Tại cuộc họp báo chính thức cuối năm ngày 17/12 vừa qua, tại hội trường có mặt gần 1.000 phóng viên và được truyền hình trực tiếp trên tất cả các kênh truyền hình lớn và trang web của Nga, những người có mặt đã được tận mắt chứng kiến một “khoảnh khắc Putin” kinh điển.
Khi được hỏi lý do vì sao Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một chiến đấu cơ của Nga hồi tháng 11, như còn nguyên sự tức giận, Tổng thống Putin đưa ra hàng loạt câu nói gây sốc: “Nếu ai đó trong giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ quyết định liếm một chỗ nào ở Mỹ. Tôi không biết liệu họ làm có đúng không. Tôi không biết liệu Mỹ có cần điều đó không”. Các phóng viên Nga cười và vỗ tay, trong khi một số phóng viên nước ngoài trông có vẻ sửng sốt.
Công chúng lần đầu được nghe ông Putin phát biểu vào tháng 9/1999, khi ông còn là Thủ tướng Nga. Thời điểm đó, tại Nga xảy ra các vụ đánh bom khủng bố nhằm vào các tòa nhà chung cư. Thề sẽ trả thù, ông Putin đã không hề do dự tuyên bố: “Chúng ta sẽ đuổi theo những kẻ khủng bố ở mọi nơi. Xin lỗi, điều này có nghĩa là chúng ta sẽ bắt chúng trong nhà vệ sinh, chúng ta sẽ giật nước chúng trong bồn cầu”. Phát ngôn mạnh mẽ này gây sốc đối với nhiều người Nga. Có lẽ họ chưa bao giờ nghe thấy điều tương tự từ một nhà lãnh đạo trước đây. Tuy nhiên, lời phát biểu của một nhà lãnh đạo đầy cứng rắn, mạnh mẽ sẽ chiến đấu để bảo vệ họ đã thúc đẩy tinh thần người dân Nga.
Một vài tháng sau đó, Tổng thống Nga khi ấy Boris Yeltsin từ chức và ông Putin giữ cương vị Tổng thống Nga. Nhưng ông không hề thay đổi cách sử dụng ngôn từ đanh thép của mình.
Ông Putin trong một giờ tập luyện. |
Tại một hội nghị thượng đỉnh năm 2002, một phóng viên nước ngoài hỏi ngài Tổng thống rằng liệu Nga có đàn áp nhân quyền tại Cộng hòa Chechnya, nơi hầu hết là người đạo Hồi, hay không. Ông Putin đáp lại: “Nếu anh thực sự sẵn sàng trở thành một phần tử Hồi giáo cực đoan và sẵn sàng muốn được cắt bao quy đầu, tôi mời anh tới Moskva. Chúng tôi là một quốc gia đa tín ngưỡng và chúng tôi có các chuyên gia về tín ngưỡng. Tôi đề xuất làm điều đó để không có cái gì mọc trở lại”. Nam giới cắt bao quy đầu được người Hồi giáo thực hiện nhiều hơn bất kỳ nhóm tôn giáo nào khác.
Phiên dịch viên đầu tiên đã lặng tiếng và lắp bắp giải thích câu trả lời của Tổng thống Putin: “…hãy tới Moskva…” Một phiên dịch viên tiếp theo chuyển ngữ cho câu nói của ông Putin: “Nếu anh muốn cắt bao quy đầu… Anh được chào đón… và tất cả mọi người đều được chấp nhận ở Moskva”. Nhưng tuyệt nhiên không có lời dịch nào đề cập tới “thứ không mọc trở lại”.
Michele Berdy, nhà bình luận tiếng Nga của tờ Moscow Times, đã theo dõi phong cách hùng biện của ông Putin trong nhiều năm qua. Bà nghĩ rằng “đó là cách (khiến ông Putin) giống như một chàng trai nhà bên”. “Tôi luôn nghĩ rằng đó là cách ông Putin nói ‘Này, chúng ta chỉ là một trong những anh chàng, ngồi đầu đó, uống bia đen và nói chuyện về cuộc đời”, bà Berdy nói thêm.
Ngài Tổng thống đôi lúc sử dụng từ ngữ địa phương gây khó khăn cho người phiên dịch. Một trong những lần đầu tiên như vậy là khi Thủ tướng Anh lúc đó Tony Blair ghé thăm Nga năm 2000. Trong khi trò chuyện với cựu Thủ tướng Anh Blair tại St Petersburg, ông Putin minh họa sự xúc phạm của người Chechnya với người Nga bằng một khẩu hiệu liên quan đến “dê”. “Phía trên chúng ta là Thánh Allah, dưới chúng ta là những con dê” là những gì mà người phiên dịch lời ông Putin nói với cựu Thủ tướng Anh Blair. Nhưng một bài báo trên Moscow Times đã giải thích rằng “dê” trong tiếng Nga có nghĩa thứ hai – là tên khốn hoặc nghĩa mạnh hơn, và cho rằng người phiên dịch đã quá dè chừng. “Nó bao gồm những con dê, những nhà tù và những lời ám chỉ mà người phiên dịch hiểu nhưng không biết dịch thế nào”, bà Berdy nhận định.
Không có lời giải thích về ý nghĩa câu nói của ông Putin khi ông nói về lời đồn giàu có năm 2008 bằng một phát ngôn gây sốc: “Rác rưởi! Họ lôi nó ra khỏi mũi và bôi lên những tờ giấy!”
Nhiều phát ngôn gây sốc của ông Putin được nói ra trong lúc tức giận, củng cố thêm hình ảnh người đàn ông mạnh mẽ của ông. Chuyên gia Berdy nhận xét: “Nó thể hiện sự mạnh mẽ của người đàn ông, thể hiện bằng ngôn ngữ đanh thép, và luôn luôn chế giễu người khác. Giống như việc ông nói Thổ Nhĩ Kỳ liếm Mỹ, ông đã chế giễu cả Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ”.
Tháng 12/2011, những thanh niên trẻ đeo những dải ruy băng màu trắng tụ tập trên các con phố ở Moskva để biểu tình phản đối cuộc bầu cử quốc hội mà họ cho là có gian lận. Ông Putin đã mỉm cười chế giễu biểu tượng của cuộc biểu tình này: “Thành thực mà nói, khi nhìn thấy những dải ruy băng nhỏ đó, tôi đã nghĩ đó như một hành động chống bệnh AIDS. Tôi bối rối khi nói rằng tôi nghĩ họ đang đeo bao cao su”.
Câu nói này của ông Putin đã khiến phe đối lập vô cùng tức giận. Cách sử dụng ngôn từ của ông Putin cũng không được lòng tầng lớp tri thức ở Nga. Họ đề cao việc nói tiếng Nga chuẩn và có tính văn chương. Nhưng khi không đưa ra những tuyên bố gây sốc thì Tổng thống Putin nói tiếng Nga rất chuẩn mực.
“Đó là lý do tại sao tôi luôn nghĩ rằng lời nói của ông Putin là có chiến lược. Ông ấy quyết định khi nào muốn sử dụng thứ tiếng Nga không chuẩn mực”, bà Berdy nói thêm.
Đối với hầu hết chính trị gia Mỹ và châu Âu, những phát ngôn như của ông Putin khó có thể được chấp nhận. Nhiều người Nga cười nhạo phương Tây quá nhút nhát khi không dám có những phát ngôn như vậy. Ở Nga, có lẽ đó là một phần sức hấp dẫn chính trị của ông Putin. Sau cùng, không có ai không hiểu cách giải thích ngắn gọn về cách thức hoạt động của luật pháp mà ông đưa ra năm 2003: “Một lần và cho tất cả, mọi người phải hiểu rằng, các bạn luôn phải tuân thủ luật pháp, chứ không phải tới lúc bị bắt ‘ở một nơi nào đó’”.
Theo CNN