợ của Worldbank cùng nhiều tổ chức, cá nhân, chuyên gia quốc tế và đã triển khai thực nghiệm trong 3 năm. “Nhưng trong quá trình triển khai đồng loạt thì có trục trặc nhỏ, ví dụ vấn đề khen thưởng chỗ thì khen khắt khe quá, chỗ thì khen rộng rãi quá, gia đình không biết điểm số của các cháu thế nào. Nhưng đấy chỉ là trục trặc bước đầu do chưa quen. Chúng tôi đang tiếp tục lắng nghe để có điều chỉnh”, Bộ trưởng khẳng định. 

Giải đáp băn khoăn của đại biểu Nông Thị Bích Liên (Hà Giang) về việc triển khai đại trà đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 bên cạnh ưu điểm thì đang khiến giáo viên phải vất vả hơn trước, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận đúng là công việc của giáo viên có nặng lên, vì lớp học phổ biến có sĩ số đông, ở thành phố một lớp có khi lên tới 60 học sinh. Việc đánh giá mới thực hiện, thầy, cô giáo chưa quen nên vất vả.

Thúc đẩy thị trường công nghệ

Sáng 12/6, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.   
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết: Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Thủ tướng ban hành quyết định mới về thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ và có chương trình quốc gia về phát triển thị trường công nghệ. Đồng thời, với vai trò quản lý ngành, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ xúc tiến việc tìm kiếm các nguồn đầu tư để sớm thành lập các đơn vị, các định chế trung gian trong thị trường công nghệ, góp phần hỗ trợ nguồn cung và cầu. 

Làm rõ thêm về thị trường khoa học công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết: Trước khi Luật Khoa học công nghệ năm 2000 được ban hành, Việt Nam còn chưa có khái niệm về thị trường khoa học công nghệ. Hiện nay trong giới khoa học vẫn còn 2 trường phái là: Có thị trường khoa học công nghệ hay là chỉ có thị trường công nghệ mà không có thị trường khoa học.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, kiên trì thực hiện thị trường khoa học và công nghệ, cả những ý tưởng khoa học cũng có thể chuyển nhượng, đấu giá và chuyển giao để mang lại lợi ích kinh tế. Thực tế, các kết quả nghiên cứu khoa học, ý tưởng nghiên cứu khoa học cũng tham gia được vào thị trường. Thông qua sàn giao dịch công nghệ, chợ giao dịch thiết bị công nghệ, các sự kiện kết nối cung - cầu… rất nhiều kết quả nghiên cứu được chuyển giao cho doanh nghiệp và trở thành hàng hóa phục vụ xã hội.  

Loại bỏ đề tài khoa học xếp ngăn kéo 

Đánh giá hiệu quả của các đề tài nghiên cứu khoa học hiện còn nhiều hạn chế, vẫn còn tình trạng đề tài xếp ngăn kéo, gây lãng phí cho ngân sách nhà nước, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Quân bao giờ khắc phục được vấn đề này.  

Nói về đề tài xếp ngăn kéo, Bộ trưởng Nguyễn Quân phân ra làm 3 loại. Loại 1 về nghiên cứu cơ bản chủ yếu là xếp ngăn kéo bởi tính chất của loại nghiên cứu này luôn đi trước thời đại, cần phải chờ đợi sự phát triển của xã hội đến một mức độ nhất định mới ứng dụng được.

Loại 2 là những nghiên cứu ứng dụng. Đặc điểm của loại đề tài này là để ứng dụng được phải có điều kiện đầu tư. Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, trên thực tế, nhiều đề tài đã nghiên cứu thành công nhưng không tìm được nguồn đầu tư trong khi ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ cho giai đoạn nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm. Các nghiên cứu này muốn ứng dụng được cần sự đầu tư của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thực tế, doanh nghiệp nước ta phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, chưa đủ năng lực đầu tư nên nhiều đề tài tốt vẫn phải chờ đợi. Bộ trưởng thừa nhận có một số đề tài xếp ngăn kéo thực sự, nghiên cứu xong nhưng không ứng dụng được. 

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc làm gì để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Quân nêu rõ: Luật Khoa học và Công nghệ đã có những nội dung quan trọng để khắc phục tình trạng này. Luật quy định những nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước phải là nhiệm vụ theo đặt hàng, phải xuất phát từ nhu cầu sản xuất kinh doanh và cuộc sống, không được xuất phát từ ý thích.

Nghị định cũng quy định rõ các cơ quan đặt hàng phải cam kết khi tổ chức nghiên cứu thành công phải tiếp nhận và ứng dụng thực tiễn. Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng chỉ khi nào thực hiện nghiêm túc, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, cụ thể là Luật Khoa học và Công nghệ, sẽ chấm dứt được tình trạng đề tài xếp ngăn kéo.      

Theo: Báo Tin Tức