Triển khai trợ lý ảo hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Đó là 1 trong 8 giải pháp quan trọng mà các bộ, ngành, địa phương sẽ tập trung triển khai trong thời gian tới, nhằm thay đổi căn bản việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Việt Nam xếp thứ 76/193 nước, tăng 5 bậc so với năm 2020, theo đánh giá mới nhất năm 2022.
Việt Nam xếp thứ 76/193 nước, tăng 5 bậc so với năm 2020, theo đánh giá mới nhất năm 2022.

Hôm nay, 5/6, Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số đã tổ chức phiên họp chuyên đề về thay đổi căn bản cung cấp dịch vụ công trực tuyến để nâng cao chất lượng cung cấp và hiệu quả sử dụng.

Đây là lần đầu tiên Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số tổ chức phiên họp chỉ tập trung vào một chủ đề cụ thể: Dịch vụ Công trực tuyến.

Theo đánh giá về Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc, chỉ số phát triển dịch vụ trực tuyến (OSI) của Việt Nam đã có những tiến bộ: Năm 2022, Việt Nam xếp thứ 76/193 nước, tăng 5 bậc so với năm 2020.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) - chỉ rõ: Hai điều căn bản nhất là trực tuyến toàn trình và chất lượng dịch vụ trực tuyến. Trực tuyến toàn trình là người dân tự làm từ nhà và không đến cơ quan nhà nước. Chất lượng dịch vụ công trực tuyến là sự đơn giản, thuận tiện và nhanh.

v_nguyen manh hung.jpg
Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số Nguyễn Mạnh Hùng.

Hai điều này phải dẫn đến kết quả cuối cùng là đại đa số người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Cách làm dịch vụ công trực tuyến trước đây theo kiểu ứng dụng công nghệ thông tin. Còn cách tiếp cận mới là chuyển đổi số.

Sự khác biệt cơ bản của hai cách làm này là thay vì làm các hệ thống công nghệ thông tin rời rạc thì dùng các nền tảng số dùng chung; thay vì tự làm, tự đầu tư thì thuê dịch vụ, cho cả phần cứng và phần mềm - Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số nói.

8 giải pháp để người dân sử dụng được dịch vụ công trực tuyến

Hội nghị đã thống nhất nhiều giải pháp quan trọng mà các bộ, ngành, địa phương sẽ tập trung triển khai trong thời gian tới: (1) Công bố tiêu chuẩn chất lượng cổng dịch vụ công trực tuyến và tiến hành đánh giá, công bố chất lượng cổng dịch vụ công trực tuyến của tất cả các bộ, ngành, địa phương; (2) Đơn giản hoá, chuẩn hoá hồ sơ, quy trình thực hiện cho 25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu; (3) Nâng cấp cổng dịch vụ công trực tuyến lên bản mới nhất; (4) Cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên thiết bị di động; (5) Bảo đảm kết nối mạng công cộng, không còn điểm lõm sóng; (6) Bảo đảm an toàn, an ninh mạng; (7) Kết nối, chia sẻ dữ liệu; (8) Triển khai trợ lý ảo hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Năm 2023, các bộ, ngành, địa phương sử dụng bộ phận một cửa điện tử để hướng dẫn bà con sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Sau đó, người dân tự làm từ nhà, nhất là các dịch vụ công đã đơn giản hoá thủ tục hành chính trên môi trường số, giảm mạnh việc người dân đến bộ phận một cửa điện tử. Ngoài ra, còn có chính sách ưu tiên dịch vụ công trực tuyến, như thời gian trả kết quả nhanh hơn, giá dịch vụ giảm.

Từ ngày 10/6/2023, Bộ TT&TT sẽ chính thức đánh giá Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương và công bố kết quả vào cuối tháng 6/2023.

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng đề nghị các doanh nghiệp cung cấp giải pháp hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính khẩn trương cập nhật, nâng cấp phiên bản đang triển khai ở các bộ, tỉnh lên phiên bản mới nhất.

Bộ TT&TT sẽ đánh giá và công bố xếp hạng chất lượng giải pháp công nghệ do doanh nghiệp cung cấp./.