Tạo ra một ứng dụng phát nhạc mới vào năm 2019 là một trong những bước đi thực sự mạo hiểm. Ngày nay, có quá nhiều ứng dụng phát nhạc nổi tiếng được phát hành trên thị trường. Sự cạnh tranh là rất lớn bởi hầu hết người dùng sẽ chọn và trung thành với các ứng dụng phát nhạc nổi tiếng như Spotify hay Apple Music.
Mặc dù đã nhận thấy những khó khăn từ trước nhưng công ty chủ quản của TikTok là ByteDance vẫn tự tin vào sự thành công vào ứng dụng phát nhạc của mình. Được biết ByteDance sẽ tạo ra một ứng dụng nghe nhạc chưa từng có trên thị trường hiện nay khi kết hợp mạng xã hội với ứng dụng stream nhạc.
Ứng dụng phát nhạc của ByteDance có tên là Resso, thoạt nhìn ứng dụng này có giao diện trông khá giống TikTok. Resso đã được phát hành từ 6 tháng trước tuy nhiên mới đây người sử dụng mới biết nó thuộc quyền sở hữu của ByteDance. Ứng dụng này hiện đang có mặt tại hai thị trường lớn nhất Châu Á đó chính là Ấn Độ và Indonesia. Nhưng tính tới thời điểm hiện tại, Resso mới chỉ có 27.000 người sử dụng.
Giao diện của Resso được cho là khá giống với Apple Music (Ảnh: Abacus)
|
Thoạt nhìn, ta có thể thấy giao diện, cách sử dụng và tính năng của Resso không có quá nhiều điểm khác biệt so với những ứng dụng nghe nhạc đình đám khác như Spotify, Apple Music, YouTube Music. Cái khác của Resso với các đối thủ trên có lẽ là việc Resso được thiết kế lấy cảm hứng chính từ người đàn anh TikTok.
Ứng dụng phát nhạc đình đám Spotify cũng đã cho ra mắt tại thị trường Ấn Độ trong năm nay. Cả 2 đều cung cấp cho người dùng gói trả phí theo tháng với giá 1,68 USD tuy nhiên Spotify có thêm gói gia đình có giá 2,53 USD/tháng. Apple Music cũng đã có mặt trên thị trường này với giá chỉ 1,4USD/tháng, bằng với giá cước 1 tháng của YouTube Music.
Là một ứng dụng mới, chưa có tên tuổi nên Resso buộc phải dựa vào những tính năng độc đáo cũng như dựa "hơi" của người đàn anh TikTok để thu hút người dùng. Cho đến nay, Resso đang làm khá tốt điều này.
Resso không chỉ dừng lại là một ứng dụng nghe nhạc đơn thuần, mà nó còn được tích hợp tính năng của một mạng xã hội. Người dùng có thể bình luận trên những bài hát, tạo những video và ảnh GIF có kèm nhạc. Bạn cũng có thể chia sẻ một đoạn lời bài hát lên những nền tảng mạng xã hội khác.
Đây chính là điểm khác biệt nổi bật của Resso so với các ứng dụng nghe nhạc khác. Trong khi những ứng dụng nghe nhạc phổ biến hiện nay chỉ tập trung vào những dịch vụ nghe nhạc đơn thuần thì ở Resso nó được tích hợp thêm tính năng của một mạng xã hội qua đó âm nhạc có thể chia sẻ nhiều hơn và mang tính cộng đồng hơn.
Một trong những tính năng nổi bất của Resso đó là Vibe. Đây là tính năng cho phép bạn thêm ảnh GIF, ảnh hoặc video vào bất cứ bản nhạc nào bạn đang nghe. Sau đó bạn có thể chia sẻ với tất cả những người cũng đang nghe bản nhạc giống bạn.
Những bản nhạc trên Resso được tích hợp thêm lyric của bài nhạc giúp cho bạn có thể dễ dàng theo dõi và hát theo. Nếu bạn cảm thấy thích một bài nhạc nào đó, bạn có thể lấy một đoạn nhạc trong bài đó chia sẻ lên các trang mạng xã hội khác kèm theo những hình ảnh, những video phù hợp với đoạn nhạc đó.
Resso học hỏi ngôn ngữ thiết kế từ người đàn anh TikTok (Ảnh: Abacus)
|
Một nước đi thông minh nữa của Resso đó là sao chép ngôn ngữ thiết kế của đàn anh TikTok. TikTok là một ứng dụng nổi tiếng trên toàn thế giới, nên việc áp dụng ngôn ngữ thiết kế này sẽ giúp cho Resso dễ dàng tiếp cận hơn với người dùng. Nước đi này của Resso đặc biệt hiệu quả ở thị trường Ấn Độ, bởi nơi đây có tới hơn 120 triệu người dùng TikTok mỗi tháng.
Rất tiếc là chúng ta vẫn chưa thể tải xuống và sử dụng ứng dụng Resso bởi công ty chủ quản ByteDance hiện không cho phép các nước ngoài phạm vi thử nghiệm được sử dụng ứng dụng này.
"Nó khá thú vị khi so sánh với Spotify", ông Sunil Bishnoi - một chuyên gia tại Gurgaon, Ấn Độ cho biết. "Resso trông thú vị hơn rất nhiều, nhất là ở chức năng Vibes".
Tuy nhiên một ứng dụng mới với nhiều tính năng mới không đồng nghĩa với việc ứng dụng đó sẽ thành công. Khi nghe nhạc, Resso hoạt động giống như nhiều ứng dụng phát nhạc trực tuyến khác. Phông chữ, ảnh bìa và bố cục của Resso khiên nhiều người lầm tưởng đây là ứng dụng Apple Music.
Resso cũng đang dựa vào những nội dung video, tuy nhiên ứng dụng này không có khả năng phát tất cả các video âm nhạc mà bạn tìm kiếm như trên Youtube Music bởi nó liên quan đến vấn đề bản quyền.
Bản quyền video đang là một thách thức lớn đối với ứng dụng Resso. Mặc dù Resso đã đạt được thỏa thuận bản quyền với 2 công ty lớn nhất Ấn Độ là T-Series và Times Music, tuy nhiên họ vẫn chưa thể thỏa thuận được hợp đồng nhượng quyền với 3 công ty âm nhạc lớn nhất thế giới là Warner Music Group Corp., Universal Music Group và Sony Music Entertainment.
Resso đang cố gắng lôi kéo người dùng bằng những gói nghe nhạc miễn phí, tuy nhiên các đối thủ lớn như Spotify hay YouTube Music cũng đang trực tiếp làm điều này. Thách thức lớn nhất của Resso lúc này là việc làm thế nào để người dùng biết đến mình nhiều hơn.
Nguồn: Abacus