Tối 14/8, bé trai T.V.D. (27 tháng tuổi, Thanh Sơn, Phú Thọ) tới cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ tình trạng lơ mơ, mệt lả, sốt 38 độ, khó thở nhiều, ho, khò khè, tim nhịp nhanh. Các bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm gan, ngộ độc paracetamol. Mặc dù đã được các bác sĩ của Bệnh viện cấp cứu tích cực, song tình trạng sức khỏe của bệnh nhi chuyển biến xấu, rơi vào hôn mê, tiên lượng tử vong cao nếu không được ghép gan. Sau đó, bệnh nhi được chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị. Tới sáng 15/8, bệnh nhi vẫn trong tình trạng nguy kịch, phải thở máy, tiên lượng xấu. Người nhà bệnh nhân cho biết, trước khi nhập viện, bệnh nhi đã sốt cao 4 ngày, mỗi ngày đều được cho uống 4 viên thuốc hạ sốt paracetamol loại 500 mg/viên. Đây là nguyên nhân chính khiến bệnh nhi này bị ngộ độc. |
Paracetamol là loại thuốc giảm đau, hạ sốt không nằm trong diện phải kê đơn bởi thuốc này an toàn với trẻ nhỏ. Song, một trẻ có cơ thể khỏe mạnh chỉ được sử dụng từ 10 – 15mg paracetamol/1 kg thể trọng/lần và không quá 60mg/1kg nặng trong 24 giờ. Trong trường hợp 1 trẻ 27 tháng tuổi nặng 10 kg, em bé đó chỉ được uống từ 100 – 150 mg thuốc; còn người lớn có thể sử dụng tối đa 4g thuốc/ngày.
Nếu trẻ uống phải quá nhiều thuốc paracetamil, trẻ sẽ bị ngộ độc, suy gan, rối loạn tri giác, hạ đường huyết, có thể sẽ tử vong. Trường hợp của bé trai T.V.D vừa qua là một minh chứng. Chỉ trong 1 ngày, bé phải uống tới 2000 mg thuốc, tức là đã sử dụng quá liều lượng chỉ định quá nhiều, liên tục trong 4 ngày nên gây ngộ độc, nguy kịch tính mạng.
Kiên nhẫn chia liều lượng thuốc theo chỉ định
Trong trường hợp gia đình không có thuốc hạ sốt dành cho trẻ nhỏ mà chỉ có thuốc liều cao, thì tùy theo cân nặng của trẻ mà phụ huynh chia thuốc, cho trẻ uống thuốc đúng liều lượng. Ví dụ, trẻ nặng 20kg cần uống 300mg paracetamol, trong khi gia đình chỉ có thuốc paracetamol dạng viên nén 500 mg. Phụ huynh chia viên thuốc làm 3 phần, cho trẻ uống 2/3 viên.
TS. Lê Ngọc Duy - Trưởng khoa Cấp cứu - Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương.
|
Không phối hợp các loại thuốc hạ sốt
Theo TS. Lê Ngọc Duy, phụ huynh chỉ nên sử dụng thuốc hạ sốt paracetamol khi trẻ sốt trên 38,5 độ C. Trong trường hợp trẻ đã dùng thuốc hạ sốt nhưng vẫn không hết sốt, phụ huynh không nên mất bình tĩnh và cho trẻ uống nhiều loại thuốc hạ sốt khác nhau vì sẽ làm tăng nguy cơ kích ứng dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, ngộ độc…
Bên cạnh đó, phụ huynh có thể kết hợp các biện pháp vật lý khác để hạ sốt cho trẻ như: hạ nhiệt độ điều hòa, chườm mát, lau người...
Theo thống kê của Trung tâm chống độc, (Bệnh viện Bạch Mai), số ca ngộ độc paracetamol đứng thứ 2 trong số các ca ngộ độc trẻ em. Còn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, hàng năm Bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhi ngộ độc paracetamol trong tình trạng nặng chuyển tới từ cơ sở y tế tuyến dưới. TS. Lê Ngọc Duy cho biết, nguyên nhân của tình trạng này xuất phát nhiều lý do gồm: thuốc quá phổ biến nên bố mẹ thường mua cho con uống; thuốc có quá nhiều dạng bào chế với các liều lượng khác nhau vì vậy khi sử dụng dễ bị nhầm lẫn; thuốc có nhiều tên gọi khác nhau; bố mẹ bất cẩn khi cho trẻ uống thuốc; sốt cao nhưng bố mẹ tưởng nhầm uống hạ sốt liều cao sẽ khỏi; có thể do nhân viên y tế hướng dẫn bố mẹ chưa đầy đủ… Vì vậy, TS. Lê Ngọc Duy khuyên các bậc phụ huynh cần tự trang bị kiến thức về những loại thuốc thường sử dụng, hoặc tham vấn ý kiến của bác sĩ, nhân viên y tế khi quyết định cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt. Nếu trẻ có các biểu hiện bất thường, nghi ngờ dùng thuốc quá liều hoặc đã uống thuốc nhưng không có tác dụng, bố mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời. |