Lời Tòa soạn: Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại luôn thu hút sự chú ý của của các nhà giáo dục nói riêng và giới khoa học, công chúng nói chung. Nó cũng luôn gây ra không ít tranh cãi, mặc dù công nghệ giáo dục đã được triển khai từ hơn 40 năm qua. Để rộng đường dư luận VietTimes xin trân trọng giới thiệu loạt bài viết của GS Hồ Ngọc Đại tới bạn đọc.
- Bài 1: Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục
- Bài 2:"Anh nên dùng “Quy trình kỹ thuật” của anh để xử lý môn Tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam"
- Bài 3: Thực nghiệm là cái van an toàn lắp vào quá trình giáo dục thực thi công nghệ giáo dục
- Bài 4: “Tôi nghiên cứu lý thuyết và thiết kế Công nghệ giáo dục theo định hướng triết học“
- Bài 5: Phải thay đổi tận nguyên lý lý thuyết và thực tiễn hành nghề của nền giáo dục hàng nghìn năm qua
- Bài 6: Tiếng nói là "vật thật", chữ viết là "vật thay thế"
Giáo sư Hồ Ngọc Đại |
Tiếng nói có âm thanh, bản thân nó là một Vật thay thế (thay cho Vật thật có thật trong cuộc sống) gắn với lịch sử người, lịch sử tộc người.
Ngôn ngữ là một sản phẩm quy ước của một cộng đồng người cụ thể.
Ngôn ngữ mang một hình thức cảm tính, có thể nhận ra bằng giác quan lý thuyết thứ nhất: tai (nghe) hay bằng giác quan lý thuyết thứ hai: mắt (thấy). Hai giác quan lý thuyết này hưởng thụ đối tượng mà không mảy may làm suy suyển đối tượng.
Nói cho người này nghe mà nhiều người khác cũng nghe thì lời nói ấy không mảy may bị suy suyển.
Bức tranh dù một người xem hay ngàn người xem thì vẫn nguyên vẹn, không hề suy suyển.
Với các giác quan khác, ví dụ Đối tượng đã “qua tay”, “qua lưỡi” (các giác quan thực tiễn) thì không còn trinh nguyên nữa.
Lời nói gió bay, không để lại dấu vết gì. Trí khôn muộn màng đã biết cách dùng chữ bắt giữ lời nói làm con tin. Chữ có tư cách pháp nhân vững chắc, tin cậy.
Ngày xưa, chữ ghi lại lời của thánh hiền thì cho rằng chữ là chữ của thánh hiền, cao xa vời vợi.
Ngày nay, chữ như một đồ dùng hằng ngày, ai cũng sắm được, giá rẻ, dễ mua. Các chú học trò ngày nay còn mua sắm cả chữ trên các bằng cấp học đường: tú tài, cử nhân, tiến sĩ…
Tôi dạy Trẻ em tôn trọng tiếng Việt, yêu tiếng Việt, học tiếng Việt theo định hướng lý thuyết thì dùng nó mới tin cậy, đem lại giá trị thực tiễn xứng đáng nhất.
Học để dùng, dùng để nói, dùng để viết. Nói đúng, viết đúng. Nói đúng ngữ pháp, viết đúng chính tả.
Ở nhà, em học nói tự nhiên như hít thở không khí.
Sáu tuổi, em nói sõi.
Bảy tuổi, em nói đúng.
Tám tuổi, em nói chuẩn.
Chín tuổi, em nói hay.
Lớn lên, đến trường, học với Thầy giáo thì sao lại có chuyện trớ trêu: Học hết lớp 12 còn viết sai chính tả. Tốt nghiệp đại học, viết đơn xin việc còn sai ngữ pháp, chỉ biết tự an ủi: phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam.
Viết sai chính tả, sai ngữ pháp là lỗi của ai? Lỗi của em hay của nhà trường? Lỗi của thầy giáo hay lỗi của nghiệp vụ sư phạm?
Ngày xưa, chỉ có 5% dân cư đi học, toàn những người chỉ biết ăn / học.
Ăn – người khác lo. Học trò chỉ lo học. Học để ngoi lên. Học để thoát khỏi chân lấm tay bùn, để ngồi mát ăn bát vàng, để làm quan hưởng lộc… Một người làm quan cả họ được nhờ.
Ngày nay, cả 100% dân cư đều đi học.