Báo cáo Đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa Quốc gia (Cổng MCQG) vừa được công bố sáng 22/6 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng cục Hải quan, Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp thực hiện. Tuy nhiên, đây là báo cáo khách quan, độc lập và Tổng cục Hải quan không can thiệp vào quá trình điều tra của đơn vị nghiên cứu.
Khoảng 93% doanh nghiệp cho biết việc đăng ký tài khoản là “dễ” hoặc “tương đối dễ thực hiện”. Nhận định này đối với việc đăng nhập tài khoản cũng nhận được một tỷ lệ đồng tình tương đương (94%). Khoảng 11% doanh nghiệp gặp khó khăn về sử dụng chữ ký điện tử.
Việc quản lý hồ sơ tương đối thuận tiện ở các thao tác cơ bản như xem trạng thái hồ sơ, xem lịch sử hồ sơ, tìm kiếm hồ sơ hay khai báo thông tin. Ở các chức năng này, tỷ lệ doanh nghiệp thuận lợi khi thực hiện đều đạt từ 90% trở lên và chỉ một tỷ lệ nhỏ trải nghiệm khó khăn. Trong khi đó, khó khăn đến nhiều hơn với bước gửi hồ sơ (12% doanh nghiệp gặp phải), chỉnh sửa hồ sơ (17%) và rút/hủy hồ sơ (26%).
Việc in giấy phép, chứng nhận cũng có có trải nghiệm khá tích cực từ 89% doanh nghiệp đã dùng chức năng này. Trong khi đó, 11% doanh nghiệp nhận thấy vẫn còn những bất cập nhất định cần khắc phục. Chẳng hạn, việc in giấy phép không phải lúc nào cũng thực hiện được, đôi khi còn gặp lỗi với các thủ tục về cấp giấy phép nhập khẩu/xuất khẩu tiền chất công nghiệp hay khai báo hóa chất.
Nhìn chung, kết quả đánh giá cho thấy các chức năng được cung cấp trên Cổng MCQG hoạt động tương đối tốt với số đông doanh nghiệp. Những nhóm tính năng cơ bản như tạo tài khoản và đăng nhập, xem và in hồ sơ hay quản lý hồ sơ dễ thực hiện với đại đa số doanh nghiệp đã trải nghiệm.
Về mặt kỹ thuật, Cổng MCQG có thể khắc phục được các vấn đề về xem/in giấy phép mà không mất quá nhiều thời gian. Trong khi đó, việc cải thiện các tiện ích bổ trợ khác sẽ là thách thức lớn hơn do liên quan nhiều đến yếu tố con người. Những đánh giá từ doanh nghiệp đã cho thấy tầm quan trọng của việc đầu tư cho các chức năng giúp giải đáp thắc mắc về hồ sơ trên Cổng MCQG.
Tính đến nay, Cổng MCQG đã số hóa được 198 thủ tục hành chính của 13 bộ ngành, xử lý được 3 triệu hồ sơ của 39.000 doanh nghiệp. Nhờ hệ thống này, thời gian thực hiện thủ tục thông quan đã giảm từ 7 - 8 ngày, doanh nghiệp tiết kiệm được 2.000 USD tiền lưu kho cho mỗi lô hàng hóa theo ngày.
Tổng số tiền tiết kiệm được ước tính khoảng 4,55 tỷ USD, tương ứng 106,9 nghìn tỷ đồng. Hệ thống này cũng kết nối chính thức cơ chế một cửa ASEAN với 6 nước (Brunei, Campuchia, Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan) và dự kiến mở rộng kết nối với nhiều tổ chức thương mại quốc tế khác.
Tổng số giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) Việt Nam gửi sang các nước là hơn 191 nghìn. Dự kiến trong năm 2020, hệ thống sẽ được kết nối chính thức thêm với 2 nước Myanmar và Lào; đồng thời được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Trước đó, Hệ thống Một cửa quốc gia đã nhận được một số khen thưởng từ các Bộ, ngành như bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN&PTNN cho tập thể, cá nhân của doanh nghiệp; Bằng khen danh dự của Tổ chức Hải quan thế giới và mới đây đã đạt giải thưởng Sao Khuê 2020 tại hạng mục Chính phủ điện tử.
Ông Nguyễn Mạnh Hổ, Tổng giám đốc Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel – đơn vị triển khai Cổng MCQG chia sẻ: “Trong thời gian tới, Viettel sẽ nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0 mới như: AI, Bigdata và Blockchain… để nâng cao chuỗi giá trị của giải pháp Một cửa quốc gia. Với các nền tảng công nghệ này, chúng tôi đều đã sẵn sàng”.
Theo ICT News