Hai yếu tố quan trọng với SME
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Lại Tuấn Cường, CEO Repu Digital cho rằng trong giai đoạn hiện nay, cho dù là doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) thì chuyển đổi số là một yếu tố không thể bỏ qua. Hơn nữa, việc ứng dụng công nghệ AI để quản lý dữ liệu cũng như ra quyết định kinh doanh là vô cùng quan trọng, giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh trên thị trường vốn đã rất khốc liệt.
"Nếu không chuyển đổi số và không áp dụng AI, doanh nghiệp SME chắc chắn sẽ thất bại", ông Cường nhấn mạnh.
Đồng tình với nhận định này, ông Đào Trung Thành, Phó viện trưởng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII) nói rằng thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam hiện nay đang phát triển rất nhanh.
Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng bán hàng trên các nền tảng TMĐT quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam trong 5 năm qua là 300%. Nhiều doanh nghiệp SME đạt doanh thu trên 1 triệu USD qua nền tảng TMĐT, tốc độ tăng trưởng thị trường TMĐT Việt Nam là 25%/năm.
TMĐT là một nền tảng giúp các doanh nghiệp SME có thể tăng trưởng nếu có chiến lược kinh doanh tốt và lựa chọn đúng phần mềm và giải pháp chuyển đổi số để áp dụng cho doanh nghiệp của mình.
Theo ông Đào Trung Thành, để đạt thành công trên nền tảng TMĐT, doanh nghiệp SME không cần đầu tư vào hạ tầng như máy chủ, đường truyền v.v... mà tập trung vào các ứng dụng/phần mềm; bắt đầu từ những phần mềm nhỏ, đơn giản và dần mở rộng quy mô áp dụng. Doanh nghiệp nên đặt trọng tâm vào xây dựng và thu thập dữ liệu khách hàng vì đây là một "kho báu" độc quyền.
Cũng theo ông Thành, doanh nghiệp cũng sử dụng các công cụ AI để giúp tự động hóa quy trình, cá nhân hóa sản phẩm để nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Ông Đoàn Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hesman Việt Nam, đơn vị sở hữu chuỗi 34 cửa hàng kinh doanh thiết bị công nghệ ShopDunk, cho biết doanh nghiệp của ông đã phải đối mặt với nhiều thách thức như quản lý hàng nghìn sản phẩm khác nhau, chăm sóc hàng nghìn khách hàng mỗi ngày.
Ông Dũng nói rằng việc ra quyết định chiến lược dựa trên dữ liệu là rất quan trọng, nhưng đòi hỏi phải có các công cụ và giải pháp công nghệ hỗ trợ. Chính vì thế mà ShopDunk đã nhanh chóng sử dụng phần mềm quản trị tổng thể cho hoạt động kinh doanh của mình.
Theo ông Dũng, với việc áp dụng phần mềm quản trị tổng thể, doanh nghiệp SME có thể tận dụng lợi thế về tốc độ ra quyết định so với các doanh nghiệp lớn.
"Việc áp dụng công nghệ như AI, phân tích dữ liệu sẽ giúp doanh nghiệp ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn", ông Dũng nhấn mạnh.
Phần mềm quản trị toàn diện - giải pháp cho SME
Ông Đỗ Xuân Thắng, CEO Sandbox.vn nói rằng trước đây các doanh nghiệp thường lựa chọn các phần mềm chuyển đổi số đáp ứng một mảng cụ thể để dễ dàng triển khai vào doanh nghiệp và chi phí hợp lý. Tuy nhiên sau khi triển khai, thì vướng phải vấn đề đồng bộ dữ liệu các phần mềm, một doanh nghiệp đôi khi phải dùng đến ba, bốn phần mềm để chuyển đổi số hết được doanh nghiệp.
Do vậy, theo ông Thắng, doanh nghiệp hiện tại có xu hướng tìm kiếm các phần mềm có thể chuyển đổi số toàn diện cả 3 mảng: bán hàng, công việc và nhân sự. CEO có thể dễ dàng nắm được tình hình kinh doanh, vận hành trên một màn hình báo cáo (dashboard).
Có nhiều phần mềm trên thế giới đáp ứng được các nhu cầu trên, tuy nhiên giá cả rất đắt đỏ và thường các doanh nghiệp lớn mới có thể triển khai được. Nắm bắt được điều này, công ty của ông Thắng đã cho ra mắt phần mềm quản trị tổng thể SandboxVN.
Theo ông Thắng, SandboxVN có 2 ưu điểm là kho tiện ích mở rộng và dashboard CEO linh hoạt. Đối với kho tiện ích, khi cần sử dụng một tiện ích nào đó, doanh nghiệp chỉ cần click mua là được. Ví dụ tiện ích tổng đài, nếu doanh nghiệp mua thì có thể sử dụng tiện ích “Click to call” để gọi điện cho khách hàng thông qua tổng đài ngay trên màn hình máy tính. Các tiện ích này cũng giống như các ứng dụng trên IOS hay Android mà người dùng điện thoại có thể mua, cài đặt và sử dụng theo ý muốn.
Đối với dashboard CEO, lãnh đạo doanh nghiệp có thể xem tất cả các chỉ số trên một màn hình để có thể đưa ra những quyết định tốt nhất. Ví dụ như: doanh số được bao nhiêu, tỉ lệ chốt đơn bao nhiêu, ngân sách marketing bao nhiêu, đang có bao nhiêu đơn hàng giao thành công, có bao nhiêu cuộc gọi thành công…
"Khát vọng của chúng tôi là startup Việt cung cấp giải pháp cho doanh nghiệp Việt vươn mình trong kỷ nguyên số", ông Thắng chia sẻ.
Phần thảo luận của các chuyên gia tại tọa đàm đã chỉ ra rằng các doanh nghiệp SME ở Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm cạnh tranh với các tập đoàn lớn, thiếu nguồn lực tài chính và nhân sự, cũng như khó khăn trong việc tận dụng các chính sách của Chính phủ.
Tuy nhiên, họ cũng nhận thấy rằng nếu có thể ứng dụng công nghệ, xây dựng dữ liệu và ra quyết định nhanh hơn thông qua các phần mềm và ứng dụng tổng thể có tích hợp AI, các doanh nghiệp SME có thể tận dụng được những cơ hội này và cạnh tranh hiệu quả hơn.