Sự việc ở Trường Mầm non Quảng Thắng (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) là một ví dụ điển hình.
Ngày 1/7, Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa đã ban hành quyết định kỷ luật với hình thức cách chức Hiệu trưởng đối với bà Ngô Thị Hồng Lê. Các cá nhân khác, như: Nguyễn Thị Tấn (Phó Hiệu trưởng), Phạm Thị Oanh (kế toán) và Lê Thị Hải (giáo viên kiêm Trưởng ban Thanh tra nhân dân) cùng bị khiển trách.
Nguyên nhân sai phạm là do bị tập thể giáo viên trong trường tố cáo và thanh tra TP Thanh Hóa kết luận: Từ tháng 9 đến tháng 12/2018, bà Ngô Thị Hồng Lê ép giáo viên cắt xén 1.746 suất ăn của học sinh (mỗi bữa bớt từ 20-25 suất), trị giá gần 42 triệu đồng, để “tổ chức tiệc buffet cho học sinh”.
Ngoài ra bà Lê cho thu hơn 116 triệu đồng của phụ huynh để mua đồ dùng học phẩm nhưng không vào sổ và chi sai mục đích.
Một góc Trường Mầm non Quảng Thắng, TP Thanh Hóa. Ảnh: giaoducthoidai.vn |
Hiện nay, khi mà công tác phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh và “không có vùng cấm” thì nhiều cán bộ, đảng viên đã mất danh chỉ vì lộ diện đã ... ăn bẩn. Rất nhiều vụ việc cán bộ tham nhũng, tham ô từ tiền ngân sách, từ tiền hỗ trợ, từ thiện và tiền đóng góp của nhân dân bị phát hiện và xử lý.
Có thể nói, ở mỗi cấp, mỗi lĩnh vực lại có một kiểu ăn bẩn khác nhau, hết sức khó định đoán. Đó là điều rất đáng buồn trong xã hội chúng ta.
Các chuyên gia lý giải, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, nhưng có một nguyên nhân hết sức đáng chú ý đó là tâm lý không sợ bị phát hiện ra sai trái, dẫn tới hiện tượng bán danh không tính trước, hay bán danh bằng... ăn bẩn.
Cô giáo Nguyễn Thị Hòa cư trú tại huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh phân tích, tâm lý không sợ bị sai phạm trong cán bộ, đảng viên, những người có chức quyền trong bộ máy hành chính hoặc ở các cơ quan, đơn vị được bắt nguồn từ việc người đó có quan hệ thân thiết với bên trên.
Do có sự nâng đỡ, che chắn, do có “ô”, có “dù” ở bên trên giúp sức nên trước sự cán dỗ của đồng tiền, họ sẵn sàng chỉ đạo cấp dưới làm sai quy định để hưởng lợi. Tuy nhiên, khi làm mạnh, làm căng và làm đúng quy định thì dù có thân thiết bao nhiêu đi chẳng nữa cũng chẳng có “chiếc ô”, “chiếc lọng” nào ở bên trên bao che cho sai phạm.
Bởi nếu hở ra thì bản thân những “chiếc ô”, “chiếc lọng” bên trên ấy cũng sẽ bị liên lụy. Nhẹ thì kỷ luật vừa vừa do thiếu trách nhiệm và nặng thì cũng mang tội cố tình để rồi chuốc lấy cái tiếng xấu bán danh vì... ăn bẩn.
Quyết định kỷ luật cách chức là cái bán danh không thể nhục nhã hơn đối với những cán bộ ăn bẩn. Ảnh: giaoducthoidai.vn
|
Các cụ xưa nói: Có chí làm quan, có gan làm giàu. Dưới thời phong kiến, thông thường, để làm được quan thì phải mất nhiều thời gian mài dùi kinh sử và phải lều chõng đi thi Hương, thi Hội, thi Đình với bao khó khăn cực nhọc.
Thời nay, để làm cán bộ trong cơ quan công quyền, ngoài việc đầu tư học tập kiến thức đạt các tiêu chí, mỗi cán bộ phải cố gắng nỗ lực để tích lũy uy tín theo năm tháng. Việc tích lũy uy tín giúp cho cán bộ trưởng thành và được tổ chức ghi nhận, đánh giá, bố trí vào các vị trí công tác phù hợp với năng lực, để có cơ hội cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp cách mạng. Những cán bộ như vậy đã, đang lập danh bền vững và rất cần cho sự nghiệp đổi mới phát triển kinh tế-xã hội.
Thế nhưng, bên cạnh những cán bộ trưởng thành từ thực tiễn, đổ mồ hôi sôi nước mắt với công việc phục vụ nhân dân, vì sự lớn mạnh của tổ chức thì cũng có những cán bộ mũ cao áo dài, làm việc như đi chơi nhưng lại thăng tiến rất nhanh mà không rõ nguyên nhân. Thực tế là, cứ khi nào Đảng, Nhà nước ban hành tiêu chí cán bộ mới như thế nào thì họ lại chạy cho bằng được tiêu chí ấy.
Với họ, cái danh của cán bộ được xác lập không phải do mồ hôi công sức và trí tuệ cùng sự tâm huyết mà thay vào đó là tiền và các mối quan hệ khác thường rẻ mạt và đớn hén, không được bền lâu, không được dư luận xã hội chân quý.
Bởi từ vị trí và quyền lực trong công tác, họ sẵn sàng tìm mọi cách để kiếm lại những gì đã mất, trong đó có cả những việc làm sai với quy định của pháp luật. Lập danh như những cán bộ này liệu có được xã hội chân trọng và nhân dân tin tưởng?
Cái danh của mỗi người khi đã là hàng hóa và có thể bán, mua thì rất nguy hiểm. Nó không chỉ thể hiện tầm nhìn ngắn hạn mang tính vụ lợi mà còn thể hiện sự xuống cấp nghiêm trọng của đạo đức, ảnh hưởng lớn đến uy tín lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Thế nên, nếu còn cơ chế “xin - cho” trong công tác tổ chức cán bộ thì chắc chắn việc mua, bán danh còn tồn tại.
Xác lập cái danh để có vị trí, chỗ đứng xứng đáng trong tổ chức, trong xã hội và được xã hội ủng hộ, thừa nhận là việc rất đáng hoan nghênh. Thế nhưng, nếu bán danh vì... ăn bẩn thì chắc chắn danh sẽ chẳng còn.
Thế nên, tỉnh táo không lao theo vòng xoáy lợi ích và vật chất, cật lực phấn đấu và phục vụ đó là các duy nhất đúng để cái danh lưu hương muôn đời.