180.000 hồ sơ đã qua Cơ chế một cửa quốc gia

VietTimes -- Kể từ khi đi vào vận hành (tháng 11/2014), Cổng thông tin Cơ chế một cửa quốc gia thống kê đã tiếp nhận và giải quyết trên 180.000 bộ hồ sơ hành chính của hơn 7.900 doanh nghiệp.
Đến năm 2020, cơ chế một cửa quốc gia dưới dịch vụ công trực tuyến ở cấp độ 4 (cấp độ cao nhất), dẫn đầu trong khu vực ASEAN về thời gian thông quan.
Đến năm 2020, cơ chế một cửa quốc gia dưới dịch vụ công trực tuyến ở cấp độ 4 (cấp độ cao nhất), dẫn đầu trong khu vực ASEAN về thời gian thông quan.

Tổng cục Hải quan cho biết, Cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối chính thức 10 bộ, ngành bao gồm: Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ VHTT&DL, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng.

Ngoài thủ tục thông quan hàng hóa (Bộ Tài chính) đã có 36 thủ tục hành chính của 9 bộ, ngành còn lại đã thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.

Dẫn đầu là Bộ Giao thông vận tải đã thực hiện 11 thủ tục hành chính với tổng số 85.167 hồ sơ của 4.582 DN. Trong đó, đối với thủ tục cho tàu thuyền tại các cảng hiện đã có 63.013 hồ sơ với sự tham gia của 3.029 DN.

Tiếp đến là Bộ NN&PTNT thực hiện 9 thủ tục hành chính với tổng số hồ sơ 32.860 của 1.122 DN; Bộ Y tế thực hiện 5 thủ tục hành chính với tổng số 10.760 hồ sơ của 1.088 DN; Bộ Công Thương thực hiện 4 thủ tục hành chính với tổng số 55.584 hồ sơ của 2.810 DN...

Cơ chế một cửa quốc gia là một hệ thống tích hợp gồm Cổng thông tin Hải quan một cửa quốc gia, hệ thống thông quan của cơ quan Hải quan, các hệ thống cấp phép của Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải và một số Bộ khác. Ngày 8/9/2015, đã diễn ra lễ công bố chính thức thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật Cơ chế một cửa ASEAN. Theo Ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN và Cơ chế một cửa quốc gia, việc thực hiện thành công Cơ chế một cửa quốc gia được coi như là một công cụ chính của các cơ quan Chính phủ trong tạo thuận lợi cho thương mại và vận tải quốc tế.

Trong Nghị quyết 36a ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hệ thống Hải quan  điện tử, thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và kết nối Cơ chế một cửa ASEAN, phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện kết nối trao đổi thông tin giữa cơ quan hải quan với các cơ quan quản lý nhà nước, các ngân  hàng thương mại và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, bảo hiểm  và các dịch vụ khác có liên quan.

Thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho hay, đây là 1 trong 5 nhiệm vụ Chính phủ giao, hiện vẫn đang được Bộ Tài chính triển khai thực hiện.

Cũng theo thống kê, tính đến 15/9/2016 đã có hơn 165.000 bộ hồ sơ với sự tham gia của khoảng 7598 doanh nghiệp được xử lý trên Cổng thông tin một cửa quốc gia tại địa chỉ https://vnsw.gov.vn.

Từ tháng 9/2015, cơ chế một cửa quốc gia Việt Nam đã kết nối kỹ thuật thành công với 4 nước ASEAN gồm: Indonesia, Malaysia, Singapore và Thailand để trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D cho hàng hóa xuất khẩu có xuất xứ ASEAN; sẵn sàng để kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN khi Nghị định thư pháp lý về Cơ chế một cửa ASEAN có hiệu lực  trong năm 2016.

Tổng hợp