Amazon có kế hoạch sa thải khoảng 10.000 nhân viên bắt đầu ngay từ tuần này. Đây sẽ là đợt cắt giảm việc làm lớn nhất trong lịch sử của công ty.
Nguồn tin từ New York Times cho biết, việc cắt giảm sẽ tập trung vào tổ chức thiết bị của Amazon, bao gồm trợ lý giọng nói Alexa, cũng như bộ phận bán lẻ và bộ phận nhân sự. Đây sẽ là đợt cắt giảm việc làm lớn nhất trong lịch sử Amazon, khi chiếm 3% nhân viên công ty và chưa đến 1% trong số 1,5 triệu lực lượng lao động của tập đoàn trên toàn cầu, chủ yếu là lao động làm việc theo giờ.
Việc Amazon có kế hoạch cắt giảm việc làm trong mùa mua sắm nghỉ lễ quan trọng - khi công ty thường coi trọng sự ổn định - cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang suy thoái nhanh như thế nào đã gây áp lực buộc Amazon phải cắt giảm một lượng lớn nhân viên như vậy.
Việc thay đổi mô hình kinh doanh cùng nền kinh tế bấp bênh đã gây ra làn sóng cắt giảm việc làm tại các công ty công nghệ. Elon Musk mới đây đã sa thải một nửa số nhân viên tại Twitter. Meta, công ty mẹ của Facebook và Instagram, cũng thông báo họ sẽ sa thải 11.000 nhân viên, chiếm khoảng 13% lực lượng lao động. Lyft, Stripe, Snap và các công ty công nghệ khác cũng đã sa thải công nhân trong những tháng gần đây.
Đại dịch đã tạo ra một nhu cầu khổng lồ cho Amazon, khi người tiêu dùng đổ xô vào mua sắm trực tuyến và các công ty sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây của Amazon. Theo đó, "gã khổng lồ" này đã tăng gấp đôi lực lượng lao động của mình trong vòng hai năm, đồng thời tập trung vào việc mở rộng và thử nghiệm những sản phẩm, công nghệ mới.
Nhưng vào đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng của Amazon đã chậm lại ở mức thấp nhất trong hai thập kỷ, khi hậu quả của đại dịch bùng phát. Công ty phải đối mặt với chi phí cao từ các quyết định đầu tư quá mức và mở rộng nhanh chóng, trong khi những thay đổi trong thói quen mua sắm và lạm phát cao làm ảnh hưởng đến doanh số bán hàng.
Amazon đã có một sự phục hồi nhẹ trong quý IV. Tuy nhiên, điều này cũng đã cảnh báo các nhà đầu tư rằng mức tăng trưởng có thể suy yếu trở lại, giảm xuống tốc độ thấp nhất kể từ năm 2001.
Công ty đã chia sẻ với Phố Wall rằng họ đã thắt chặt chi tiêu của mình trong quá khứ và có thể làm như vậy một lần nữa. Được biết, Amazon đã cắt giảm 1.500 việc làm vào năm 2001 trong sự cố dot-com, con số này lên tới 15% nhân viên vào thời điểm đó. Gã khổng lồ này cũng đã sa thải vài trăm nhân viên của công ty vào đầu năm 2018 sau một thời gian mở rộng nhanh chóng khác.
Tuần trước, các giám đốc điều hành của Amazon đã gặp nhà đầu tư tổ chức ngay khi cổ phiếu của hãng giảm xuống mức thấp nhất kể từ những ngày đầu của đại dịch, "bốc hơi" gần 1.000 tỉ USD kể từ khi Andy Jassy lên làm Giám đốc điều hành vào năm ngoái.
Ông Jassy, người trước đây điều hành mảng kinh doanh điện toán đám mây của Amazon, đã xem xét kỹ lưỡng doanh nghiệp để cắt giảm chi phí một cách nhanh chóng. Ban đầu, ông tạm dừng việc mở rộng kho hàng vốn đã tăng cao trong thời kỳ đại dịch, sau đó chuyển sang các bộ phận khác của công ty.
Trong những tháng gần đây, Amazon cũng đã đóng cửa hoặc loại bỏ một loạt các sáng kiến, bao gồm Amazon Care, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Scout, robot giao hàng tận nhà và Fabric.com, một công ty con đã bán đồ may trong ba thập kỷ.
John Blackledge, một nhà phân tích tại Cowen & Company, cho biết : "Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử cốt lõi của Amazon đã lỗ hàng tỉ USD trong năm nay. Họ cần phải xem xét lại mọi thứ.”
Các thiết bị và Alexa từ lâu đã được xem là có nguy cơ bị cắt giảm. Được biết, từ năm 2017 đến năm 2018, Amazon đã tăng gấp đôi nhân viên trên thiết bị Alexa và Echo lên 10.000 kỹ sư. Tại thời điểm đó, các công ty công nghệ đang chạy đua để tạo ra trợ lý giọng nói hàng đầu.
Công ty đã bán được hàng trăm triệu thiết bị hỗ trợ Alexa. Nhưng Amazon cho biết các sản phẩm này thường có tỷ suất lợi nhuận thấp và các nguồn doanh thu tiềm năng khác như mua sắm bằng giọng nói vẫn chưa cao.
Hoạt động kinh doanh bán lẻ của Amazon đã gặp nhiều vấn đề sau sự gia tăng chóng mặt về nhu cầu trong đại dịch. Công ty cho biết họ đã rút lại các kế hoạch mở rộng và nói với các nhà đầu tư rằng họ nhận thấy sự không chắc chắn đối với người tiêu dùng.
Brian Olsavsky, giám đốc tài chính, nói với các nhà đầu tư vào tháng trước: “Chúng tôi đang nhận thấy có quá nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến hành động chi tiêu của khách hàng. Chúng tôi không chắc chắn nhu cầu, nguồn tiền đang hướng tới đâu nhưng Amazon đã sẵn sàng cho nhiều kết quả khác nhau."
Theo New York Times