Apple phạt công ty lắp ráp iPhone

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Apple đưa Wistron - đối tác đang sản xuất iPhone ở Ấn Độ vào diện quản chế và cắt các hợp đồng mới sau vụ bạo loạn của công nhân tại đây.

Nhà máy của Wistron tại Ấn Độ. Ảnh: CNN

Nhà máy của Wistron tại Ấn Độ. Ảnh: CNN

Tuấn trước, Wistron đã phải tạm dừng hoạt động dây chuyển sản xuất iPhone tại Ấn Độ sau cuộc bạo loạn trong ca làm việc đêm với sự góp mặt của 2.000 nhân viên. Các công nhân phản đối mức lương mà công ty đã trả cho họ thấp hơn nhiều so với cam kết ban đầu. Một số máy móc bị hư hỏng khiến việc sản xuất tại đây bị đình trệ.

Theo Reuters, thiệt hại ban đầu ước tính 57 triệu USD nhưng sau đó giảm xuống còn 3,5 đến 7 triệu USD. Wistron là một trong ba công ty có trụ sở ở Đài Loan được Apple trả tiền để lắp ráp iPhone. Luxshare - một đối tác khác của Apple mới mua lại hai nhà máy nhỏ của Wistron được cho là cái tên "sáng giá" trong việc thay thế chính công ty này với các hợp đồng lắp ráp iPhone lớn. Luxshare cũng có nhà máy tại Việt Nam.

Trong phản hồi được đưa ra chính thức hôm nay, Apple cho biết đang theo dõi sự việc, đưa Wistron vào diện quản chế và sẽ không trao cho công ty này bất kỳ dự án sản xuất mới nào cho đến khi mọi việc sáng tỏ. Tranh luận giữa Wistron với nhân viên, công nhân vẫn xoay quanh vấn đề tiền lương. Các sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật được hứa trả 285 USD mỗi tháng nhưng cuối cùng công ty chỉ trả 217 USD.

Bạo loạn trong nhà máy sản xuất iPhone của Wistron tuần trước. Ảnh: The News Minute

Bạo loạn trong nhà máy sản xuất iPhone của Wistron tuần trước. Ảnh: The News Minute

Apple cho biết Wistron đã vi phạm "Quy tắc ứng xử của nhà cung cấp" khi trả lương không đúng cam kết và chậm so với kỳ hạn. Việc quản lý giờ làm việc cũng không được đảm bảo theo luật lao động. Wistron gần đây phải mời một Giám đốc điều hành hàng đầu về phụ trách mảng kinh doanh của mình tại Ấn Độ.

Không được Apple cung cấp hợp đồng mới là đòn giáng mạnh vào tham vọng của Wistron. Công ty đang có kế hoạch mở rộng sản xuất khi dự kiến tuyển thêm 20.000 công nhân trong năm tới. Sau cuộc bạo loạn, giới chức địa phương đã mở cuộc điều tra và phát hiện Wistron đã thuê số lượng công nhân tăng gấp nhiều lần trong năm nay từ 5.000 người lên 10.500 người. Báo cáo cũng cho thấy nhân viên hợp đồng và nhân viên dọn phòng bị trả lương thấp trong khi nhân viên nữ phải làm thêm giờ bất hợp pháp.

Neil Shah, nhà nghiên cứu của Counterpoint cho biết với động thái cứng rắn nhắm vào Wistron, Apple đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ đến các nhà cung cấp rằng "phải tuân thủ các tiêu chuẩn của hãng". Điều này cũng sẽ giúp Apple tránh gặp các rủi ro về xung đột lợi ích với công nhân do mẫu thuẫn từ các nhà cung cấp.

Theo VnExpress