7 công nghệ tiên tiến Trung Quốc và Hoa Kỳ đang cạnh tranh: từ AI, chip đến không gian vũ trụ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã thay đổi trong những năm gần đây. Không chỉ trên lĩnh vực chính trị, hai nước đang lao vào cuộc đua phát triển công nghệ cao và các sứ mệnh lịch sử. 
Cuộc chiến trên nhiều lĩnh vực giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ảnh: The Mirror
Cuộc chiến trên nhiều lĩnh vực giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ảnh: The Mirror

Trung Quốc đang chú ý đến nghiên cứu công nghệ cao bao gồm điện toán lượng tử và chất bán dẫn, vì đây là chìa khóa để cạnh tranh với Hoa Kỳ về vị thế tối cao trong đổi mới.

Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của chính phủ Trung Quốc đã chỉ ra rằng "khoa học và công nghệ tự túc và tự nâng cao sẽ là trụ cột chiến lược của phát triển quốc gia."

Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết chi tiêu cho R&D của Trung Quốc sẽ tăng hơn 7% hàng năm từ năm 2021 đến năm 2025 để theo đuổi "những đột phá lớn" trong công nghệ.

Do tình hình giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã thay đổi trong vài năm qua, nên Trung Quốc đã tập trung vào các lĩnh vực có ý nghĩa chiến lược (như chất bán dẫn). Theo Zhihu, trong năm năm tới, bảy công nghệ tiên tiến sau đây sẽ được tập trung phát triển.

1. Trí tuệ nhân tạo (AI)

Lĩnh vực AI có kế hoạch tập trung vào việc phát triển các chip chuyên dụng AI và các thuật toán mã nguồn mở. Công nghệ mã nguồn mở thường được phát triển bởi một cá nhân và sau đó được các công ty khác ủy quyền.

Ngoài ra, trọng tâm sẽ là học máy trong các lĩnh vực như ra quyết định. Học máy là một chương trình AI đã được đào tạo trên một lượng lớn dữ liệu và yêu cầu một lượng lớn dữ liệu.

Trong vài năm trở lại đây, AI luôn là lĩnh vực được các công ty và chính phủ Trung Quốc đặc biệt quan tâm. Các công ty công nghệ lớn như Alibaba và Baidu đã và đang đầu tư vào công nghệ này.

Trung Quốc và Hoa Kỳ đang cạnh tranh sự thống trị trong trí tuệ nhân tạo. Một nhóm chuyên gia do Eric Schmidt, cựu Giám đốc điều hành của Google, đại diện, tin rằng Trung Quốc sẽ sớm thay thế Hoa Kỳ trở thành "siêu cường trí tuệ nhân tạo" của thế giới.

2. Điện toán Lượng tử

Lĩnh vực này liên quan đến phạm trù kỹ thuật của tính toán lượng tử. Điện toán lượng tử là một khái niệm hoàn toàn khác với các máy tính chúng ta sử dụng ngày nay. Điện toán lượng tử có ý nghĩa to lớn đối với một số lĩnh vực, chẳng hạn như việc phát minh ra các loại thuốc mới.

Điện toán lượng tử được coi là một lĩnh vực cạnh tranh khác giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

3. Mạch tích hợp

Chất bán dẫn rất quan trọng đối với Trung Quốc, và Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều tiền trong vài năm qua để nỗ lực đuổi kịp Hoa Kỳ, Đài Loan và Hàn Quốc.

Thách thức nằm ở sự phức tạp của chuỗi cung ứng chất bán dẫn. TSMC của Đài Loan và Samsung của Hàn Quốc là hai nhà sản xuất chip tiên tiến nhất thế giới, nhưng họ cũng cần dựa vào thiết bị và công cụ liên quan từ Hoa Kỳ và Châu Âu.

Hoa Kỳ đã đưa nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc - SMIC vào "Danh sách đen", theo đó cấm những công ty có tên trong danh sách tiếp nhận những mặt hàng cụ thể do Mỹ sản xuất. Do đó, SMIC không thể có được sự hỗ trợ của công nghệ Hoa Kỳ. Theo báo cáo, Hoa Kỳ còn ngăn chặn công ty ASML của Hà Lan cung cấp các thiết bị quan trọng có thể giúp SMIC bắt kịp các đối thủ cạnh tranh.

Vì Trung Quốc không có công ty nào có thể thiết kế và sản xuất thiết bị sản xuất chip riêng, nên họ cần phải dựa vào các công ty từ các nước khác, đó là điều mà Trung Quốc muốn thay đổi.

Trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14, Trung Quốc sẽ tập trung vào việc nghiên cứu và phát triển các công cụ thiết kế mạch tích hợp, thiết bị chính và vật liệu chính.

Tầm quan trọng của con chip là điều hiển nhiên, nó là nền tảng hỗ trợ sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp.

4. Khoa học não bộ

Trung Quốc có kế hoạch nghiên cứu phương pháp điều trị cách ngăn ngừa các bệnh về não.

Đồng thời, Trung Quốc có kế hoạch nghiên cứu "điện toán mô phỏng não người" và "công nghệ tổng hợp máy tính-não". Tuy nhiên, kế hoạch 5 năm không nêu chi tiết.

Tại Hoa Kỳ, công ty Neuralink của Elon Musk cũng đang làm việc trong lĩnh vực này. Musk nghiên cứu giao diện chip máy tính - não có thể cấy ghép để kết nối não người và máy tính.

5. Hệ gen học và công nghệ sinh học

Sự bùng nổ của đại dịch Covid-19 đã làm nổi bật tầm quan trọng của công nghệ sinh học. Trung Quốc cho biết họ sẽ tập trung vào chế tạo vắc xin và nghiên cứu an toàn sinh học.

6. Y học lâm sàng và sức khỏe

Nghiên cứu ở Trung Quốc sẽ tập trung vào việc tìm hiểu sự tiến triển của các bệnh ung thư, tim mạch, hô hấp và chuyển hóa.

Kế hoạch nêu rõ rằng một số công nghệ điều trị tiên tiến sẽ được nghiên cứu, chẳng hạn như y học tái tạo. Điều này liên quan đến các loại thuốc có thể tái tạo hoặc sửa chữa các tế bào, mô và cơ quan bị hư hỏng.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ nghiên cứu các công nghệ chủ chốt để phòng ngừa và điều trị các bệnh truyền nhiễm lớn.

7. Nghiên cứu về không gian, vũ trụ, biển sâu và các vùng cực

Gần đây, khám phá không gian là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc. Kế hoạch chỉ ra rằng Trung Quốc sẽ tập trung vào nghiên cứu nguồn gốc và sự tiến hóa của vũ trụ, khám phá sao Hỏa, và nghiên cứu các vùng biển sâu và vùng cực.

Vào tháng 12, Trung Quốc đã hạ cánh thành công tàu vũ trụ lên Mặt Trăng để thực hiện sứ mệnh lịch sử lấy các mẫu đá trên bề mặt Mặt Trăng mang về Trái đất. Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba thu được các mẫu vật từ Mặt Trăng sau Hoa Kỳ và Nga.

Ông David Draper, Phó giám đốc khoa học của NASA nói với New York Times: "Đây là một nhiệm vụ thực sự táo bạo. Họ sẽ tiến một bước lớn để hiểu được nhiều điều quan trọng về lịch sử mặt trăng".

Vào tháng 7, Trung Quốc đã phóng thành công tàu thăm dò Tianwen-1 lên sao Hỏa. Cho tới nay mới chỉ có Hoa Kỳ thực hiện thành công kỹ thuật đưa thiết bị tự hành đáp xuống Sao Hỏa, với 8 lần thực hiện.