3 điều giáo sư Đan Mạch đề xuất cho TP.HCM để xây đô thị bền vững

Các chuyên gia Đan Mạch cho rằng TP.HCM nên khuyến khích người dân đi xe đạp, sử dụng phương tiện công cộng và xây dựng các không gian công cộng cho người dân tương tác với nhau.

Trong hội thảo “Tuần lễ Đan Mạch - Đô thị bền vững và sống tốt” vừa diễn ra sáng 29/11 tại TP.HCM, giáo sư Tom Nielsen của trường Đại học Kiến trúc Aarhus nhận định mặc dù Đan Mạch và Việt Nam khác biệt, Việt Nam có thể học hỏi từ 3 điều từ Đan Mạch trong quy hoạch và kiến trúc đô thị, cảnh quan.

Đó là tạo dựng không gian công cộng; thiết kế để người dân tiếp cận dễ dàng các khu vực có mặt nước; và hạn chế sự thống trị của xe hơi trong đô thị.

Xe đạp là phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân thành phố Copenhagen, Đan Mạch. Ảnh: Getty.

"Thật ngu ngốc nếu không đầu tư vào xe đạp"

Đan Mạch nói chung và Copenhagen nói riêng từ lâu đã được coi là vùng đất thân thiện với xe đạp. Hơn 60% chuyến đi mỗi ngày tại thủ đô Copenhagen được thực hiện bằng xe đạp, và thành phố này đã vượt qua Amsterdam (Hà Lan) để trở thành thủ phủ xe đạp châu Âu.

Ông Nielsen cho biết ông khá bất ngờ khi đặt chân đến Việt Nam vì ở cả hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, ông đều không thấy có nhiều người đi bộ hoặc đi xe đạp. Kiến trúc sư này chia sẻ bản thân người Đan Mạch cũng thích đi xe hơi nhưng các phương án giao thông công cộng hấp dẫn và việc xây dựng khu đô thị mới xung quanh điểm dừng đã giúp cân bằng xu hướng.

Bên cạnh đó, chính phủ Đan Mạch cũng ưu tiên hạ tầng cho xe đạp bằng cách xây dựng các cấu trúc chuyên dụng mới hoặc tái cơ cấu hệ thống đường hiện có.

Theo bà Tina Saabye, kiến trúc sư trưởng của Hội đồng thành phố Copenhagen, một nghiên cứu của Đan Mạch cho thấy cứ mỗi người ta di chuyển bằng xe đạp, xã hội sẽ tiết kiệm được 23 cent trong khi mỗi km sử dụng xe hơi khiến cho xã hội mất đi 16 cent, vì vậy theo lời chuyên gia này, sẽ “thật ngu ngốc” nếu chính quyền nước này không đầu tư vào xe đạp.

Đồng tình với quan điểm của bà Saabye, ông Nielsen cho rằng một trong những nhiệm vụ của chính phủ còn bao gồm việc đảm bảo sức khỏe cho người dân, và việc khuyến khích đi xe đạp cũng là để phục vụ mục đích đó.

Giáo sư Tom Nielsen của trường Đại học Kiến trúc Aarhus phát biểu tại sự kiện về kinh nghiệm của Đan Mạch trong việc phát triển đô thị bền vững. Ảnh: Sơn Trần.

"Nghĩ về đô thị trước khi thiết kế tòa nhà"

Về không gian công cộng, chính quyền các thành phố tại Đan Mạch muốn mọi người ra đường và tiếp xúc với nhau nhiều hơn, điều này khiến cho yếu tố con người luôn được chú trọng. Việc tiếp xúc trực tiếp giữa người với người có thể xóa bỏ khoảng cách, tăng tính kết nối giữa người với người, từ đó tạo sự kết nối trong mối tương quan tổng thể ở một thành phố.

Bà Saabye nói rằng tại Đan Mạch, người ta nghĩ về cuộc sống đô thị và về không gian đô thị trước khi thiết kế các tòa nhà. Sẽ không có thành phố nếu không có người dân sống, làm việc và di chuyển quanh thành phố cũng như trong các tòa nhà và trên đường phố.

Về việc thiết kế để người dân dễ tiếp cận nơi có mặt nước, trước đây tại Đan Mạch, khu vực cảng thường là khu công nghiệp với các nhà máy. Bây giờ, chính quyền các thành phố tăng cường xây dựng các khu nhà ở và khu vực công cộng ở những địa điểm này, hướng tới việc cung cấp thêm nhiều không gian mở.

Tiến sĩ Trần Thị Lan Anh, Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị thuộc Bộ Xây dựng cho rằng các đô thị Việt Nam đang đối mặt nhiều thách thức.

Sau phần chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia là một phần thảo luận sôi nổi khi khách mời đặt câu hỏi với một số vấn đề trong quy hoạch đô thị, đặc biệt là tình trạng ngập lụt.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiếu ở của Trường Đại học Việt - Đức cho rằng quá trình đô thị hóa ở TP.HCM diễn ra không hợp lý khi không gian để nước mưa có thể thấm tự nhiên xuống lòng đất bị giảm đi quá nhiều. Theo ông Hiếu, thường thì 50% lượng mưa sẽ thấm xuống đất và 30% bốc hơi, chỉ còn 20% ở lại trên mặt đường, nhưng lượng nước mưa thẩm thấu ở TP.HCM chỉ đạt 10%, cá biệt có nơi chỉ vài phần trăm.

Tiến sĩ Trần Thị Lan Anh, Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, cho biết với vị trí địa lý đặc thù, Việt Nam là quốc gia dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và các đô thị sẽ là nơi dễ nhận thấy điều này nhất. 128 đô thị ở Việt Nam được cho sẽ phải đối mặt với nguy cơ ngập lụt, nước biển dâng, triều cường, mất đất hoặc nhiễm mặn.

Theo kinh nghiệm của Copenhagen, sau khi trải qua trận lụt lịch sử vào năm 2011, chính quyền thành phố đã phải mất tới hơn 2 năm để có nghiên cứu hoàn chỉnh về tất cả dòng chảy của nước mưa trong thành phố, từ đó có cơ sở để xây dựng quy hoạch phù hợp.

Ông Nielsen chia sẻ việc chính quyền thủ đô Đan Mạch sẽ giảm thuế thu nhập cá nhân nếu người dân tích trữ một lượng nước mưa nhất định trong nhà, đây là phương án có lợi cho cả hai bên và ông Nielsen cho rằng điều này có thể áp dụng được ở Việt Nam vì trước đây người dân có truyền thống trữ nước mưa để sinh hoạt.

Trong khuôn khổ của Thỏa thuận hợp tác toàn diện được hai Chính phủ ký kết trong năm 2013, mối quan hệ giữa Việt Nam - Đan Mạch là một mối quan hệ hợp tác đối tác tập trung vào đối thoại chính trị, trao đổi văn hóa, các hoạt động thương mại và các dự án ODA phù hợp với thế mạnh của Đan Mạch trong phát triển xanh, y tế, giáo dục, thực phẩm và nông nghiệp. Đây cũng là những lĩnh vực có nhiều thách thức mà Việt Nam hiện phải đối mặt.

Theo Zing

http://news.zing.vn/3-dieu-giao-su-dan-mach-de-xuat-cho-tphcm-de-xay-do-thi-ben-vung-post896282.html