Lời Tòa soạn: Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại luôn thu hút sự chú ý của của các nhà giáo dục nói riêng và giới khoa học, công chúng nói chung. Nó cũng luôn gây ra không ít tranh cãi, mặc dù công nghệ giáo dục đã được triển khai từ hơn 40 năm qua. Để rộng đường dư luận VietTimes xin trân trọng giới thiệu loạt bài viết của GS Hồ Ngọc Đại tới bạn đọc.
- Bài 1: Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục
- Bài 2:"Anh nên dùng “Quy trình kỹ thuật” của anh để xử lý môn Tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam"
- Bài 3: Thực nghiệm là cái van an toàn lắp vào quá trình giáo dục thực thi công nghệ giáo dục
- Bài 4: “Tôi nghiên cứu lý thuyết và thiết kế Công nghệ giáo dục theo định hướng triết học“
- Bài 5: Phải thay đổi tận nguyên lý lý thuyết và thực tiễn hành nghề của nền giáo dục hàng nghìn năm qua
- Bài 6: Tiếng nói là "vật thật", chữ viết là "vật thay thế"
- Bài 7: "Tôi dạy trẻ em tôn trọng tiếng Việt, yêu tiếng Việt"
Giáo sư Hồ Ngọc Đại |
Ở Phương Đông, người đầu tiên mở trường dạy học là Khổng Tử. Thầy Khổng Tử có 3000 học trò, nổi tiếng nhất là Mạnh Tử, người cùng thầy lập ra học thuyết Khổng Mạnh.
Khổng Tử chia học trò và dân cư ra hai tầng lớp: Quân tử / Tiểu nhân. Ông xua đàn bà vào đám tiểu nhân, rồi đưa ra quan điểm sư phạm: Đàn bà và tiểu nhân là hạng người khó dạy.
Giới cầm quyền tận dụng triệt để uy tín của Khổng Tử với triết lý phục tùng.
Cả nước phục tùng một ông vua.
Cả nhà phục tùng một ông cha.
Vợ phục tùng chồng. Chồng chết thì phục tùng con trai.
Triết lý phục tùng vừa là con đẻ vừa là kẻ nuôi dưỡng xã hội đẳng cấp của nền sản xuất tiểu nông. Sau này, Marx có nhận xét: các cá nhân tiểu nông đều hao hao nhau như những củ khoai tây.
Thầy Khổng Tử sắp xếp “đống khoai tây” theo các nấc bậc (các đẳng cấp), lấy chữ làm tiêu chí. Chỉ cần hơn nửa chữ cũng được tôn làm thầy.
Suốt mấy ngàn năm, hình thành vững chắc một truyền thống hiếu học: Nhất tự vi sư, bán tự vi sư. Suốt mấy ngàn năm vẫn duy nhất một “Nghiệp vụ sư phạm” – nhớ mặt chữ để nhận ra chữ, cũng như nhớ mặt người để nhận ra người quen.
Dấu hiệu đáng tin nhất của người “học giỏi” là nhớ được nhiều mặt chữ, “trong bụng có một bồ chữ”.
Một nhà giàu nọ muốn con có chữ, đã mời thầy về nhà. Mỗi ngày thầy dạy một chữ. Ngày đầu tiên thầy dạy chữ nhất. Ngày thứ hai thầy dạy chữ nhị, ngày thứ ba thầy dạy chữ tam. Lão trọc phú thấy chữ dễ học vậy thì tiếc của, không cần thầy nữa. Trước khi ra đi, thầy bảo trò viết chữ vạn. Mấy ngày liền, trò viết chưa xong.
Truyền thống học chữ ở nước ta có thể tính từ Sĩ Nhiếp, một người Việt gốc Hán, cũng đã ngót nghét ngàn năm rồi!
Mấy trăm năm gần đây, Ngô Thời Nhiệm đã dùng vè để cải tiến cách học chữ Hán, học bằng vè: Thiên (là) Trời; Địa đất…
Cũng quãng mấy trăm năm gần đây, các giáo sĩ phương Tây đến nước ta truyền đạo.
Các cố đạo nhận ra chuyện sống còn là phải nói được. Con chiên nghe tiếng mẹ đẻ thì dễ vào.
Muốn nói được thì phải nhớ nhập tâm, bằng truyền miệng (như trẻ học nói). May sao, các cố đạo mang theo chữ ghi tiếng.
Dùng chữ để ghi tiếng Việt, một việc quan trọng sống còn, nhưng lại quen thuộc đối với các cố đạo đã thạo dùng chữ ghi tiếng mẹ đẻ của mình.
Trong cái may có cái rủi.
Dùng tiếng nói của con chiên để giảng đạo. Nhiệm vụ “xã hội – lịch sử” ấy các cố đạo đã làm được nhờ biết dùng chữ ghi âm. Giải pháp thực tiễn là dùng chữ cái ghi âm, cụ thể là ghi âm vị được coi là đơn vị ngữ âm nhỏ nhất của tiếng Việt.