Chính sách có thể tạo ra những thay đổi đáng kể trong chiến lược bán hàng của các đại gia bán lẻ tại Ấn Độ cũng như giảm bớt sự cạnh tranh cho các công ty trong nước.
New York Times ngày 27.12 cho biết chính sách trên có thể buộc Amazon phải ngừng cạnh tranh với những nhà bán hàng độc lập và ngừng cung cấp các sản phẩm độc quyền như loa thông minh Echo của hãng này tại Ấn Độ.
Đối với Walmart, các qui định mới có thể ảnh hưởng đến chiến lược bán quần áo và các sản phẩm khác bằng thương hiệu riêng của chính Walmart và ngăn tập đoàn này sử dụng mối quan hệ với các nhà bán lẻ để giảm giá cho người tiêu dùng Ấn Độ.
Walmart vừa bỏ ra 16 tỉ USD trong năm nay để mua 77% cổ phần của công ty bán lẻ trực tuyến hàng đầu của Ấn Độ là Flipkart.
Theo luật pháp Ấn Độ, các nhà bán lẻ thuộc sở hữu nước ngoài bị cấm bán trực tiếp bất kỳ sản phẩm nào trên các trang thương mại điện tử của họ.
Do vậy Amazon và Flipkart đã lập các công ty liên kết để bán các sản phẩm như tạp hóa, điện tử và sách trên trang mạng của các công ty này. Đại diện của Amazon và Flipkart tại Ấn Độ từ chối bình luận về các qui định mới, nói rằng công ty của họ vẫn đang đánh giá các qui định này.
Chính phủ Ấn Độ đã thông báo những thay qui định trên, có hiệu lực từ 1.2.2019, mà không có thêm thông tin giải thích nào khác tại New Delhi trong ngày 27.12 trong khi phần lớn giới kinh doanh của Mỹ và Ấn Độ đang nghỉ lễ.
Sau chiến thắng bầu cử năm 2014, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã kêu gọi các công ty nước ngoài đầu tư nhiều hơn vào nước này. Tuy nhiên, chính quyền của ông Modi chuyển sang chủ nghĩa bảo hộ khi ông bị suy giảm uy tín trong những tháng gần đây.
Chính phủ Ấn Độ cũng tuyên bố ý định áp đặt các qui tắc mới cứng rắn hơn đối với lãnh vực công nghệ.
Các qui tắc thương mại điện tử mới ở trên dường như là một nỗ lực của ông Modi nhằm xoa dịu các thương nhân nhỏ, lẻ ở Ấn Độ. Họ là người bị tổn thương trước chính sách thuế và tài chính của ông Modi.