Apple và “bức tường phí” podcast sau hơn thập kỷ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nghe podcast đang dần trở thành một xu hướng phổ biến được nhiều người ưa thích.
Ảnh: What's New In Publishing
Ảnh: What's New In Publishing

Quay trở lại năm 2005, Steven P. Jobs, cựu CEO tài năng của Apple, đã tuyên bố tích hợp podcast vào phiên bản 4.9 của phần mềm iTunes trên máy tính. Người dùng iTunes tại thời điểm đó có thể dễ dàng đăng ký hơn 3.000 bản podcast miễn phí và mỗi tập mới sẽ được tự động gửi đến họ thông qua kết nối internet tới máy tính và iPod.

Cho đến 16 năm sau, trong sự kiện “Spring Loaded” được tổ chức vào ngày 20/4/2021, Apple một lần nữa khẳng định cam kết lâu dài của công ty đối với podcast. Nhưng lần này, thay vì giới thiệu đến người nghe về podcast, Táo khuyết đã đưa ra những gợi ý về cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho các gói đăng ký trả phí thông qua dịch vụ Apple Podcasts của hãng.

Hiện tại, những nhà sáng tạo (Creators) sẽ có tùy chọn yêu cầu trả phí khi khán giả truy cập nội dung của họ trên nền tảng của Apple, trong đó 30% doanh thu sẽ thuộc về “ông lớn” Apple.

Đăng ký trả phí (Paid subscriptions) cho đến hiện tại không còn là định nghĩa mới lạ đối với cả người dùng và bất kỳ tổ chức truyền thông nào. Với tư cách là các học giả nghiên cứu ngành podcast, John Sullivan, Kim Fox, Richard Berry đã tin rằng việc tích hợp đăng ký trả phí vào các nền tảng của podcast có thể định hình tầm quan trọng của phương tiện này theo những cách cụ thể.

Hàng triệu người biết đến podcast

Vào năm 2005, Apple đã đưa podcast trở thành xu hướng phổ biến cho cộng đồng người dùng bằng cách triển khai phương tiện này theo hướng có thể dễ dàng nhìn thấy và khả dụng ngay lập tức.

Việc biến iTunes thành một “podcatcher” tinh vi - phần mềm cho phép người dùng định vị và tải xuống các tệp âm thanh, đã hỗ trợ người dùng dễ dàng truy cập các chương trình podcast hơn.

Apple đã làm được điều này bằng cách cho phép người dùng dễ dàng tìm kiếm và thêm nguồn cấp liệu RSS podcast (RSS giúp đồng bộ hóa đơn giản, người truy cập nhanh chóng cập nhật và tìm kiếm các nội dung theo mong muốn; được sử dụng để phục vụ cho mục đích tóm lược thông tin), tạo cơ hội cho người dùng tự động truy cập các phần mới ngay khi chúng được phát hành.

Sau khi ứng dụng Apple Podcasts (hiện nay mang biểu tượng màu tím) được Nhà Táo cài đặt sẵn trên iPhone vào cuối năm 2014, có rất nhiều người đây là lần đầu tiên họ biết đến podcast, dẫn đến sự tăng trưởng lượng người nghe mạnh mẽ chưa từng có vào khoảng thời gian đó.

Ngày nay, khi trên thị trường có quá nhiều các ứng dụng podcast, với con số ngày càng gia tăng, người dùng có nhiều cơ hội và sự lựa chọn hơn trong việc khám phá và nghe podcast và hầu hết chúng được thiết kế sử dụng miễn phí cho người tiêu dùng.

Cho đến hiện nay, Apple đang sở hữu thư mục podcast lớn nhất, vừa đóng vai trò là “cánh cửa trung gian” của vô vàn ứng dụng podcast mới. Nó cũng là kho lưu trữ lịch sử podcast thông qua việc lưu trữ nguồn cấp dữ liệu RSS của các chương trình hiện đã không còn phát hành tập mới nữa.

Sự bùng nổ của podcast

Bước đột phá ban đầu về podcast của Apple được cho là nằm trong chiến lược rộng lớn hơn, nhằm tăng giá trị của các thiết bị iPod. Mục tiêu ban đầu là thu hút người dùng bằng cách cung cấp toàn bộ nội dung âm thanh miễn phí.

Nhưng cái nhìn của Steven Jobs lúc đó về podcast - cơ bản như là một đài phát thanh dịch chuyển theo thời gian, cuối cùng cũng chỉ là cái nhìn trong ngắn hạn. Điều mà ông không lường trước được đó là sự bùng nổ của nội dung do người dùng tạo ra (user-generated content). Chính điều này đã mở rộng phạm vi giá trị nội dung âm thanh đến mọi người.

Trên thực tế, sự sống động của podcast có mối liên hệ mật thiết với sự đa dạng của giọng nói và nội dung chuyên biệt.

Sản xuất podcast có thể là quá trình đơn giản như ghi lại âm thanh trên máy tính hoặc điện thoại di động, tải nội dung lên dịch vụ máy chủ lưu trữ podcast (podcast hosting) và sau đó đảm bảo rằng thành phẩm sau cùng được đưa vào danh sách với các nền tảng chính như Apple Podcasts, Spotify và Google Podcasts.

Mặc dù các công ty lưu trữ thường phải trả một khoản phí nhỏ để lưu trữ các tệp âm thanh và quản lý nguồn cấp dữ liệu của nhà sáng tạo nội dung, tuy nhiên, những ứng dụng như Anchor, ứng dụng tạo podcast, tập tin âm thanh (được Spotify mua với giá 140 triệu đô la Mỹ vào năm 2019) sẽ tải lên và đưa vào podcast miễn phí, xây dựng chương trình podcast ngày càng lớn mạnh cho Spotify.

Theo nghiên cứu, chỉ tính riêng trong năm 2020, người dùng đã tạo ra hơn 1 triệu podcast mới thông qua ứng dụng Anchor. Do RSS họat động dưới tiêu chuẩn web mở, vậy nên người nghe có thể truy cập nội dung podcast miễn phí trên bất kỳ ứng dụng hoặc thiết bị nào họ muốn cho dù là loa thông minh hay bảng điều khiển xe hơi.

Spotify độc quyền

Vào năm 2005, hoạt động kinh doanh cốt lõi của Apple chủ yếu là bán hardware (phần cứng) như iPod, máy tính Mac và sau này là iPhone, công ty này đã tiếp cận tương đối chặt chẽ với phương tiện công nghệ mới nổi.

Thay vì hoạt động như một công ty phân phối nội dung, iTunes của Apple thay vào đó hoạt động chủ yếu như một cửa hàng trực tuyến tiện lợi cho nội dung miễn phí thông qua các tệp âm thanh. Tuy nhiên, không giống như đối tác trong cửa hàng âm nhạc của mình, Apple không cho phép bất kỳ giao dịch tài chính nào diễn ra xung quanh nội dung podcast.

Do đó, đăng ký trả phí và các hình thức tạo doanh thu khác được khai thác chủ yếu từ quảng cáo trong chương trình, bán hàng và gọi vốn cộng đồng. Để bảo vệ vị thế là công ty dẫn đầu về quyền riêng tư trong ngành, Apple thậm chí không cho phép người sáng tạo podcast truy cập vào dữ liệu “Social listening” (chức năng “lắng nghe” cộng đồng mạng xã hội đang nói gì về thương hiệu, sản phẩm hoặc dịch vụ trên các nền tảng), như nhân khẩu học của khán giả hoặc thời lượng họ đã nghe một tập cho đến năm 2017.

Khi đối thủ Spotify chuyển sang lĩnh vực này và bắt đầu có được các hợp đồng độc quyền với các tài năng podcast hàng đầu như rapper Joe Budden và diễn viên hài, phát thanh viên Joe Rogan, vị thế của Apple với tư cách là điểm đến hàng đầu cho người nghe podcast đã bị đe dọa. Đối với Spotify, việc thực hiện các giao dịch podcast độc quyền với các tài năng nổi tiếng là một phương thức để thu hút sự chú ý và giữ chân khán giả vào hệ sinh thái của họ.

Chiến lược của Spotify đã bắt đầu thành công, khi lượng người nghe của Hoa Kỳ trên ứng dụng podcast của họ dự kiến ​​sẽ vượt qua Apple trong năm nay. Hiện tại, Spotify đã vượt qua Apple tại thị trường Anh.

Apple lấn sân lĩnh vực kinh doanh nội dung

Trước nguy cơ bị lung lay về địa vị, Apple đã thay đổi chiến lược và lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ, đăng ký trả phí sẽ xuất hiện trên nền tảng của họ. Apple sẽ cho phép người sáng tạo phát hành podcast của họ sau một bức tường phí (paywall) thông qua ứng dụng Apple Podcasts.

Podcaster (người làm podcast), phần lớn được cho là đã có những phản ứng tích cực trước động thái này của Apple, vì giờ đây họ có thể dễ dàng kiếm tiền từ nội dung của mình trên nền tảng podcast, nền tảng có lượng người nghe nhiều nhất (mặc dù họ sẽ phải đóng góp cho Apple một khoản phí hoa hồng khổng lồ).

Thay vì áp dụng cách tiếp cận “có tất cả hoặc không có gì", Apple đã quyết định cho phép các podcaster tự quyết định, liệu rằng họ có muốn nội dung của mình phân phối độc quyền trên Apple hay sẽ xuất hiện bên ngoài ứng dụng Apple Podcast.

Tất cả điều này có ý nghĩa gì đối với podcast?

Điểm mấu chốt lớn ở đây là Apple, bằng cách “lấy một chút” phí từ nội dung cao cấp của người sáng tạo trên Apple Podcasts, giờ đây đã có được vị thế vững chắc trong lĩnh vực kinh doanh nội dung nói chung, giống như Spotify, chúng ta có thể mong đợi nhiều chương trình độc quyền hơn từ Apple Podcast.

Lần đầu tiên, Apple cũng sẽ lưu trữ các tệp âm thanh trên máy chủ của mình, máy chủ podcast của bên thứ nhất (first-party). Điều này có khả năng sẽ “đánh cắp” cơ hội hoạt động kinh doanh từ các nhà cung cấp độc lập dịch vụ lưu trữ podcast sử dụng dữ liệu bên thứ ba (third-party), bao gồm hai công ty lưu trữ padcast Libsyn và Blubrry.

Các công ty công nghệ lớn đang tích cực tham gia vào một phương tiện phổ biến nhưng thiếu người giám sát. Giống như các cuộc cách mạng truyền thông truyền thống, họ cũng tìm cách ký kết chương trình và tìm người dẫn chương trình nổi tiếng cho các hợp độc độc quyền.

Tất nhiên, các tổ chức khác như Slate (tạp trí trực tuyến) và Stitcher (podcast) đã đưa ra các đề nghị đăng ký cho các chương trình của họ thông qua các trang web và ứng dụng di động của riêng mình. Tuy nhiên, lượng khán giả hùng hậu của Apple Podcast và Spotify có tiềm năng lớn hơn rất nhiều để quá trình chuyển hệ sinh thái podcast theo hướng nội dung trả phí cao cấp được diễn ra thuận lợi.

Có một điều chắc chắn là Apple và Spotify đã cho chúng ta cái nhìn về một tương lai của podcast mà tại đó các khu vườn đầy màu sắc được bao quanh bởi "những bức tường phí".

Theo What’s New In Publishing