15 triệu SIM bị khóa và thu hồi, nạn SIM rác, tin nhắn rác giảm hẳn

Năm 2016, nhiều cuộc họp, ý tưởng rồi đến chính sách và triển khai thực thi quyết liệt như liều thuốc mạnh nhằm quản lý thuê bao trả trước, xử lý vấn nạn SIM rác, tin nhắn rác bắt đầu có kết quả khả quan.
15 triệu SIM bị khóa và thu hồi, vấn nạn SIM rác, tin nhắn rác giảm hẳn
15 triệu SIM bị khóa và thu hồi, vấn nạn SIM rác, tin nhắn rác giảm hẳn

SIM rác, tin nhắn rác làm đau đầu cả người dùng và nhà quản lý

Trong cuộc họp triển khai kế hoạch năm 2016 của Bộ TT&TT, ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cũng cho hay, tình trạng tin nhắn rác vẫn là điểm nóng, một trong những khó khăn nhất ở địa phương. Việc quản lý thông tin trên Internet, thông tin trên mạng, trò chơi trực tuyến cũng gặp khó khăn khiến HĐND TP.HCM rất bức xúc. Ông Lê Thái Hỷ cho hay, các địa phương rất mong muốn các nhà mạng có “nỏ thần” để ngăn chặn tình trạng tin nhắn rác. Ông Hỷ kiến nghị, Bộ TT&TT cần có giải pháp điều hành giữa các nhà mạng, nhà cung cấp nội dung và các đại lý để từng bước hạn chế tin nhắn rác hoành hành.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Sỹ Cương đã chất vấn Chính phủ về tình trạng tin nhắn rác tràn lan hiện nay gây rất nhiều bức xúc trong xã hội. “Mấy chục triệu thuê bao là mấy chục triệu nạn nhân, nhiều người coi đây là tình trạng khủng bố tin nhắn rác. SIM rác và tin nhắn rác thực chất là hai kẻ đồng hành và nói mãi không sao quản lý được? Liệu Chính phủ sẽ chỉ đạo như thế nào để giải quyết vấn nạn này?”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đặt câu hỏi.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo, quản lý tin nhắn rác là cần thiết và Bộ TT&TT phải có biện pháp quản lý trên tinh thần bảo đảm quyền lợi của cộng đồng, của số đông người dân.

Chỉ đạo tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước Bộ TT&TT quý I/2016, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn yêu cầu các cơ quan của Bộ phải tập trung hoàn thiện chính sách quản lý thuê bao di động trả trước. Đặc biệt trong việc ngăn chặn tin rác, tin nhắn lừa đảo, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị của Bộ phải tích cực chỉ đạo các doanh nghiệp có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo khách hàng.

“Nhiều khách hàng khi nhận được tin nhắn lừa đảo đã chuyển các tin nhắn đó trả lại vào máy của tôi. Họ nói “trả lại cho Bộ trưởng”. Có ngày tôi nhận được cả chục tin nhắn lừa đảo, tin rác như vậy”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói.

Thực tế trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã ban hành nhiều quy định để quản lý thuê bao di động trả trước như bắt buộc thuê bao phải đăng ký thông tin cá nhân, SIM bán ra phải là SIM trắng, không được kèm tài khoản và mỗi cá nhân không được sở hữu quá 3 SIM/1 mạng, nhưng trên thị trường các SIM đã kích hoạt kèm tài khoản vẫn được bán công khai cho thấy việc tuân thủ các quy định không nghiêm.

Thu hồi SIM đã kích hoạt triệt nguồn cung cho SIM rác, tin nhắn rác

Cam kết giữa 5 doanh nghiệp di động Viettel, VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile, Gtel với Bộ TT&TT về việc thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối áp dụng từ ngày 1/11/2016. Theo Bộ TT&TT, hiện mỗi ngày ở Việt Nam có hàng triệu tin nhắn rác được phát tán. Các tin nhắn rác chủ yếu xuất phát từ SIM rác - là những thuê bao di động trả trước đăng ký thông tin chủ thuê bao không chính xác. Nhiều đối tượng dễ dàng mua SIM rác để gửi tin nhắn nặc danh, lừa đảo, gây rối trật tự trị an, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân cũng như an ninh thông tin, an ninh quốc phòng. Tin rác thậm chí còn là công cụ của tội phạm, khủng bố…

“Đây chính là lý do mà Chính phủ và Bộ TT&TT quyết tâm tăng cường hơn nữa công tác quản lý thuê bao di động trả trước. Một trong những biện pháp quan trọng phải thực hiện ngay là thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối.”, đại diện Bộ TT&TT cho hay.

Khi cùng ký vào bản cam kết với Bộ TT&TT, 5 doanh nghiệp viễn thông di động đã thể hiện sự nhất trí, đồng thuận cao trong việc thực hiện triệt để hơn, hiệu quả hơn các quy định về quản lý thuê bao di động trả trước. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ triển khai một số biện pháp tăng cường để đảm bảo thực hiện đúng các quy định của nhà nước về quản lý thuê bao di động trả trước và Thông tư 14/2012/TT-BTTTT,  thu hồi SIM đã kích hoạt sẵn và xử lý nghiêm các đại lý, điểm bán vi phạm. Thời gian bắt đầu áp dụng cam kết là ngày 1/11/2016.

Bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết, thu hồi SIM kích hoạt sẵn là 1 trong 2 biện pháp chủ yếu đã được Chính phủ họp và quyết tâm chỉ đạo Bộ TT&TT và các doanh nghiệp triển khai nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý thuê bao di động trả trước, từng bước giải quyết vấn nạn SIM rác, tin nhắn rác tràn lan trên thị trường.

Bà Mơ nhấn mạnh, sở dĩ phải triển khai biện pháp thu hồi SIM kích hoạt sẵn vì: trong yêu cầu đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, cần có thông tin chính xác của người sử dụng dịch vụ để kịp thời ngăn chặn, tìm ra các đối tượng vi phạm pháp luật. Việc này rất cần thiết để đảm bảo cho quyền lợi của người sử dụng dịch vụ, không bị quấy rầy, không bị làm phiền, ngăn chặn tin nhắn rác.

15 triệu SIM bị khóa và thu hồi, vấn nạn SIM rác, tin nhắn rác giảm hẳn

Phát biểu tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2017 của Bộ TT&TT ngày 23/12/2016, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết, trong những tháng cuối năm, công tác quản lý thuê bao trả trước, ngăn chặn SIM rác, khuyến mại đã được Bộ TT&TT triển khai quyết liệt bằng nhiều biện pháp, hình thức khác nhau. Bước đầu, các nỗ lực này đem lại một số kết quả nhất định: phát hiện 12 triệu SIM thuê bao kích hoạt sẵn trên kênh phân phối mà chưa có thông tin chính xác, gần 600 nghìn thuê bao đi đăng ký lại, hơn 11 triệu thuê bao bị khóa tài khoản. Dự kiến số SIM bị khóa và thu hồi sẽ tăng lên khoảng 15 triệu SIM.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, nhiệm vụ năm 2017, Bộ TT&TT sẽ quản lý chặt hoạt động cạnh tranh, khuyến mại, giá cước, chất lượng dịch vụ để bảo đảm quyền lợi người sử dụng dịch vụ viễn thông. Triển khai Đề án cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao và kế hoạch chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định. Bộ TT&T tiếp tục tăng cường các biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, mua bán lưu thông SIM di động sai quy định; xây dựng các chính sách thúc đẩy sự phát triển thuê bao di động trả sau.

“Quản lý SIM rác, tin rác Bộ TT&TT thống nhất sẽ phải xử lý kiên quyết, trong đó doanh nghiệp di động phải chịu trách nhiệm chính, nhà nước cấp đầu số cho doanh nghiệp kinh doanh, doanh nghiệp phải có biện pháp quản lý. Nếu không làm được mà để tin rác, SIM rác tồn tại, doanh nghiệp phải thay người đúng đầu”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.

Sau khi Bộ TT&TT siết chặt việc quản lý thuê bao di động trả trước thì thị trường bước đầu cũng đã có những phản ứng khá tịch cực. Nhiều khách hàng cho biết, họ không còn bị tin nhắn rác “dội bom” dồn dập như trước nữa. Hiện nay mỗi ngày họ chỉ còn nhận 1 – 2 tin nhắn rác thay vì cả chục tin nhắn rác như trước đây. Theo khảo sát của Báo Bưu điện Việt Nam, tại nhiều điểm bán SIM thẻ ở Hà Nội lượng SIM kích hoạt sẵn có tài khoản khủng cho người dùng mua không cần đăng ký thông đã giảm nhiều. Thậm chí, một số đại lý SIM thẻ lớn trên đường Nguyễn Thái Học chỉ vài tháng trước muốn mua bao nhiêu SIM đã kích hoạt kèm tài khoản khủng bao nhiêu cũng có, thì hiện nay đã bắt đầu bán SIM không có tài khoản cho khách hàng.

Trả lời ICTnews về việc thực thi chính sách này của Bộ TT&TT, các nhà mạng cho biết trong 2 tháng qua doanh thu của họ giảm đáng kể và việc phát triển thuê bao mới rất chậm. Tuy nhiên, các nhà mạng cũng hy vọng với việc tất cả các mạng cùng thực thi nghiêm túc yêu cầu của Bộ TT&TT sẽ thúc đẩy thị trường di động trở về đúng nhu cầu thực của nó. Điều này cũng sẽ giúp cho nhà mạng phát triển thuê bao thực và giảm được chi phí phải bỏ ra trong cuộc đua SIM tài khoản khủng trước đó để hút thuê bao mới.

Theo ICTNews