Trước đó vào ngày 14/2, đại diện phát ngôn của Cơ quan nghiên cứu không gian Ấn Độ khẳng định, đây sẽ là một kỷ lục mới của ngành hàng không và vũ trụ thế giới. Vụ phóng vệ tinh được thực hiện tại trung tâm vũ trụ Sriharikota, tiểu bang Andhra Pradesh phía Bắc Ấn Độ vào lúc 10 giờ sáng ngày 15/2 ( giờ địa phương).
Được biết kỷ lục trước đó do Nga thiết lập với 37 vệ tinh được phóng lên vũ trụ cùng lúc vào năm 2014.
Theo IndianExpress, toàn bộ 104 vệ tinh của 7 quốc gia khác nhau đều đã được phóng lên quỹ đạo Trái Đất từ tên lửa đẩy PSLV-37. Loại tên lửa đẩy PSLV này là phiên bản XL có khả năng chịu tải tới 1,75 tấn, tuy vậy trong sứ mệnh lần này, nó chỉ phải chở số vệ tinh nặng 1,37 tấn. Chiếm lớn nhất là vệ tinh quan sát Trái Đất có trọng lượng lên tới 714 kg, còn lại là 103 vệ tinh nhỏ với tổng trọng lượng 664 kg và nhỏ nhất trong đó có vệ tinh chỉ 1,1 kg.
Trong số 104 vệ tinh được phóng lên chỉ có 3 vệ tinh do Ấn Độ quản lý và sử dụng, mục đích chính là chụp ảnh độ phân giải cao về địa khối quốc gia này. Ngoài ra, Mỹ sở hữu 96 vệ tinh, và còn lại là vệ tinh của Ả rập Xê út, Israel, Kazakhstan, Thụy Sỹ và Hà Lan.
Có 88 trong số 104 vệ tinh được phóng lên do công ty Planet của Mỹ sản xuất, mỗi vệ tinh có chiều dài khoảng 10 x 10 x 30 cm và nặng khoảng 4,7 kg.
Chia sẻ với thành công của các nhà khoa học không gian Ấn Độ, thủ tướng Ấn Độ đương chức, ông Narendra Modi khẳng định đây là một "thành tích xuất sắc" và đem lại niềm tự hào dân tộc cho người Ấn Độ.
Theo Phys, những năm gần đây, Ấn Độ nổi lên như một quốc gia có chi phí phóng vệ tinh khá rẻ và đáng tin cậy, nhờ đó, ngành công nghiệp hàng không và vũ trụ tại nước này càng ngày càng được hưởng lợi nhiều hơn từ các công ty đa quốc gia trên thế giới.
Hồi năm ngoái, Ấn Độ cũng đã phóng thành công 20 vệ tinh trong cùng một tên lửa đẩy lên quỹ đạo Trái Đất. Cơ quan không gian nước này cũng đang lên kế hoạch phóng thêm 4 tên lửa vào không gian trong cuối năm nay, trước khi tiếp tục sứ mệnh khám phá Mặt trăng lần thứ hai có tên Chandrayaan-2 của nước này vào năm 2018.
Đoạn video quay lại toàn bộ quá trình phóng 104 vệ tinh vào quỹ đạo Trái Đất của Ấn Độ
Theo Báo diễn đàn đầu tư