Đây là kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả tới từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương, và Trường Cao đẳng y tế Hà Nội, công bố trong Hội nghị Sản phụ khoa Việt Pháp tổ chức sáng nay, 13/5, tại Hà Nội.
So với nghiên cứu từ năm 2011 - 2013, con số người chưa thành niên mang thai và sinh đẻ tại Bệnh viện giảm (từ 1,35% - 1,93% xuống còn 0,7% vào năm 2017 và 0,3% vào năm 2018).
Trong số 227 người chưa thành niên sinh con, đa số có độ tuổi trung bình từ 17 - 18 tuổi. Có 11,9% là học sinh sinh viên; 83,3% làm nghề tự do; 21,6% chưa có chồng; 1,8% trẻ sinh con lần 2; 4,8% có tiền sử nạo, hút thai; 1;3% đã có một con; 10,1% có tiền sử mắc bệnh nội khoa.
Các chuyên gia đánh giá, mặc dù tỷ lệ người chưa thành niên sinh con có xu hướng giảm xuống, song vẫn ở mức cao. Đặc biệt, các đối tượng đều nằm trong diện gặp nhiều khó khăn, áp lực khi mang thai, sinh đẻ. Người chưa thành niên có thể chất và tinh thần chưa phát triển đủ để làm mẹ, chưa có khả năng tài chính để chăm sóc con cái, nên gặp nhiều nguy cơ so với thai phụ bình thường. Nạo phá thai ở người chưa thành niên còn làm ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, có thể để lại di chứng suốt đời
Thực trạng này đòi hỏi cần có phương pháp giáo dục hiệu quả hơn nữa về chủ đề giới tính, sức khỏe sinh sản cho lứa tuổi vị thành niên ngay từ khi còn trên ghế nhà trường; cần sự can thiệp mạnh mẽ hơn của ngành y tế và của toàn xã hội.