AI trong báo chí: cơ hội, rủi ro và thách thức từ thực tiễn của Washington Post, BBC và Reuters

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – AI đang dần trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta và lĩnh vực báo chí, truyền thông cũng không ngoại lệ.
Ảnh: What’s New In Publishing
Ảnh: What’s New In Publishing

1. Sự phát triển của AI đang định hình lại cách thức hoạt động của công nghệ trong lĩnh vực báo chí

Trí tuệ nhân tạo (AI) đã xuất hiện từ lâu. AI đang dần trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, từ các đề xuất nhanh trên công cụ tìm kiếm và tính năng tự động lấy nét trên điện thoại thông minh hay các “nhân viên robot” phục vụ tại các cửa hàng… AI đã và đang tạo ra sự sáng tạo và đổi mới trong nhiều lĩnh vực và nó sẽ tiếp tục thay đổi thế giới theo nhiều cách khách nhau trong tương lai.

Lĩnh vực truyền thông tin tức đã có nhiều thay đổi đáng kể nhờ những tiến bộ công nghệ. Không chỉ vậy, sự phát triển của AI và máy học đã phân chia lại vai trò của công nghệ trong hoạt động báo chí. Cụ thể là vai trò ngày càng được mở rộng của các “phóng viên robot” và “nhà báo robot”.

AI có thể tự động hóa phân tích dữ liệu lớn (Big Data), tạo ra rất nhiều nội dung mà không cần tới sự tham gia của con người và cá nhân hóa nguồn cấp tin tức cho từng độc giả. Nhiều tòa soạn đã bắt đầu tích hợp AI vào các quy trình làm việc của họ. Tuy nhiên, trong quá trình này, họ đã phải đối mặt với không ít thách thức.

The Fix đã tìm hiểu một số trường hợp tiêu biểu sử dụng AI trong báo chí và đưa ra những thông tin phân tích quan trọng.

2. AI trong báo chí hiện nay

Một trong những trường hợp sử dụng AI phổ biến nhất trong báo chí là tự động hóa nội dung - phần mềm hoặc robot sản xuất tin bài. Các chương trình này sử dụng các thuật toán và xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLG) để tự động thu thập, phân tích và chuyển đổi lượng dữ liệu khổng lồ thành một bài báo trong thời gian thực.

Trong những năm gần đây, “nhà báo AI” đã phát triển nhanh chóng và lan rộng ra quy mô toàn cầu. Theo báo cáo của ông Charlie Beccket - Giáo sư làm việc tại Khoa Truyền thông của LSE, dựa trên một cuộc khảo sát toàn cầu về việc sử dụng AI trong báo chí, 44% các tổ chức tin tức đã chịu tác động của AI.

Ảnh: What’s New In Publishing

Ảnh: What’s New In Publishing

Dưới đây là một số ví dụ tiêu biểu về việc sử dụng các giải pháp AI trong các tổ chức báo chí, truyền thông:

Washington Post: “Phóng viên robot” Heliograf

Tờ Washington Post có một phóng viên robot tên là Heliograf. Heliograf không thay thế các nhà báo, nhưng nó giúp các phóng viên tìm thấy dữ liệu quan trọng để đưa tin. Tờ báo này cũng đã sử dụng Heliograf để đưa tin về nhiều sự kiện quy mô lớn như Thế vận hội Olympic, các cuộc thi đấu thể thao và bầu cử.

Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, Washington Post đã cập nhật công nghệ mới với trợ lý giọng nói AI. Công nghệ này sẽ tự động tìm, đọc và chèn các cập nhật bầu cử vào các tin bài trong mục chính trị.

The New York Times: “Editor” and “Moderator”

Tờ New York Times bắt đầu sử dụng phần mềm “Editor” dựa trên AI vào năm 2015. Mục tiêu của tờ báo này là giúp nhóm biên tập tìm kiếm và phân tích thông tin.

"Editor" sử dụng các thẻ ngữ nghĩa (semantic tag là các thẻ mà tên của thẻ thể hiện được một cách rõ ràng về nội dung bên trong) để tìm và tập hợp các nội dung cần thiết. Sau đó, những nội dung này sẽ trải qua quá trình chỉnh sửa của các biên tập viên để đảm bảo bài báo đã được kiểm tra thực tế và có văn phong phù hợp.

New York Times cũng đang sử dụng AI trong phần bình luận của trên website của tờ báo. Công cụ “Moderator” là kết quả của sự hợp tác với đội ngũ Jigsaw của Alphabet. Đây là một nhóm các kỹ sư, nhà thiết kế, nhà nghiên cứu, chuyên gia chính sách do Alphabet tập hợp nhằm chống lại các nỗ lực giả mạo, đánh cắp thông tin, quấy rối thông qua công nghệ.

"Moderator" sẽ nhóm các nhận xét tương tự để giúp các nhà báo xem xét chúng nhanh hơn và cảnh báo họ về khả năng tiềm ẩn nội dung bị quấy rối hoặc lăng mạ.

Mục tiêu chính khi New York Times sử dụng những công nghệ này là tạo ra một không gian an toàn cho các cuộc thảo luận và giải phóng đội ngũ moderator (chỉ những người có nhiệm vụ đảm bảo các thành viên trong một hội nhóm chấp hành đúng các nguyên tắc do ban quản trị ban hành) - những người phải đánh giá hơn 11.000 nhận xét hàng ngày, theo New York Times. Bằng cách này, New York Times có thể tương tác với độc giả nhiều hơn.

BBC: Giọng nói tổng hợp được hỗ trợ bởi AI

Hơn một nửa số độc giả của BBC (62%) dành từ 30 phút đến 4 giờ để nghe podcast mỗi ngày. Vào tháng 11/2020, BBC Global News đã ra mắt một công cụ giọng nói tổng hợp sử dụng trí thông minh nhân tạo để đọc các bài báo từ trang web của họ. Phần mềm này sẽ tự động sản xuất các phiên bản âm thanh của bài báo khi nội dung gốc được cập nhật.

Ảnh: BBC

Ảnh: BBC

Reuters: video báo chí tự động

Năm 2020, Reuters đã xây dựng một hệ thống báo cáo video tự động. Công cụ này sẽ tự động tạo ra các kịch bản tin tức về các trận đấu thể thao và chuyển đổi chúng thành dạng video kết hợp với một người dẫn chương trình ảo.

Hệ thống này sử dụng công nghệ của công ty khởi nghiệp Synthesia AI (Anh). Nó hoạt động theo cách tương tự như video deepfake.

Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

3. Trí tuệ nhân tạo mang lại cho báo chí những lợi ích gì?

Thứ nhất, tốc độ và quy mô đưa tin.

Các “nhà báo AI” có thể tạo ra một số lượng lớn các câu chuyện chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn.

Theo Automated Insights, AI cho phép Associated Press tự động hóa việc sản xuất các bài báo thể thao và những mẫu tin ngắn. Hệ thống này đã tạo ra 4.400 tin bài mỗi quý, so với chỉ 300 bài báo trước đây, khi không sử dụng AI. Năng suất của nó có thể tương đương với 3 nhân viên làm việc toàn thời gian.

Thứ hai, chi phí rẻ (lợi ích này còn tùy vào nền tảng AI mà mỗi tòa soạn sử dụng).

Việc thuê các kỹ sư khoa học dữ liệu, xây dựng các mô hình máy học và duy trì chúng có thể rất tốn kém.

Có ít nhất hai yếu tố làm cho các giải pháp AI có nhiều ưu thế cạnh tranh hơn so với việc thuê nhà báo (đặc biệt là tại các quốc gia có mức lương cao). Thứ nhất, quá trình sử dụng AI trong báo chí, truyền thông tương đối đơn giản. Điều quan trọng hơn là tính kinh tế mà nó tạo ra cho các tổ chức báo chí, truyền thông.

Vào năm 2020, các giải pháp AI tùy chỉnh (custom-made AI solution) dành cho các tổ chức báo chí có giá lên tới 300.000 USD, theo công ty phát triển web và tiếp thị internet WebFX. Tuy nhiên, các giải pháp của bên thứ ba có thể chỉ bằng một phần nhỏ trong số đó.

Ảnh: WebFX

Ảnh: WebFX

Thứ ba, nghiên cứu và quản lý nội dung hiệu quả.

Các giải pháp AI có thể biến các câu chuyện phức tạp thành các tin bài đơn giản nhanh hơn nhiều so với con người. Chúng có thể cung cấp thêm ngữ cảnh, dữ liệu bổ sung và thậm chí là cả các liên kết. Không chỉ vậy, các “nhà báo AI” có thể tạo ra các bài báo từ dữ liệu sơ cấp (raw data - dữ liệu chưa qua xử lý) và tổng hợp các tệp đa phương tiện, bao gồm các đoạn âm thanh, hình ảnh và video.

Thứ tư, tùy biến nội dung.

Công nghệ sản xuất tin tức tự động có thể được tùy chỉnh cho một nhóm độc giả cụ thể, được chuyển đổi thành các định dạng và dịch sang nhiều ngôn ngữ khác nhau. Ví dụ, hãng tin Reuters đã tạo ra một công cụ AI có thể tự động dịch các video sang 11 ngôn ngữ khác nhau.

Thứ năm, mở rộng khả năng xác minh thông tin.

Các công cụ được lập trình chính xác giúp kiểm tra tính xác thực của thông tin, phát hiện tin giả và đánh dấu những nội dung đáng ngờ. Các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook và Twitter cũng đã sử dụng AI để phát hiện những nội dung chứa ngôn từ thù địch và thông tin sai lệch.

4. 3 rủi ro chính của việc sử dụng trí tuệ nhân tạo đối với báo chí, truyền thông

Thứ nhất, chất lượng.

Tốc độ không phải là vấn đề duy nhất của báo chí. Chất lượng của các sản phẩm báo chí, truyền thông phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ chính xác, sự cân bằng và tách biệt các dữ kiện khỏi các ý kiến, quan điểm... Về vấn đề này, chất lượng của nội dung được sản xuất tự động vẫn còn nhiều nghi vấn.

Thứ hai, sự lạm dụng công nghệ AI

Trong khi hầu hết các phương tiện truyền thông cố gắng bảo vệ người đọc khỏi tin giả, thì một số khác lại lạm dụng công nghệ deepfake trong lĩnh vực AI. Họ tạo ra những hình ảnh và đoạn âm thanh sai sự thật để thao túng, lừa dối độc giả.

Đoạn video deepfake của Nữ hoàng Anh trên kênh truyền hình Channel 4 của nước này là một trong những ví dụ tiêu biểu. Đoạn video ban đầu nhằm đưa ra một “cảnh báo rõ ràng” về công nghệ deepfake và tin tức giả mạo. Tuy nhiên, nó đã phản tác dụng khi gây ra nhiều tranh cãi và khiến nhà đài bị chỉ trích.

Thứ ba, mất việc.

Các hệ thống AI và robot tiêu tốn ít chi phí đầu tư và vận hành hơn nhiều so với các nhân viên thực - không nghỉ trưa hay nghỉ phép, không nghỉ ốm, quá trình học tập tự động, không cần trả lương và đầu tư nhân sự. Do đó, đầu tư của các tòa soạn vào AI và tự động hóa có khả năng dẫn đến việc cắt giảm việc làm. Microsoft đã sa thải khoảng 50 nhà báo, thay thế họ bằng AI kể từ tháng 6 năm 2020.

5. Những thách thức về đạo đức

Hiện tại, các thuật toán AI chưa có tư duy phản biện hoặc tính công bằng, minh bạch. Nếu các “nhà báo AI” thu thập dữ liệu không chính xác, điều này sẽ tạo ra và lan truyền những tin tức sai lệch và thiên vị.

Một ví dụ có liên quan đến vi phạm đạo đức là nội dung phân biệt chủng tộc và gây hiểu lầm do phần mềm AI của Microsoft gây ra. Câu chuyện đề cập đến ý kiến cá nhân của một nghệ sĩ về vấn đề phân biệt chủng tộc được minh họa bằng một bức ảnh của thành viên ban nhạc Little Mix. Việc “nhà báo AI” của MSN (trang web tin tức của Microsoft) nhầm lẫn giữa các hình ảnh đã khiến MSN bị chỉ trích là “thiếu hiểu biết”, tờ The Guardian đưa tin.

Có thể thấy rằng các giải pháp AI đã cải thiện đáng kể cả về chất lượng và số lượng trong lĩnh vực báo chí. Nó mở ra những cơ hội mới cho các tổ chức báo chí, truyền thông.

Tuy nhiên, chúng ta cần nhận thức được những hạn chế của AI. Cuối cùng, các “nhà báo AI” khó có thể thay thế được các phóng viên, biên tập viên, nhà báo thực sự mà nó chỉ có thể giúp tăng giá trị phán đoán của con người.

Theo What’s New In Publishing