Cho đến thời điểm này, tại Mỹ, đã có gần 10 trường hợp đâm đơn kiện Apple về việc này.
Apple đã âm thầm làm chậm tốc độ iPhone đời cũ, được cho rằng nhằm thúc đẩy người tiêu dùng mua sản phẩm mới của họ. Thật hiếm khi, một kẻ thừa tự tin, dư ngạo mạn và cũng rất bảo thủ lại "hạ mình" xin lỗi như thế. iPhone đã có 10 năm lịch sử. Còn nhớ dạo Apple ra mắt iPhone 4, bị lỗi về ăngten bắt sóng yếu, nhưng Steve Jobs khi ấy đứng trong hội nghị nhất mực không chịu đưa ra lời thừa nhận và xin lỗi cho dù dư luận chỉ cần Jobs có một lời như thế để có lí do sẵn sàng bỏ qua cho Apple.
So với Steve Jobs, Tim Cook mềm mại hơn, và đặc biệt là đỡ bảo thủ hơn. Bằng chứng là từ thời iPhone 4 Jobs đã duyệt thiết kế iPhone 5 và chỉ cho nó được kéo dài (bị trêu là iPhone 4 kéo dài) chứ nhất định không chịu cho màn hình to ra theo bề ngang trong khi Samsung đã vượt lên về việc này. Dù Cook đã chấp chính Apple từ thời ra iPhone 5, nhưng phải sau thế hệ iPhone đã được Jobs duyệt thiết kế, Tim Cook mới mở rộng màn hình theo xu thế mới từ thời iPhone 6. Và bây giờ, dưới thời Tim Cook, lời xin lỗi được đưa ra dù hiếm hoi nhưng cũng đã được phát đi, dù khó khăn nhưng cũng đã được thừa nhận.
Kèm theo sự thừa nhận và lời xin lỗi là chính sách giảm chi phí thay pin trong năm 2018 từ mức 79 USD xuống còn 29 USD (giảm 63,2%) đối với khách hàng dùng phiên bản iPhone 6 và một số mô hình mới hơn. Apple cũng cho biết, bản cập nhật iOS vào đầu năm 2018 sẽ bổ sung tính năng đọc tình trạng pin để cảnh báo người dùng rằng có cần thay pin không.
Một lời xin lỗi cùng với các động thái "khắc phục hậu quả" thể hiện sự "hối lỗi" của "Táo khuyết" là điều chúng ta chỉ có thể thấy ở thời đại của Tim Cook chứ chẳng phải ai khác trong suốt 10 năm qua.
Nhưng những chính sách khắc phục, đền bù ấy cũng chả là gì với khoản lãi kỉ lục nhất thế giới của một doanh nghiệp mà năm tài chính 2017 (kết thúc tháng 9/2017) Apple đã gặt hái: 61,3 tỉ USD. Ngay lúc này có hai câu hỏi tương đối trái ngược được đặt ra: Có phải những hành động âm thầm như việc làm chậm tốc độ iPhone đời cũ để thúc đẩy người tiêu dùng trang bị iPhone mới của Apple đã góp phần vào khoản lãi "khủng" kia? Hoặc là trước con số lợi nhuận "khủng" của năm 2017, Tim Cook mới "phóng tay" với người tiêu dùng nhằm xoa dịu nhanh cơn thịnh nộ của "thượng đế"? Bởi lúc này, có nhiều thông tin dự báo rằng thế hệ iPhone 8 và iPhone X đang không đạt được doanh số như kì vọng, nếu để khúc mắc với "thượng đế" thêm trầm trọng thì doanh số iPhone trong năm 2018 coi chừng gặp thảm họa.
Bởi dù gì, khoản lãi 61,3 tỉ USD kia chẳng phải từ đâu ra mà chính từ các "thượng đế" mang dâng tặng cho Apple, từ đó người ở vị trí CEO như Tim Cook mới vớ bẫm được 102 triệu USD. Vậy thì dù hiếm hoi hay dù khó khăn thốt ra lời xin lỗi, thì cũng phải cố làm và làm cho bằng được còn hơn là để mất núi tiền USD nếu bị người tiêu dùng phẫn nộ, quay lưng. Tuy nhiên, cho dù đã khôn ngoan sớm sủa xử lí cơn khủng hoảng nhãn tiền này, nhưng Apple cũng chưa thể thoát được những vụ kiện tụng liên quan đến việc mà họ đã làm bị cho rằng không chỉ vi phạm về luật pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn trái với đạo đức kinh doanh. Những vụ kiện như thế, không chỉ diễn ra trong một, hai tháng mà có thể kéo dài tới hàng năm gây phiền phức và tổn hại uy tín, hình ảnh doanh nghiệp.
Mà lo nhất, là sự tác động tiêu cực của vụ việc này đến giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Trong hơn 6 năm đứng mũi chịu sào con thuyền Apple (từ tháng 8/2011), Tim Cook có công đầu đưa giá cổ phiếu Apple tăng gấp 6 lần, giá trị cổ phiếu tăng hơn 200%, và Apple trở thành doanh nghiệp có giá trị lớn nhất toàn cầu (hơn 870 tỉ USD).
Tất nhiên không phụ lại sự tin tưởng và bảo vệ của ban lãnh đạo, CEO Tim Cook đã đem tới cho Apple những con số rất khả quan. Sau khi nhậm chức CEO Apple từ tháng 8/2011 cho tới nay, Tim Cook đã giúp giá trị cổ phiếu của Apple tăng gấp 6 lần. Cụ thể, giá trị cổ phiếu của Apple đã tăng hơn 200% so với cách đây 7 năm.
Có lẽ nhiều iFans tại Việt Nam cảm thấy chẳng liên quan gì tới khoản lãi "khủng" 61,3 tỉ USD của Apple. Nhưng với lời xin lỗi và đặc biệt là chính sách giảm chi phí thay pin, thì người tiêu dùng Việt không thể không quan tâm. Một khi Apple hãm tốc độ iPhone đời cũ khi pin có dấu hiệu bị chai hay sụt giảm thông qua hệ điều hành iOS, thì không chỉ có iPhone ở Mỹ mà trên khắp thế giới cũng bị ảnh hưởng như nhau. Vậy thì chính sách khắc phục giảm chi phí thay pin, cũng phải được hiểu là áp dụng trên toàn cầu đối với các đối tượng bị ảnh hưởng. Câu hỏi đáng quan tâm là, Apple có đưa và bao giờ đưa chính sách khắc phục, bù đắp cho người tiêu dùng Việt do lỗi lầm mình gây ra?
http://vnreview.vn/goc-nhin-vnreview/-/view_content/content/2365839/61-3-ti-usd-lai-khung-va-mot-loi-xin-loi