Thông tin được bà Nguyễn Hải Anh (Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững - MSD) chia sẻ tại hội thảo có chủ đề “Sự tham gia của truyền thông, báo chí trong công tác bảo vệ trẻ em” do Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức tại Vĩnh Phúc ngày 24/7.
Từng khảo sát về các vấn đề bảo vệ trẻ em nổi cộm tại 1 xã thuộc huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng vào tháng 8/2018, bà Hải Anh cho biết có tới 94/123 trẻ - chiếm 77% trong tổng số trẻ em tham gia khảo sát - khẳng định các em đang phải chịu một số loại hình bạo lực tại gia đình như bị cha mẹ, người lớn trong nhà quát mắng, đánh đòn.
Trong đó, nhiều phụ huynh thừa nhận quan niệm về việc trẻ em trai phải chịu các hình thức kỷ luật như bị bố mẹ đánh mắng, tát nhiều hơn; một số trẻ tâm sự rằng thường bị bố đánh đòn khi say, hoặc bị dọa đánh gẫy chân, nát mông…
“Đây là con số rất đáng buồn khi trẻ phải lo lắng về bạo lực ngay trong chính gia đình của mình” – bà Hải Anh nói.
Cha mẹ cần có những phương pháp giáo dục tích cực thay vì sử dụng các biện pháp trừng phạt gây ảnh hưởng xấu tới trẻ em.
|
Hậu quả của việc trừng phạt bằng bạo lực là gây đau đớn, để lại những vết thương trên cơ thể, làm ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của trẻ, làm trẻ bị tàn tật... Về tâm lý, tinh thần, việc bị phạt đòn khiến trẻ có tâm lý lo lắng, bẽ mặt, nhục nhã; bị hạ thấp lòng tự trọng, tự tin của trẻ; làm trẻ tức giận và mong muốn trả đũa hoặc tìm cách lừa dối người lớn; có thể làm trẻ trở nên “miễn dịch”, nhờn đòn; trẻ không học được tính kỷ luật, có chăng chỉ là học được một tấm gương xấu.
Thậm chí, việc dùng bạo lực để phạt trẻ còn duy trì vòng luẩn quẩn bạo lực trong gia đình, xã hội, tạo tâm lý dùng bạo lực để giải quyết vấn đề…
Từ đây, bà Hải Anh đặt ra vấn đề bảo vệ trẻ em trước sự trừng phạt và bạo lực trong gia đình. Bà cho rằng, nguyên nhân của sự trừng phạt phần lớn đến từ tâm lý yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi "cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư"; bố mẹ, thầy cô cần nghiêm khắc thì trẻ mới tôn trọng; đã có nhiều người phải chịu đòn roi nhưng không nhận hậu quả gì; không đánh thì trẻ không sợ, dễ hư; việc trừng phạt trẻ bằng đòn roi tỏ ra có hiệu quả…
Vì vậy, để trẻ được bảo vệ tốt hơn, bà Hải Anh nhấn mạnh tới việc thay đổi tâm lý của các bậc phụ huynh, chỉ rõ hậu quả tác hại của việc áp dụng các biện pháp trừng phạt, đồng thời, ủng hộ, đề cao những quan điểm tiến bộ trong việc giáo dục trẻ. Bên cạnh đó, bà cho rằng không nên coi việc trừng phạt trẻ là việc nội bộ của gia đình, nhà trường để có sự can thiệp chính xác, kịp thời.
Để thay đổi nhận thức của phụ huynh, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em nhấn mạnh vai trò của truyền thông. Theo ông, truyền thông, các cơ quan báo chí cần cung cấp thông tin về bảo vệ trẻ em thông qua hệ thống các bài viết trên báo chí về khía cạnh pháp luật... Từ việc có đủ kiến thức, hành vi của các bậc phụ huynh thay đổi, chính trẻ em cũng nắm được về quyền lợi và nghĩa vụ của mình để thực hiện.