Infographic 10 thành tựu khoa học – công nghệ ra đời năm Sửu (P2)

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Với sự tiến bộ không ngừng, nhiều ý tưởng mới đã đặt tiền đề cho sự phát triển của công nghệ hiện đại trên thế giới. Phần này chúng tôi tiếp tục danh sách những thành tựu nổi tiếng ra đời trong các năm Sửu.

6. TV màn hình phẳng đầu tiên (Đinh Sửu – 1997)

Ảnh minh họa: Wisegeek

Ảnh minh họa: Wisegeek

Năm 1997, hãng Sharp và Sony giới thiệu chiếc TV màn hình phẳng kích thước lớn đầu tiên. Thiết bị này được tạo ra bằng công nghệ PALC với kích thước 42 inch - một kích thước được coi là “kỷ lục” vào thời điểm đó. Tuy nhiên, sản phẩm này không nhận được nhiều sự ủng hộ của người tiêu dùng do giá thành đắt đỏ. Các nhà sản xuất nhanh chóng phát hiện ra rằng, công nghệ PALC có chi phí quá cao và không đáng tin cậy để sử dụng trên diện rộng. Vì vậy, họ đã từ bỏ PALC để chuyển sang sử dụng plasma để sản xuất màn hình phẳng. Suốt một thập kỷ tiếp theo, công nghệ màn hình plasma trở nên phổ biến và giá loại màn hình này cũng giảm nhanh chóng.

7. Máy nghe nhạc MP3 (Đinh Sửu – 1997)

Ảnh minh họa: Brighthub

Ảnh minh họa: Brighthub

Vào đầu thập niên 90, máy nghe nhạc MP3 đã được nghiên cứu và phát triển bởi Fraunhofer nhưng không thành công. Năm 1997, nhà phát triển người Croatia Tomislav Uzelac của Advanced Multimedia Products đã phát minh ra máy nghe nhạc MP3 đầu tiên mang tên AMP MP3 Playback Engine. Ngay sau đó, hai sinh viên đại học Justin Frankel và Dmitry Boldyrev chuyển trình phát AMP lên hệ điều hành Windows và đặt tên là Winamp. Một năm sau, cùng với sự phổ biến của định dạng MP3, Winamp trở thành sự lựa chọn hàng đầu khi tìm kiếm phần mềm nghe nhạc MP3 miễn phí.

8. Tên miền chính thức của Google Search – google.com – được đăng ký (Đinh Sửu – 1997)

Ảnh minh họa: Interesting Engineering

Ảnh minh họa: Interesting Engineering

Lịch sử của Google bắt đầu vào năm 1995, do Larry Page và Sergey Brin tại Đại học Standford phát triển. Năm 1996, cặp đôi này bắt đầu làm việc trên một công cụ tìm kiếm có tên là BackRub.

Cái tên BackRub chưa kéo dài được bao lâu, hai nhà nghiên cứu đã quyết định đổi thành Google - một cách chơi chữ của “googol” – lấy cảm hứng từ thuật ngữ toán học 10 mũ 100, phản ánh mong muốn cung cấp nguồn thông tin vô hạn trên internet. Máy chủ đầu tiên được đặt trong khuôn viên trường Stanford, với địa chỉ web ban đầu là google.stanford.edu. Tên miền google.com chính thức được đăng ký vào ngày 15/9/1997, đánh dấu bước phát triển mới của công cụ tìm kiếm nổi tiếng toàn cầu.

9. Bitcoin (Kỷ Sửu – 2009)

Ảnh minh họa: Business Insider

Ảnh minh họa: Business Insider

Vào năm 2008, một nhân vật bí ẩn tự xưng là Satoshi Nakamoto đã phát hành tài liệu đề cập đến dự án phát triển Bitcoin, hệ thống tiền điện tử ngang hàng. Ngay sau đó, tên miền bitcoin.org lặng lẽ được đăng ký trực tuyến. Ngày 3/1/2009, 30.000 dòng mã đã đánh dấu sự khởi đầu của Bitcoin trên thị trường tiền ảo.

Trong hệ thống Bitcoin, các "thợ đào" chạy phần mềm xử lý thuật toán để tìm ra block dữ liệu kế tiếp. Ngược lại, họ nhận được phần thưởng là đồng Bitcoin. Dữ liệu giao dịch sẽ được mã hóa dưới dạng hàm băm (hash) và lưu lại trên hệ thống. Một số nước chấp nhận Bitcoin như một loại tiền tệ để sử dụng thanh toán trực tuyến giống như tiền mặt trong thế giới thực.

Cơn sốt Bitcoin bắt đầu vào cuối năm 2013 và có một thời gian dài chững lại, trước khi bùng nổ vào đầu năm nay. Cho đến nay, mức giá cao nhất của Bitcoin là 40.000 USD/BTC. Tuy nhiên, mỗi quốc gia có quy định riêng để quản lý giao dịch bằng Bitcoin, cũng như các loại tiền điện tử khác ra đời sau nó.

10. Siêu máy tính Roadrunner của IBM được hoàn thiện (Kỷ Sửu – 2009)

Ảnh minh họa: Computer History

Ảnh minh họa: Computer History

Thời điểm đó, IBM Roadrunner đã trở thành siêu máy tính đầu tiên đạt hiệu suất duy trì 1 petaflop (một nghìn nghìn tỷ phép tính dấu phẩy động mỗi giây). Siêu máy tính này sử dụng hai bộ vi xử lý khác nhau gồm IBM POWER XCell L8i và AMD Opteron.

Siêu máy tính này ra đời năm 2009, được sử dụng với mục đích mô hình hóa sự phân hủy của kho vũ khí hạt nhân tại Mỹ, phân tích dữ liệu tài chính và hiển thị hình ảnh y tế 3D theo thời gian thực. Một nhánh của chip POWER XCell8i trong thiết bị này cũng được sử dụng làm bộ xử lý chính trong bảng điều khiển trò chơi Sony PlayStation 3.

(Còn nữa)