80% hộ gia đình kinh doanh ở Lạng Sơn sẽ có gian hàng số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Lạng Sơn phấn đấu phát triển kinh tế số chiếm 25% - 30% GRDP của tỉnh. Đặc biệt, vào năm 2030, tỷ lệ hộ gia đình có cửa hàng số trên nền tảng thương mại điện tử là hơn 80%.

80% hộ gia đình kinh doanh ở Lạng Sơn sẽ có gian hàng số

Kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%

Theo đề án Chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030, UBND tỉnh xác định rõ mục tiêu về phát triển kinh tế số. Trong đó, Lạng Sơn phấn đấu phát triển kinh tế số chiếm từ 25% - 30% GRDP của tỉnh, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%. Năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 8%.

Đặc biệt, tỷ lệ hộ gia đình có cửa hàng số trên nền tảng thương mại điện tử trên 80%.

Đồng thời, Lạng Sơn duy trì thuộc nhóm hạng A, nhóm dẫn đầu quốc gia về an toàn, an ninh mạng.

Về phát triển xã hội số, tỉnh biên giới Lạng Sơn đặt mục tiêu phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang, phổ cập dịch vụ mạng di động 5G. Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử, ví điện tử trên 80%.

Đồng thời, tiếp tục phát triển cửa khẩu số tỉnh Lạng Sơn thành cửa khẩu số thông minh.

Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, hiện tỉnh đã có nhiều hệ thống, nền tảng chuyển đổi số được triển khai và đưa vào sử dụng, góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Cùng với đó, tỉnh Lạng Sơn định hướng phát triển chính quyền số với mục tiêu tất cả các hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc bí mật nhà nước).

Hình thành nền tảng dữ liệu và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT), kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước; mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp, tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

Về phát triển hạ tầng mạng băng rộng, Lạng Sơn sẽ phát triển Internet công cộng để cung cấp các sản phẩm số, dịch vụ số; nâng cấp phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao, tiếp tục triển khai phủ sóng 5G; đảm bảo có hạ tầng cáp quang để thiết lập mạng internet băng rộng cố định đối với các địa bàn chưa có hạ tầng băng rộng cố định; nâng cấp phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao; thiết lập mạng truy cập băng rộng di động tại các vùng lõm sóng.

Các chỉ số chuyển đổi số nâng cao qua từng năm

Các chỉ số đánh giá về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của tỉnh được cải thiện, nâng cao qua từng năm. Trong đó, Chỉ số Chuyển đổi số năm 2021 tỉnh Lạng Sơn xếp hạng 5/63 tỉnh, thành phố, năm 2022 xếp hạng 6/63 tỉnh, thành phố.

Nhiều hạng mục về ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh được Hội Truyền thông số Việt Nam dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông biểu dương, trao Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam như: Giải pháp Nền tảng cửa khẩu số, giải pháp Nền tảng trợ lý ảo giải pháp tự động trả lời về thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, giải pháp Tổ công nghệ số cộng đồng, giải pháp chuyển đổi số trong ngành Giáo dục và Đào tạo…;

Trong khi đó, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam bình chọn Lạng Sơn đạt giải thưởng Top công nghiệp 4.0 Việt Nam 2024.

Lang Son To Cong nghe so cong dong.jpg
Ông Nguyễn Trọng Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn nhận Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam về “Mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”

Đề án Chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030 nêu rõ bên cạnh kết quả đạt được, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh còn có những khó khăn, vướng mắc: công tác chuyển đổi số ở một số nội dung, lĩnh vực chưa thực sự đồng bộ, đi vào chiều sâu; hạ tầng số, trang thiết bị phục vụ chuyển đổi số còn thiếu và chưa đồng bộ, nhất là trang thiết bị, không gian phục vụ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa ở cấp xã.

Nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số ở các cơ quan, đơn vị còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng ngày càng khó khăn, phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, an 3 ninh thông tin.

Việc kết nối chia sẻ dữ liệu dùng chung giữa các bộ, ngành trung ương và địa phương vẫn còn hạn chế, vướng mắc. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn nên không có điều kiện để trang bị điện thoại thông minh, mở tài khoản ngân hàng; thói quen thanh toán tiền mặt, làm thủ tục hành chính trực tiếp… phần nào ảnh hưởng đến tiến trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.