10 sáng tạo công nghệ ra đời giúp đẩy lùi Covid-19
Đại Việt
Thời gian qua, giới khoa học và công nghệ chứng kiến nhiều phát minh ra đời đóng góp vào công cuộc đẩy lùi virus corona.
Công ty công nghệ Trung Quốc KC Wearable trụ sở tại Thâm Quyến đã cho ra đời chiếc mũ thông minh có thể phát hiện những người bị sốt cách 5 m, phát ra âm thanh báo động khi bất kỳ ai có thân nhiệt cao đến gần nó. Chiếc mũ còn bao gồm những phụ kiện đi kèm như tai nghe, đầu dò nhiệt độ hồng ngoại, kính ngắm VR, camera QR, Wi-Fi, Bluetooth và 5G có thể truyền dữ liệu đến bệnh viện gần nhất.
Công ty Prusa của Cộng hòa Czech là cơ sở in 3D lớn nhất thế giới với hơn 500 máy in đang sản xuất hàng loạt tấm khiên bảo vệ mặt. Với công suất 800 cái mỗi ngày, công ty quyên góp số lượng lớn trong đó vào công cuộc chống dịch của chính phủ nước này. Một công ty khác là Stratasys cũng cho ra đời mặt nạ, khiên bảo vệ hay thậm chí là máy thở bằng công nghệ in 3D.
Trung Quốc dùng drone để phát hiện biểu hiện bệnh trong đám đông, khử trùng những nơi công cộng và mang vật tư đến các điểm xa xôi. Ngoài ra, chúng còn được sử dụng để vận chuyển các mẫu xét nghiệm, cắt giảm đáng kể thời gian và công sức. Các nơi khác như Anh và Pháp cũng đang tận dụng thiết bị bay này để giám sát, tuyên truyền người dân thực hiện cách ly xã hội.
Một bệnh viện ở Seoul, Hàn Quốc tạo ra buồng xét nghiệm dã chiến cho phép nhân viên kiểm tra y tế an toàn và nhanh chóng hơn. Những buồng này sử dụng áp suất không khí âm để ngăn vi khuẩn có hại thoát ra ngoài. Mỗi bệnh nhân tham gia xét nghiệm được tư vấn thông tin qua hệ thống liên lạc nội bộ, trong khi mẫu thử từ dịch cổ họng và mũi được thu thập thông qua găng tay cao su dài lắp vào bảng điều khiển. Toàn bộ quá trình mất khoảng 7 phút, sau đó sẽ được thông gió và khử trùng. Các bác sĩ ở đây cho biết buồng xét nghiệm có thể đáp ứng công suất 70-80 bệnh nhân một ngày.
Công ty in 3D Materialise, Bỉ thiết kế phụ kiện giúp bạn không cần dùng bàn tay nhưng vẫn mở được cửa. Thiết bị này có hai phần khá đơn giản có thể tháo rời ở bên tay cầm, cho phép bạn sử dụng khuỷu tay hoặc cánh tay để xoay. CEO công ty ông Fried Vancraen cho biết hiện bản vẽ tay nắm cửa đặc biệt đang được miễn phí tải về trên Internet, nhằm mục đích phổ biến thiết kế tiện ích này đến cộng đồng.
Công ty Winsun của Trung Quốc đã dùng công nghệ in 3D để xây dựng 15 phòng cách ly trong một ngày. Thiết kế tòa nhà cách ly với trang thiết bị hiện đại được in thông qua quá trình ép đùn, với một cánh tay robot được gắn trên đường ray, ép các lớp bê tông lắng xuống để xây dựng bức tường. Công ty cho biết quá trình xây dựng sử dụng vật liệu tái chế từ các công trình, cam kết cấu trúc sẽ bền gấp đôi so với tòa nhà bê tông thông thường.
Công ty Isinnova, Italy cho ra đời loại van in 3D biến mặt nạ lặn thành máy thở không xâm lấn dành cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19. Trong tình trạng thiếu hụt thiết bị y tế ở Italy ngày một gia tăng, Isinnova đang tích cực sản xuất phát minh của mình nhằm cung cấp cho các trung tâm y tế.
Các nhà hóa sinh học ở Manchester, Anh phát triển loại khăn công nghệ cao, có lớp vải bọc thiết kế tương tự cấu trúc carbohydrate trên bề mặt tế bào bao phủ thực quản. Kỹ thuật chính của chiếc khăn nằm ở lớp glycoprotein được gắn vào vải carbon, sau đó là các nguyên liệu rẻ hơn như bông. Thông qua nhiều thử nghiệm, các nhà sáng chế cho hay chiếc khăn này có thể ngăn được đến 96% virus trong không khí.
Một công ty ở Đan Mạch đã phát triển robot khử trùng không cần bất kỳ loại hóa chất nào. Với 8 bóng đèn phát ra tia cực tím UV-C, robot có thể tiêu diệt virus và vi khuẩn có hại bằng cách làm hỏng cấu trúc DNA của chúng, khiến chúng không thể tự nhân đôi. Công nghệ trên thực tế hơn nhiều so với việc phải để trống phòng bệnh nhiều giờ để sử dụng hóa chất như hydro peroxide.
Ứng dụng theo dõi virus được phát triển bởi các kỹ sư người Hàn Quốc, có khả năng thông báo cho người dùng khi họ đến những nơi cách người bị nhiễm bệnh trong phạm vi 100 m. Ngoài ra, nó còn cho biết số người mắc bệnh trong ngày, thông tin cá nhân và lịch sử đi lại của người đó với thông tin chính xác được chính phủ xác nhận. Cùng với Hàn Quốc, các nước khác như Đài Loan, Singapore hay Israel cũng triển khai những ứng dụng tương tự. Tuy nhiên, điều này cũng dấy lên lo ngại về xâm phạm quyền riêng tư cá nhân.