Tiến trình cổ phần hóa (CPH) chững lại, Chính phủ đã quyết định ban hành Nghị định thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP, Nghị định 189/2013/NĐ-CP và Nghị định 116/2015/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần. Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), ông Đặng Quyết Tiến kỳ vọng, Nghị định mới sẽ thúc đẩy tiến trình CPH.
Câu hỏi muôn thủa khi đề cập đến vấn đề CPH là vì sao đã có hơn 10 nghị định thay thế, sửa đổi bổ sung nhằm tháo gỡ vấn đề này, nhưng tiến trình chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước vẫn chậm, thưa ông?
Vì vẫn còn tồn tại nguyên nhân muôn thủa, đó là thị trường chứng khoán chưa phục hồi, chưa thu hút nhà đầu tư bỏ tiền ra để mua cổ phần khi tiến hành CPH hoặc bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tâm lý lãnh đạo cơ quan chủ quản và bản thân doanh nghiệp chưa thực sự mong muốn CPH. Và cuối cùng là các doanh nghiệp tiến hành CPH hiện nay hầu hết có quy mô vốn lớn, trong đó có nhiều tập đoàn, tổng công ty nên giải quyết các vấn đề trước khi tiến hành chuyển đổi sở hữu phức tạp, mất nhiều thời gian, đặc biệt là việc chọn cổ đông chiến lược.
Ngoài ra, còn xuất hiện thêm một số nguyên nhân mới.
Thứ nhất, nhà đầu tư có tâm lý chờ đợi sự đổi mới, đột phá của nhiệm kỳ Chính phủ mới trong cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, đặc biệt là chờ đợi Chính phủ ban hành Nghị định thay thế 3 nghị định hiện hành liên quan đến chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước.
Thứ hai, sau khi tham gia AEC, Việt Nam chuẩn bị các điều kiện để thực thi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nên nhà đầu tư cũng có ý chờ đợi Chính phủ sẽ ban hành hàng loạt cơ chế mở cửa mạnh mẽ hơn với nhà đầu tư nước ngoài; bảo đảm công khai, minh bạch về tình hình tài chính, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp theo đúng quy định của TPP.
Thứ ba là việc ban hành Quyết định thay thế Quyết định 37/2014/QĐ-TTg về tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước bị chậm trễ cũng ảnh hưởng đáng kể đến tiến trình CPH và thoái vốn.
Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiều lần chỉ đạo, lãnh đạo cơ quan chủ quản, lãnh đạo doanh nghiệp nào cố tình trì hoãn tiến trình CPH sẽ bị thay thế, chuyển đổi công việc. Thưa ông, với chỉ đạo quyết liệt này thì làm gì còn tâm lý cố tình trì hoãn CPH nữa?
Đúng là tâm lý cố tình trì hoãn CPH không còn, nhưng trên thực tế bộ, ngành nào cũng phải thực hiện rất nhiều chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực do mình phụ trách. Muốn thực hiện được chiến lược thì trong tay phải có các tập đoàn, tổng công ty làm nòng cốt, hạt nhân để dẫn dắt.
Ví dụ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp (theo Quyết định 124/2012/QĐ-TTg) thì phải nâng tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; chế biến, bảo quản nông sản. Muốn cơ giới hóa thì phải phát triển ngành sản xuất, chế tạo máy nông nghiệp. Mà muốn làm được điều này thì phải có những doanh nghiệp quy mô lớn làm đầu tàu dẫn dắt. Các bộ, ngành khác cũng vậy, một mặt vẫn thực hiện CPH theo chỉ đạo, mặt khác muốn “giữ” doanh nghiệp nên bán cổ phần ra bên ngoài rất ít, đồng thời cam kết giảm vốn nhà nước theo lộ trình. Do bán ít cổ phần, về cơ bản thì sau khi CPH vẫn là doanh nghiệp nhà nước nên rất ít nhà đầu tư quan tâm, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược.
Tôi cũng thực sự lấy làm tiếc, nhiều tổng công ty khi CPH được rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, họ sẵn sàng mua trên 50% vốn cổ phần, nhưng bộ chủ quản chỉ bán 5-10% nên họ bỏ.
Nếu vẫn cho doanh nghiệp giảm vốn nhà nước theo lộ trình, vào cuối lộ trình không bán tiếp được vốn sẽ có rất nhiều lý do thuyết phục được đưa ra và cuối cùng thì số lượng doanh nghiệp CPH bảo đảm nhưng chất lượng CPH vẫn thế?
Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp đã có hiệu lực. Theo đó, Nhà nước chỉ nắm giữ 100% vốn tại 4 lĩnh vực, còn lại tạo mọi điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Bây giờ chỉ còn chờ Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thay thế Quyết định 37/2014/QĐ-TTg quy định cụ thể những lĩnh vực nào Nhà nước nắm giữ bao nhiêu vốn, phần còn lại để cho nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Tức là ngoài phần vốn nhà nước cần phải nắm giữ, còn lại bán được bao nhiêu thì bán tối đa, không cần lộ trình, thậm chí với nhiều lĩnh vực cũng không cần nhà đầu tư chiến lược.
Doanh nghiệp nào đã phê duyệt phương án CPH rồi có thể điều chỉnh lại theo hướng giảm thiểu sở hữu nhà nước như thương mại, dịch vụ chẳng hạn, sau khi chuyển đổi sở hữu, các tập đoàn, tổng công ty vẫn tiếp tục kinh doanh thương mại, dịch vụ thì bán tất, không cần cổ đông chiến lược và cũng không thể lấy lý do hội nhập, các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam nên cần phải giữ tổng công ty nọ, doanh nghiệp kia làm nòng cốt, phải chọn được nhà đầu tư chiến lược để phát triển doanh nghiệp. Tôi cũng muốn nói thêm rằng, việc khó chọn cổ đông chiến lược cũng là nguyên nhân khiến CPH bị chậm.
Như ông nói, cơ quan chủ quản vừa muốn “ôm” doanh nghiệp lại vừa muốn nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược rót vốn vào doanh nghiệp. Bài toán này liệu có mâu thuẫn không, thưa ông?
Mới nghe qua thì thấy mâu thuẫn, nhưng thực tế thì có lời giải tối ưu cho bài toán. Cụ thể là với những ngành nghề, lĩnh vực Nhà nước vẫn cần phải đầu tư vốn, thay vì Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thì chỉ nắm giữ tối đa 35% thôi. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, khi xây dựng Điều lệ trong phương án CPH thì quy định, cổ đông nhà nước được quyền quyết định một số vấn đề quan trọng, được quyền tham gia vào ban lãnh đạo, có quyền phủ quyết những gì thấy bất lợi cho cổ đông nhà nước, việc sửa đổi, bổ sung điều lệ phải được sự chấp thuận của cổ đông nhà nước… Các điều kiện này hoàn toàn phù hợp với Luật Doanh nghiệp và không trái với thông lệ quốc tế.
Với cách thức này, tôi cho rằng, việc CPH sẽ được tháo gỡ, bởi cổ đông, đặc biệt là cổ đông chiến lược được đầu tư thỏa mái, được quyền quản lý, quản trị doanh nghiệp và có cổ đông nhà nước bên cạnh họ cũng yên tâm hơn khi bỏ vốn ra.
Theo Đầu tư