Sau hơn 3 tháng ra mắt, phiên bản mini app cũng giúp Tây Ninh Smart nâng tổng số hồ sơ dịch vụ công trực tuyến lên đến hơn 60.000 lượt.
Là một cán bộ Đảng lâu năm, ông Nguyễn Hồng Lạc (56 tuổi, ngụ ấp Bình Phong, xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) chứng kiến quê hương từng ngày khởi sắc về mọi mặt. Nhưng có lẽ với ông Lạc, mini app Tây Ninh Smart trên Zalo chính là một trong những sự phát triển đáng mừng nhất.
Ông Lạc kể, đơn vị ông đang công tác (Chi bộ ấp Bình Phong) có 36 Đảng viên, hầu hết là cán bộ hưu trí, tuổi cao. Kể từ khi có mini app Tây Ninh Smart trên Zalo, một số công tác tại Chi bộ ấp Bình Phong như hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính; công tác thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đã có chuyển biến tích cực.
Ông Nguyễn Tấn Đức, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninh, trước khi triển khai mini app Tây Ninh Smart, tỉnh Tây Ninh đã nhận ra các vấn đề mà người dân hay gặp khó khi lần đầu sử dụng app như quá trình tải về và cài đặt ứng dụng từ các kho ứng dụng, đăng ký tài khoản người dùng chưa thực sự thuận tiện đặc biệt là với người lớn tuổi, làm hạn chế số người tiếp cận ứng dụng và sử dụng ứng dụng, nhất là việc lập hồ sơ trực tuyến trên app di động.
Tuy nhiên, việc hàng chục ngàn người trung niên trên khắp địa bàn Tây Ninh đều đã quen “lướt, chạm” để tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến của tỉnh nhà đã cho thấy sự thành công của phiên bản ứng dụng Tây Ninh Smart chạy trực tiếp trên nền tảng mini app của Zalo.
Được xem như “cánh tay nối dài” của Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh, các tổ công nghệ số cộng đồng thường xuyên túc trực, hướng dẫn người dân ở bộ phận một cửa, tổ chức hội nghị phổ cập kỹ năng chuyển đổi số. Đồng thời “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, hỗ trợ người dân, nhất là người trung niên cách truy cập và sử dụng mini app Tây Ninh Smart.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông Tây Ninh, quá trình này cần có sự nghiên cứu và phân tích để xác định tính năng mới phù hợp với nhu cầu của người dùng và mục tiêu phục vụ. Trong đó, bao gồm việc thu thập ý kiến, góp ý từ người dân, doanh nghiệp và các bên liên quan.
Qua việc triển khai mini app, tỉnh Tây Ninh rút ra một số bài học kinh nghiệm. Đầu tiên, việc triển khai ứng dụng phải tập trung vào nhu cầu của người dùng. Thành công của một ứng dụng phụ thuộc rất nhiều vào việc có thể đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.
Tiếp theo, cần phát triển ứng dụng trên nền tảng phổ biến. Với các tiện ích số không đòi hỏi yêu cầu cao về xác thực người dùng, thì nên theo hướng tiện lợi, dễ sử dụng, dễ tiếp cận.
Việc triển khai hiệu quả các tiện ích hoặc ứng dụng công nghệ đòi hỏi chính quyền địa phương cần hành động quyết liệt, chủ động nắm bắt kịp thời nhu cầu của người dân. Từ đó nâng cao mức độ hài lòng của người dân, góp phần thúc đẩy hoàn thiện Chính quyền số - một trong những trụ cột của công tác chuyển đổi số Quốc gia hiện nay./.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu