106 bác sĩ trẻ được đào tạo "1 thầy, 1 trò" trên cả chuẩn mực thế giới, tình nguyện về vùng khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Cách đào tạo “1 thầy, 1 trò” đối với 106 bác sĩ trẻ còn trên cả chuẩn mực của thế giới, là một mô hình đào tạo mới, tiền đề để các bác sĩ hành nghề ở địa phương.

GS.TS. Tạ Thành Văn và TS. Phạm Văn Tác trao bằng tốt nghiệp cho các học viên (Ảnh - Minh Thuý)
GS.TS. Tạ Thành Văn và TS. Phạm Văn Tác trao bằng tốt nghiệp cho các học viên (Ảnh - Minh Thuý)

Đây là thông điệp của GS.TS. Tạ Thành Văn – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội – nhắn nhủ tới các bác sĩ trẻ tại buổi lễ trao bằng bác sĩ chuyên khoa cấp I khoá 10, 12, 14, 15 nằm trong dự án thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn (dự án 585) diễn ra vào sáng nay, ngày 16/7 tại Trường Đại học Y Hà Nội.

Mô hình đào tạo hoàn toàn mới

Tại buổi lễ, GS.TS. Tạ Thành Văn – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội - cho biết: Buổi lễ trao bằng bác sĩ chuyên khoa cấp I khoá 10, 12, 14, 15 nằm trong dự án thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Vì thế, cả 4 khoá đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I đều được cấp bằng trong cùng 1 thời điểm.

Hiện nay, do dịch COVID-19 bùng phát nên cả ngành Y tế đã và đang gồng mình để chống dịch, trong đó có các thầy cô, sinh viên của Trường Đại học Y Hà Nội. Mặc dù dịch bệnh nguy hiểm nhưng công tác đào tạo, giảng dạy ở Trường Đại học Y Hà Nội vẫn diễn ra bình thường để đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Tất cả các học viên được cấp bằng bác sĩ chuyên khoa cấp I hôm nay là nguồn nhân lực để bổ sung quan trọng cho ngành Y tế, nhất là các địa phương nơi học viên đang sinh sống.

GS.TS. Tạ Thành Văn – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội (Ảnh - Minh Thuý)

GS.TS. Tạ Thành Văn – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội (Ảnh - Minh Thuý)

“Thời gian 2 năm học để trở thành bác sĩ chuyên khoa cấp I của 106 học viên khá ngắn so với chặng đường đào tạo rất dài ở Trường Đại học Y Hà Nội. Hầu hết các em đều học ở các Trường Đại học Y ở các tỉnh, thành phố, chỉ có duy nhất 1 em học ở Trường Đại học Y Hà Nội. Tôi cho rằng thời gian 2 năm đã đủ để các em hiểu thêm về môi trường học tập, đào tạo ở Trường Đại học Y Hà Nội, nhất là khi các em được đào tạo 1 thầy, 1 trò. Cách đào tạo này còn trên cả chuẩn mực của thế giới. Bởi các nước trên thế giới đào tạo sau đại học không thể 1 thầy, 1 trò kèm cặp được. Đây là một mô hình đào tạo mới. Vì thế, các em được đào tạo vô cùng kỹ lưỡng, tạo ra tiền đề để các em hành nghề sau này. Qua 2 năm học tập, các em được trang bị những kiến thức cơ bản nhất, chưa thể trở thành chuyên gia nhưng những kiến thức này là chìa khoá để các em tự tin về địa phương để hành nghề. Tuy nhiên, các em cần hết sức lưu ý kết nối bền chặt với các thầy cô hướng dẫn và thầy cô ở các bộ môn. Bởi các thầy cô hướng dẫn chính là người hỗ trợ các em trong tương lai sau này. Sắp tới, Trường Đại học Y Hà Nội sẽ tăng tỷ lệ đào tạo sau đại học và duy trì tỷ lệ đào tạo đại học” – GS.TS. Tạ Thành Văn nói.

Từ thực tế ở các địa phương còn nhiều khó khăn – nơi các bác sĩ trẻ chuẩn bị về công tác, GS.TS. Tạ Thành Văn nhắn nhủ: “Tôi hy vọng sau khi cầm bằng tốt nghiệp và trở về địa phương, các em luôn “chân cứng đá mềm”. Khi phải đối mặt với khó khăn, các em sẽ phát huy và vận dụng tối đa điều kiện của địa phương để hành nghề, không đòi hỏi. Cách đây 1 tháng, tôi đã tiễn 350 thầy trò Trường vào Bình Dương để chống dịch. Tôi đã dặn dò các em tuân thủ sự quản lý của địa phương và vận dụng tối đa những gì địa phương có. Bởi các địa phương hiện nay còn thiếu trang thiết bị trong phòng, chống dịch. Thực tế, các em sinh viên đi vào tâm dịch rất thiếu thốn, ở đâu đó đã có những em tinh thần không vững vàng vì phải đối mặt với thực tế không thể hình dung được. Do đó, tôi nhắn nhủ các em học viên tốt nghiệp ngày hôm nay sẽ luôn cố gắng vận dụng năng lực và vận dụng tất cả những gì địa phương có để trở thành bác sĩ giỏi”.

TS. Phạm Văn Tác – Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Giám đốc dự án 585 (Ảnh - Minh Thuý)

TS. Phạm Văn Tác – Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Giám đốc dự án 585 (Ảnh - Minh Thuý)

TS. Phạm Văn Tác – Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Giám đốc dự án 585 – cho hay: Từ năm 2013-2020, dự án 585 đã đào tạo được tổng cộng 354 bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng sâu, vùng xa ở 22 tỉnh và 82 huyện. Hôm nay, 106 bác sĩ trẻ đến từ nhiều nơi đã hoàn thành chương trình học tập, là một trong những nhân tố làm nên lịch sử ở những vùng khó khăn. Trước đó, đã có nhiều bác sĩ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở địa phương. Điển hình là BS. Sùng Seo Toả người dân tộc Mông, học khoá 3 (2016-2019) chuyên ngành sản phụ khoa và đang công tác ở Bệnh viện Đa khoa Mường Khương. Sau khi hoàn thành chương trình học ở Trường Đại học Y Hà Nội, BS. Sùng Seo Toả đã trở về công tác tại địa phương để thực hiện những kỹ thuật hiện đại và thay đổi hoàn toàn tư duy của người dân tộc Mông trong khám, chữa bệnh.

Thời gian qua, Trường Đại học Y Hà Nội đã xây dựng chương trình riêng dành cho dự án 585, 1 thầy 1 trò, các học viên được thực hành tới 70%. Thời gian tới, Trường Đại học Y Hà Nội sẽ xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo bác sĩ chuyên khoa II để gửi các bác sĩ giỏi về địa phương khó khăn, góp phần chăm sóc sức khoẻ cho người dân. “Các bác sĩ cần tận dụng tối đa trang thiết bị, điều kiện hiện có, đừng đòi hỏi để hết mình chăm sóc sức khoẻ cho người dân” - TS. Phạm Văn Tác nói.

Bác sĩ trẻ được đào tạo liên tục trong 24 tháng

Thông tin về kết quả học tập của các bác sĩ trong dự án 585 thí điểm đưa bác sĩ trẻ về công tác tại vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là các huyện nghèo được tổ chức ở Trường Đại học Y Hà Nội, PGS.TS. Lê Minh Giang - Trưởng phòng Quản lý đào tạo sau đại học, Trường Đại học Y Hà Nội – cho biết: Khoá 10 là khoá đầu tiên được tổ chức tại Trường ngay sau khi có quyết định của Bộ Y tế. Trong khoá 10, các chương trình đạo tạo đều đầy đủ, các bác sĩ được học chứng chỉ hồi sức cấp cứu ở các địa phương theo chuyên ngành. Đây là điểm đặc biệt dành riêng cho dự án 585. Trong khoá 10, 31 học viên đã hoàn thành chương trình đào tạo, trong đó có 5 học viên được khen thưởng và 2 học viên đạt kết quả giỏi.

PGS.TS. Lê Minh Giang - Trưởng phòng Quản lý đào tạo sau đại học, Trường Đại học Y Hà Nội (Ảnh - Minh Thuý)

PGS.TS. Lê Minh Giang - Trưởng phòng Quản lý đào tạo sau đại học, Trường Đại học Y Hà Nội (Ảnh - Minh Thuý)

Trong khoá 12, có 22/23 học viên hoàn thành chương trình đào tạo và được cấp bằng, trong đó có 5 học viên đạt thành tích tốt, 1 học viên giỏi.

Khoá 14 được khai giảng 2 tháng sau khoá 12, Trường đã xây dựng chương trình đào tạo để bổ sung kiến thức cho các học viên, nhất là chuyên ngành hồi sức cấp cứu. Trong khoá 12 có 30/32 học viên được cấp bằng, trong đó có 5 học viên được khen thưởng.

Khoá 15 được khai giảng vào năm 2019, được bổ sung chương trình 1 thầy, 1 trò hướng dẫn trực tiếp. Trong năm 2020, Trường Đại học Y Hà Nội đã công nhận tốt nghiệp cho 21/22 học viên, trong đó có 5 học viên được khen thưởng.

Như vậy, chỉ trong vòng nửa năm, 4 khoá đào tạo bác sĩ chuyên khoa I ở Trường Đại học Y Hà Nội đã được khai giảng với tổng cộng 106 học viên.

Theo PGS.TS. Lê Minh Giang, chương trình đào tạo ở Trường Đại học Y Hà Nội hết sức đặc thù, từ năm 2014 – 2018, Trường đã xây dựng 11 chương trình dành riêng cho các học viên với thời gian học là 24 tháng liên tục, bổ sung các chứng chỉ quan trọng để hành nghề ở vùng sâu, vùng xa; đào tạo lâm sàng kèm cặp “1 thầy, 1 trò”.

Không ngại khó, ngại khổ, quyết tâm lên đường vì sức khoẻ của người dân

Sau khi nhận được bằng tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa I, BS.CKI. Nguyễn Thanh Tùng – học chuyên ngành răng hàm mặt, hiện đang công tác tại Trung tâm Y tế huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình- chia sẻ: “Với mong muốn chăm sóc sức khoẻ cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, tôi đã đăng ký tham gia dự án 585 và được học tập, đào tạo trong 2 năm. Trong quá trình học, với phương pháp 1 thầy, 1 trò, tôi đã được củng cố kiến thức cả lý thuyết và thực hành. Sau đó, tôi được chuyển đến công tác ở Trung tâm Y tế huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình. Mặc dù các trang thiết bị ở Trung tâm Y tế còn thiếu thốn, khó khăn nhưng tôi đã cố gắng vận dụng kiến thức được học ở Trường Đại học Y Hà Nội để khám, chữa bệnh cho người dân. Trong buổi lễ tốt nghiệp hôm nay, tôi xin hứa sẽ cố gắng hết sức để nâng cao tay nghề, học tập không ngừng nghỉ để bảo vệ sức khoẻ cho người dân”.

BS.CKI. Nguyễn Thanh Tùng – học chuyên ngành răng hàm mặt, hiện đang công tác tại Trung tâm Y tế huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình (Ảnh - Minh Thuý)

BS.CKI. Nguyễn Thanh Tùng – học chuyên ngành răng hàm mặt, hiện đang công tác tại Trung tâm Y tế huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình (Ảnh - Minh Thuý)

Cùng chung tinh thần quyết tâm, nỗ lực học hỏi như BS.CKI. Nguyễn Thanh Tùng, trao đổi với PV VietTimes, BS.CKI. Hoàng Thị Xưởng – đang công tác ở Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai – tâm sự: “Trong quá trình được đào tạo ở Trường Đại học Y Hà Nội chuyên ngành Hồi sức cấp cứu, tôi đã được cô Bùi Thị Hương Giang luôn tận tình chỉ bảo, hướng dẫn tôi thực hiện những kỹ thuật khó và thực hiện ở những vùng khó khăn chưa thực hiện bao giờ như: Đo CP, đo áp lực ổ bụng, đặt nội khí quản, thở máy,… Mặc dù điều kiện ở địa phương nơi tôi công tác vô cùng khó khăn nhưng không vì thế mà tôi nhụt chí. Tôi luôn cố gắng tận dụng hết những điều kiện đang có để giúp ích cho người dân”.

BS. Bùi Thị Hương Giang (áo xanh thứ 2 từ trái qua) và BS.CKI. Hoàng Thị Xưởng (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh kỉ niệm trong buổi lễ tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa I (Ảnh - Minh Thuý)

BS. Bùi Thị Hương Giang (áo xanh thứ 2 từ trái qua) và BS.CKI. Hoàng Thị Xưởng (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh kỉ niệm trong buổi lễ tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa I (Ảnh - Minh Thuý)

Là người trực tiếp hướng dẫn cho BS.CKI. Hoàng Thị Xưởng, BS. Bùi Thị Hương Giang – Giảng viên Bộ môn Hồi sức cấp cứu, Trường Đại học Y Hà Nội – cho biết: “Trong thời gian qua, Bộ môn Hồi sức cấp cứu đã đào tạo và chuyển giao kiến thức, kỹ năng cho các bác sĩ ở vùng núi, biên giới, hải đảo. Sau khi hoàn thành chương trình học, các bác sĩ đã ứng dụng được kiến thức vào thực tiễn, xử trí được những ca cấp cứu, hồi sức ban đầu tại cộng đồng cho người dân ở những vùng khó khăn. Khi gặp phải những trường hợp khó khăn, các bác sĩ đều gọi điện để hỏi ý kiến tôi nhằm điều trị hiệu quả cho bệnh nhân. Trong buổi lễ hôm nay, tôi hy vọng các bác sĩ trẻ sẽ mang kiến thức, kỹ năng đã được học ở Trường Đại học Y Hà Nội để phục vụ cho người dân”.

Dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo) – dự án 585 – được triển khai từ năm 2013 nhằm tăng cường bác sĩ có chuyên môn cao về chăm sóc sức khoẻ cho người dân tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, đưa chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho người dân ngay tại cơ sở đảm bảo công bằng, hiệu quả và phát triển.