Đề bài: “Bác Nam mua một con bò với giá 13 triệu, sau đó bác đem bán con bò với giá 15 triệu. Nhưng vì tiếc con bò nên bác Nam đã đến mua lại con bò nhưng người kia đòi bán với giá 17 triệu. Sau đó bác Nam lại đem bán con bò với giá 19 triệu. Hỏi cuối cùng bác Nam lãi được bao nhiêu tiền?”.
Đáp án đưa ra bốn lựa chọn: lãi 4 triệu, hòa vốn, lãi 2 triệu, lỗ 2 triệu.
Đáp án đúng xác định lãi 4 triệu. Một số ý kiến chọn đáp án này cho rằng, với học sinh lớp 3, chỉ cần giải thích đơn giản là thực hiện hai giao dịch, mỗi giao dịch lãi 2 triệu, tổng lãi 4 triệu. Một số áp phương pháp hạch toán kế toán để tăng tính thuyết phục…
Nhưng, rất nhiều ý kiến không đồng tình. Có tới gần 1.000 ý kiến tranh luận về đáp án trên. Khá nhiều người chọn đáp án chỉ lãi 2 triệu, thậm chí hòa vốn, và nhiều ý kiến xoay quanh phần “lỗ” khi bán giá 15 triệu rồi mua lại 17 triệu, thậm chí cả suy luận phải vay thêm vốn khi mua lại…
Bài toán được tờ báo nói trên đưa vào mục giải trí “Cười”, vì sự thú vị mà có người xem là “hại não”.
Chuyện kinh doanh của ngân hàng cũng vậy. Có những tính toán, cân đối với những giao dịch, nghiệp vụ sản phẩm đan xen, tầng lớp mà có lẽ chỉ những “phù thủy” trong nghề kinh doanh vốn mới nắm rõ tường tận những đáp số khác nhau, và sự thú vị của nó.
Sau bài viết về một dòng chảy “lãi suất bèo” mới đây, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến khác nhau.
Cụ thể, thời gian gần đây thị trường xuất hiện các thông tin sản phẩm ngân hàng cho vay VND theo lãi suất USD. Doanh nghiệp vay VND chỉ với lãi suất 3,5%/năm, 2,8%/năm, thậm chí chỉ 1,5%/năm…, với điều kiện cam kết bán lại ngoại tệ trong tương lai.
Ý kiến chung và trực tiếp nhất: trong khi lãi suất huy động VND ngắn hạn phổ biến 4-6%/năm, ngân hàng cho vay lãi suất như trên thì hóa ra lỗ.
Theo hướng đó, các mức “lãi suất bèo” được xem là một hình thức cạnh tranh không lành mạnh, để lôi kéo, giữ chân khách hàng…
Vì vậy, có ý kiến phản hồi về sự thận trọng đối với hoạt động giám sát của Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, lại có ý kiến cho rằng, hiện Ngân hàng Nhà nước không quy định cụ thể các mức trần hoặc sàn lãi suất cho vay, ngân hàng thương mại thực hiện các mức lãi suất đó đều trong khuôn khổ cho phép (đúng hơn là không cấm), doanh nghiệp vay càng được lợi vì chi phí “bèo” so với lãi vay thông thường.
Ngược lại, một số ý kiến cho rằng, ngân hàng không hề lỗ trong chính sách lãi suất này. Chỉ là các đáp án có lãi nằm ở những chỗ khác nhau, theo nghệ thuật kinh doanh vốn của họ.
Ví như, ngân hàng bán USD ở trạng thái vốn huy động (hiện lãi suất 0%/năm), lấy VND cho vay với lãi suất rất thấp như trên vẫn có lãi.
Hoặc như tiết lộ của người trong cuộc, thực tế không hẳn là các ngân hàng cạnh tranh không lành mạnh, mà họ hoàn toàn có lãi thực với mức lãi suất cho vay 3,5%, 2,8%, thậm chí 1,5% đó. Nhưng, lãi không chỉ nằm ở lãi suất.
Cụ thể, với sản phẩm kinh doanh trên, điều kiện đi kèm là doanh nghiệp cam kết bán lại ngoại tệ trong tương lai. Ngân hàng sử dụng giao dịch này để bán ngoại tệ kỳ hạn trên thị trường. Nhiều doanh nghiệp mua ngoại tệ kỳ hạn để chủ động kinh doanh, phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Đi cùng là điểm kỳ hạn, là phần lãi các ngân hàng nhận về qua giao dịch cho vay VND và có cam kết doanh nghiệp bán lại ngoại tệ nói trên.
Tính chung, ngoài lãi ở lãi suất cho vay trực tiếp, ngân hàng có thêm lợi nhuận từ kinh doanh ngoại tệ kỳ hạn. Đáp án theo đó không nằm riêng ở phần lãi suất nhận về.
Nếu tính sâu xa hơn nữa, khi các ngân hàng dành một tỷ trọng nhất định nguồn vốn có “lãi suất bèo”, một mặt vẫn có lãi như trên, mặt khác lại giữ chân và thu hút được khác hàng tốt, khách hàng lớn.
Khách hàng quan hệ với ngân hàng không chỉ ở dư nợ, mà còn hàng loạt dịch vụ, sản phẩm đi kèm. Lãi suất càng ưu đãi, càng thu hút để bán thêm các sản phẩm, dịch vụ. Đây là phần lãi gián tiếp mà bất cứ ngân hàng nào cũng mong muốn mở rộng, gắn bó và thúc đẩy, chứ không chỉ ở “lãi suất bèo” thu từ tín dụng nói trên.
Theo VnEconomy