Sau năm 1975, Việt Nam bị Mỹ cấm vận hoàn toàn, cả kinh tế và quân sự. Sau nhiều nỗ lực đến từ hai phía, Mỹ đã dỡ bỏ cấm vận thương mại và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam vào hai thập niên trước.
Từ năm 2006, Mỹ đã bỏ lệnh cấm vận vũ khí phi sát thương với Việt Nam, hiện chỉ còn cấm vận vũ khí sát thương. Trong chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Mỹ Barack Obama, một trong những vấn đề trên bàn nghị sự thu hút đông đảo sự quan tâm của dư luận cũng chính là việc này. Dư luận trông chờ một bước tiến mới, một động thái tích cực từ phía Mỹ đối với vấn đề cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam.
Trả lời giới báo chí, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng rất hoan nghênh việc Mỹ thúc đẩy quá trình dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam. Điều này phù hợp với xu hướng phát triển quan hệ đối tác toàn diện, thể hiện sự tin cậy giữa hai nước.
Bộ Ngoại giao khẳng định Việt Nam không có ý định thành lập liên minh quân sự để đối đầu với các nước khác và duy trì chính sách tự vệ. Việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương cũng không ảnh hưởng đến chính sách quốc phòng "3 không" của Việt Nam: không liên minh quân sự, không căn cứ nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, và không dựa vào bất kỳ nước nào để hỗ trợ mình chiến đấu.
Hiện nay,các quan chức quốc phòng Mỹ vẫn chưa chính thức lên tiếng về động thái này bởi việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí đòi hỏi phải có ý kiến từ Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, những năm gần đây, Việt Nam và Mỹ đã có những bước tiến trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng.
Năm 2013, Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ đối tác toàn diện. Về an ninh - quốc phòng, hai nước ký Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương vào tháng 9.2011. Theo đó, nhiều tàu chiến Mỹ đã cập cảng Việt Nam như một phần trong hợp tác quân sự. Ngày 3.10.2014, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Washington đã dỡ một phần lệnh cấm vận vũ khí mà họ áp đặt trong gần 4 thập niên với Việt Nam.
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, ông Lê Công Phụng – nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ nhấn mạnh rằng nếu vẫn cấm vận vũ khí sát thương thì quan hệ hai nước vẫn chưa hoàn toàn bình thường. Nếu quan hệ chưa hoàn toàn bình thường hóa thì dù có cởi mở đến mấy vẫn có những vướng mắc nhất định.
Theo ngài cựu đại sứ, nếu dỡ bỏ ngay lệnh cấm vận thì Việt Nam cũng không có tiền để mua vũ khí của họ. Còn nếu dỡ bỏ một phần thì cũng chẳng rõ dỡ bỏ bao nhiêu phần trăm. Về chính sách thì không ai tuyên bố như vậy.
“Tuy nhiên,về lợi ích thực chất mà nói thì việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí không quá quan trọng trong thời điểm này, nhưng về mặt tinh thần và cải thiện mối quan hệ thì điều đó lại khá quan trọng, tạo thêm sự tin tưởng giữa hai phía”- ông Phụng nói.
Cũng theo vị cựu đại sứ, Mỹ sẽ không đưa ra điều kiện gì yêu cầu Việt Nam đáp ứng trong vấn đề dỡ bỏ cấm vận vũ khí. Đây không phải là cái mà Viêt Nam phải trả giá để có được.
“Chế độ chính trị thì Mỹ đã chấp nhận, biểu hiện rõ nhất là chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa qua. Vấn đề nhân quyền và dân chủ thì hai nước vẫn đang có những tiến hành nên Mỹ cũng sẽ không đưa ra thêm điều kiện gì để làm điều kiện cho việc dỡ bỏ cấm vận”- ông Phụng nói.
Cũng theo ông Lê Công Phụng, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng khiến nhiều nước không thoải mái. Khi bỏ cấm vận sát thương thì sẽ có quốc gia không thích điều này. Tuy nhiên, việc dỡ bỏ cấm vận là cần thiết và có tác động tích cực trong mối quan hệ giữa hai nước.
Theo Một thế giới