Hơn 40 năm sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam, nhiều cựu binh trở về, nhưng chấn thương tinh thần nặng nề, không thể hòa nhập với cuộc sống bình thường vì ám ảnh và day dứt. Một lần nữa, họ quay lại Việt Nam, không để chiến đấu mà tìm lại cuộc sống.
Yêu người Việt khi hồi hương
David Edward Clark, cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam năm 1968 là một trong số họ. Clark đóng quân ở đằng sau núi Ngũ Hành, Đà Nẵng. Vị cựu binh 66 tuổi chia sẻ: “Lúc đó, không ai trong chúng tôi dám leo núi vì rất dễ bị phát hiện và tiêu diệt. Chúng tôi quy định ngầm với nhau: Không bao giờ rời khỏi doanh trại mà không mang theo súng. Dù đi đâu, tôi cũng khư khư vác theo khẩu M16. Tôi chĩa súng vào mặt tất cả những người Việt tôi nhìn thấy: Từ đàn ông, phụ nữ, trẻ em. Tôi muốn họ phải sợ, nhờ thế, cơ hội sống của tôi cao hơn”.
Kết thúc cuộc chiến, tôi sống sót và trở về Mỹ. Nhưng, ở quê nhà, không ngày nào tôi không nghĩ về Việt Nam, Clark giấu đôi mắt đằng sau cặp kính đen, chia sẻ tiếp: “Nhiều năm tôi sống trong cảnh nửa đêm bật dậy, người đầm đìa mồ hôi. Có lúc, tôi lao đi tìm chỗ trốn trong nhà vì lo sợ quân Giải phóng chuẩn bị tới bắt. Cuộc sống tiếp diễn như vậy. Cách duy nhất để tôi trốn chạy khỏi ký ức là uống rượu ngày này qua ngày khác” - vị cựu binh 66 tuổi kể.
Richard Parker, 66 tuổi, cũng bị “lạc hướng” cuộc đời sau khi từ Việt Nam trở về. Trong 20 năm, Parker chìm trong rượu bia, nghiện ngập và sex. Những ký ức về sự tàn phá và mất mát trong chiến tranh Việt Nam luôn ám ảnh Parker.
“Thời chiến, tôi chăm chăm lùng sục tiêu diệt quân Giải phóng để bảo toàn chiến thắng cho quân mình. Nhưng khi rời khỏi Việt Nam, tôi cảm thấy yêu con người nơi đây”. Trong nhiều năm, Parker bị bệnh hậu chấn thương tâm lý, căn bệnh đang ảnh hưởng tới 11% cựu binh từng tham chiến Việt Nam, khiến khoảng 10 nghìn người tự sát. “Tôi như một tên vô gia cư, làm việc hết nhà hàng này đến nhà hàng khác. Lúc này, với tôi, sống - chết không còn quan trọng” - ông Parker chia sẻ.
Tìm lại hạnh phúc ở Việt Nam
Cựu binh Mỹ David Edward Clark |
Cách duy nhất để những cựu binh như Clark và Parker chữa lành “vết thương tâm hồn”, đó là quay lại nơi họ từng chiến đấu và làm những việc ý nghĩa giúp đỡ con người nơi đây. Kể từ những năm 1990, khoảng 10 nghìn cựu binh quay trở lại Việt Nam, hầu hết là các chuyến thăm ngắn tới những nơi họ từng tham chiến.
Hàng chục năm trôi qua, họ vẫn trăn trở với câu hỏi: Vì sao họ phải chiến đấu? Trong số đó, có khoảng 100 cựu binh Mỹ hoặc hơn đã quay về Việt Nam, xây dựng cuộc sống. Nhiều người trong số họ sống ở Đà Nẵng hoặc các khu vực lân cận. Bởi Đà Nẵng từng là nơi Mỹ đặt phi trường quân sự bận rộn nhất và là nơi đội quân đầu tiên của Mỹ đặt chân vào Việt Nam năm 1965.
Năm 2007, Clark quyết định quay trở lại Việt Nam. Lần này, ông quyết tâm leo lên ngọn núi Ngũ Hành mà trước kia chưa bao giờ dám đặt chân. Lần đầu tiên, Clark dám leo một mạch lên trên đỉnh núi. “Trên đỉnh, cảm giác hòa bình chưa từng trải qua khiến tôi rung động. Không còn bom đạn. Không còn chiến cơ bay ầm ầm trên đầu. Lúc đó, tôi mới thực sự nhận ra: Chiến tranh đã kết thúc”. Và Clark quyết định, xây dựng cuộc sống mới tại Việt Nam.
Sau lần về Việt Nam đầu tiên, vị cựu binh 66 tuổi đã nhiều lần quay lại nơi đây, đi xe máy từ Bắc vào Nam. Tình cờ, ông gặp và yêu một phụ nữ Việt. Cả hai vừa kết hôn cách đây hai năm. Nói đến đây, vị cựu binh chợt bỏ chiếc kính đen, gạt nước mắt và nói: “Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được sống tại đây. Tôi biết chắc chắn đây là nơi dành cho tôi. Chiến tranh đã đi qua. Tôi sẽ sống và chết tại mảnh đất này”.
Parker cũng vậy, ông nhận thấy: Quay lại Việt Nam - cách duy nhất để thoát khỏi những đau khổ, dằn vặt: “Ở đây, ít nhiều tôi cảm nhận hòa bình trong tâm. Thỉnh thoảng, tôi trở lại chiến địa xưa - những nơi từng hỗn loạn và bị tàn phá ngày nào giờ trở thành một nơi đầy hy vọng và tràn sức sống”.
Hiện nay, ông vừa tham gia dạy tiếng Anh cho người Việt, vừa tranh thủ đi dạo đó đây, thưởng thức ẩm thực Việt Nam. Đôi mắt ông Parker sáng lên khi giải thích Việt Nam đã khiến ông tìm lại hạnh phúc thế nào. Ông chia sẻ: Thời gian gần đây, tôi cười rất nhiều, “người Việt tôn trọng tôi, thậm chí sự tôn trọng còn hơn cả những gì tôi nhận được khi là cựu binh ở Mỹ”.
Cựu binh Mỹ ủng hộ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam
Vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam trong ba ngày (22 - 25/5) mang theo thông điệp “dẹp bỏ quá khứ, hướng tới tương lai”. Tại đây, ông Obama thông báo dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam. Quyết định này nhận được nhiều ủng hộ từ phía các cựu chiến binh Mỹ. Cựu binh Mỹ Ned Foote - Chủ tịch Hội Cựu binh Mỹ bang New York đánh giá, Mỹ đã bình thường hóa hoàn toàn quan hệ với Nhật và Đức sau Thế chiến thứ II, không lý gì lại không làm tương tự với Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hai nước đang ngày càng trở thành các đối tác thương mại quan trọng của nhau. Nhiều cựu binh coi quyết định này là “trái ngọt” của những nỗ lực bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam kể từ năm 1975 giữa hai nước.
Phó Giám đốc Tổ chức Cựu binh Mỹ tham chiến Việt Nam - ông Bernard Edelman đánh giá: “Chiến tranh đã qua đi. Chúng tôi đang nỗ lực bắc cầu nối với người Việt Nam”. Cựu binh Willie Guzman, từng tham chiến tại Việt Nam từ năm 1969 - 1971 nói: “Việt Nam hiện là đối tác của Mỹ. Tôi nghĩ, Mỹ - Việt có thể hợp tác một cách toàn diện”.
Theo BBC, Giao Thông