1. “Đừng để 3G hoàn vốn rồi mới cấp phép 4G”
Tiến sĩ Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT |
Bình luận về vấn đề triển khai 4G ở Việt Nam, Tiến sĩ Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT (nay là Bộ TT&TT) nhấn mạnh: “Cơ quan quản lý Nhà nước trung lập về công nghệ, không nên can thiệp về công nghệ. Mới đây, Hiệp định TPP Việt Nam vừa ký thì cơ quan quản lý Nhà nước không can thiệp về công nghệ. Nhưng đây đó chúng ta chưa trung lập về công nghệ. Không phải giải thích để 3G hoàn vốn rồi mới cấp phép 4G vì đó là không trung lập về công nghệ. Đó là việc của doanh nghiệp viễn thông. Tất nhiên ở ta phần lớn là doanh nghiệp Nhà nước nên có lo lắng đấy”.
“Đến giờ mới cấp phép 4G là chậm. Đáng lý các nước cấp phép 2-3 năm sau đó doanh nghiệp chuẩn bị trước mọi yếu tố để triển khai 4G. Các doanh nghiệp viễn thông giờ không biết có cấp phép hay không, nhất là công ty tư nhân nên không dám đầu tư. Nếu có băng tần thì sớm cấp phép 4G để doanh nghiệp viễn thông chuẩn bị chứ không nên đợi đến 2016. Cái này ta đã chuẩn bị nhiều năm rồi. Không khéo chờ rồi 5G đến, chúng ta lại ngồi chờ tiếp”, ông Mai Liêm Trực nói tiếp.
2. “Có những người nhìn thấy những điều tuyệt vời của CNTT nhưng lại lờ đi”
Tại Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2015 Tiến sĩ Mai Liêm Trực cho rằng, chỉ có người không hiểu về sự tuyệt vời của CNTT, hoặc những người nhìn thấy những điều tuyệt vời của CNTT nhưng lại lờ đi, không muốn phát triển CNTT.
3. “Hãy nghĩ như một người thợ thủ công và như một nhà đổi mới”
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel |
Trong bài phát biểu mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel cho rằng, sức sống và năng lực cạnh tranh của Viettel phụ thuộc vào sáng tạo và khả năng thích nghi với điều kiện thay đổi.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, chủ nghĩa trung bình đã hết thời, chúng ta phải xuất sắc để có thể tồn tại, rất nhiều máy móc thông minh đã làm được những việc trên mức bình thường. Để xuất sắc, chúng ta phải có óc sáng tạo. Có 3 cách tư duy hữu ích để trở thành người có óc sáng tạo. Hãy nghĩ như một người nhập cư, như một người thợ thủ công và như một nhà đổi mới.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng phân tích, người nhập cư thì luôn đói khát, luôn phải thích nghi, bền bỉ và tập trung. Thợ thủ công là người làm ra sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ với tài năng, sự tinh tế đặc biệt của cá nhân mình, là niềm tự hào của riêng họ, họ tỉ mỉ trong từng thứ họ làm, họ khắc tên mình lên sản phẩm. Hãy nghĩ như một thợ thủ công, đặc biệt hãy tự hào về bất cứ gì mà mỗi cá nhân chúng ta đã làm. Tư duy như một nhà đổi mới, tức là sản phẩm luôn là bản beta, luôn phải hoàn thiện, sản phẩm chưa bao giờ là hoàn thành, phải liên tục tái phát minh, tái xây dựng và tái hình dung, không bao giờ dừng lại. Chúng ta không bao giờ được nghĩ mình đã làm tốt mà phải thường xuyên cải thiện chính bản thân mình.
4. “Để người nước ngoài nghĩ ra việc thì chúng ta chỉ là thợ may”
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Vietel cho rằng, nhân lực CNTT Việt Nam đang có nhiều vấn đề. “Tôi có niềm tin mãnh liệt rằng sau khi thiếu nguồn nhân lực thì sẽ thừa. Nó sẽ chỉ thừa sau khi thiếu thôi. Nên tình trạng thiếu nhân lực CNTT hiện nay không có gì phải hoảng loạn cả. Tôi cũng tin rằng có việc sẽ có người, nhưng chừng nào chúng ta còn nhận công việc từ người nước ngoài với mức lương 5.000 USD, trả cho người Việt Nam lương 2.000 USD thì mãi mãi thiếu người”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Bàn về cách thu hút nguồn lực CNTT, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói; “Chúng ta chỉ đủ người khi mà nước ngoài trả lương 5.000 USD thì ta phải trả 6.000 USD cho người lao động Việt Nam. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể trả cao hơn người nước ngoài? Tôi cho rằng chúng ta phải nghĩ ra việc, còn chừng nào để người nước ngoài nghĩ ra việc thuê chúng ta thì chúng ta vẫn giống anh thợ may”.
5. “Đừng nhìn về thị trường Việt Nam để bắt đầu khởi nghiệp”
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình |
Chia sẻ tại Under 30 Summit do Forbes Vietnam tổ chức ngày 12/5 tại TP.HCM, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho rằng; “Đừng nhìn về thị trường Việt Nam để bắt đầu khởi nghiệp. Hãy nhìn ra thế giới rộng lớn. Và cũng đừng nhìn 90 triệu người Việt Nam mà nhìn ra cả Đông Nam Á 600 triệu người”,
6. “Đại gia viễn thông nhảy vào thì chúng tôi chỉ còn nước đi bán phở”
Ông Nguyễn Thế Trung, Giám đốc Công ty DTT |
Ông Nguyễn Thế Trung, Giám đốc Công ty DTT cho biết Nghị quyết 36a về Xây dựng Chính phủ điện tử có quy định các doanh nghiệp nhà nước nòng cốt, có giải pháp huy động, tập hợp các doanh nghiệp CNTT vừa và nhỏ, thế nhưng các “ông lớn” này đang lấy việc của doanh nghiệp nhỏ.
Ông Nguyễn Thế Trung đề cập đến vấn đề khó có chuyện doanh nghiệp CNTT lớn, trước hết là các doanh nghiệp nhà nước nòng cốt, có giải pháp huy động, tập hợp các doanh nghiệp CNTT vừa và nhỏ mà thậm chí doanh nghiệp CNTT lớn đang lấy việc của doanh nghiệp nhỏ. Ông Trung dẫn chứng, khi DTT đang làm dịch vụ công cấp 4 cho Bộ Y tế thì bất ngờ Viettel nhảy vào và thế chân để làm dịch vụ này. “Chúng tôi rất yêu nước vì vậy mới muốn làm Chính phủ điện tử, nhưng tình hình này thì có lẽ anh em phải đi bán phở”, ông Nguyễn Thế Trung nói.
7. "Đối tác hỏi chúng tôi có ai là con Bộ trưởng hay Chủ tịch tỉnh không?”
Tại buổi làm việc giữa Văn phòng Chính phủ với các doanh nghiệp CNTT để giới thiệu Nghị quyết về xây dựng Chính phủ điện tử, ông Nguyễn Thế Trung, Giám đốc công ty DTT đã bày tỏ quan ngại qua câu chuyện liên quan đến doanh nghiệp của mình.
“Chúng tôi có nhà đầu tư lớn muốn mua lại cổ phần của DTT, nhưng riêng mảng Chính phủ điện tử thì nhà đầu tư kiên quyết bắt chúng tôi phải bỏ ra trong bối cảnh dịch vụ vẫn tăng trưởng tốt. Đối tác này bảo mảng về Chinh phủ điện tử là phần rủi ro lớn. Vì trong nghị quyết có ghi rõ là Bộ trưởng hay Chủ tịch tỉnh có quyền chỉ định thầu. Đối tác hỏi chúng tôi có ai là con Bộ trưởng hay Chủ tịch tỉnh không?”, ông Nguyễn Thế Trung nói.
Theo ICT News