Uber chính thức được thông qua đề án thí điểm tại Việt Nam

VietTimes -- Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa chấp thuận thông qua đề án thí điểm Uber tại Việt Nam. Trước đó, Bộ đã hai lần bác Đề án thí điểm của Uber tại Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc điều hành Uber Việt Nam, cho biết, việc được chính thức tham gia vào Đề án thí điểm triển khai ứng dụng công nghệ để quản lý và kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng của Bộ GTVT giúp Uber thêm động lực tiếp tục cải tiến công nghệ, mang lại lợi ích cho người dùng Uber và tài xế đối tác, cũng như khẳng định tiềm năng của dịch vụ chia sẻ chuyến đi trên khắp các thành phố lớn tại Việt Nam trong thời đại mới.

Theo ý kiến của một số chuyên gia công nghệ, Uber hay Grab đều là những điển hình thành công của những trào lưu “kinh tế chia sẻ”, “kinh tế ứng dụng”. Những ứng dụng kết nối di động thuộc dạng này ngày càng phổ biến và hoàn toàn không chỉ giới hạn sử dụng cho dịch vụ vận tải.

Chính vì bản chất là “dịch vụ công nghệ” nên việc các cơ quan nhà nước đưa vào khung quản lý “dịch vụ vận tải” chính là nguyên nhân dẫn đến lúng túng, khúc mắc trong thời gian vừa qua.

Hai lần bác Đề án của Uber

Trước đó, Bộ GTVT đã hai lần bác Đề án thí điểm của Uber tại Việt Nam.

Lần thứ nhất là vào tháng 11/2015, Bộ GTVT trả lại đề án thí điểm gọi xe theo hợp đồng điện tử của Uber, với lý do công ty này không thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam.

Đầu năm 2017, Bộ lại một lần nữa trả đề án thí điểm Uber, do việc ủy quyền của Công ty Uber BV (Hà Lan) cho Uber Việt Nam tham gia đề án thí điểm và thực hiện các nghĩa vụ chưa phù hợp.

Cụ thể, Bộ GTVT cho biết việc Uber Việt Nam là đơn vị xây dựng và đề xuất bộ phê duyệt đề án thí điểm dựa trên ủy quyền của Công ty Uber BV không đảm bảo ràng buộc trách nhiệm của Uber BV trong việc thực hiện đề án.

Bên cạnh đó, ngành nghề kinh doanh đăng ký trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Uber Việt Nam chỉ bao gồm “hoạt động tư vấn quản lý” và “nghiên cứu thị trường, thăm dò dư luận”, không liên quan đến hoạt động được ủy quyền trong đề án.

Đề án của Uber cũng chưa làm rõ được quyền và trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ và đơn vị kinh doanh vận tải đối với hành khách; chưa có quy chế phối hợp, giải quyết các khiếu nại của hành khách.

Tuy nhiên, “Đến nay Uber đã bổ sung và hoàn thiện đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật theo yêu cầu của Bộ GTVT. Uber Việt Nam cũng cần được sự chấp thuận của các địa phương khi đăng ký hoạt động” - đại diện Bộ GTVT thông tin.

Được biết, Việt Nam là thị trường đầu tiên tại Đông Nam Á mà Uber cho phép thực hiện thanh toán tiền mặt. Đồng thời, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế ứng dụng dịch vụ uberMOTO, cung cấp dịch vụ với cước phí thấp hơn so với "xe ôm" truyền thống.

Uber gia nhập thị trường Việt Nam từ tháng 7/2014, cung cấp phương thức kết nối di chuyển bằng ô tô và xe máy tại Hà Nội và TP HCM. Tuy nhiên, vì lý các lý do khách quan liên quan đến việc nộp thuế, Uber bị Grab và các công ty taxi truyền thống chỉ trích vì tính hợp pháp của mình.

Phía taxi truyền thống cho rằng taxi truyền thống đang phải tuân thủ 13 điều kiện ngặt nghèo như: bãi đỗ, giấy phép tần số, logo; Trong khi đó, xe chở khách dùng ứng dụng Uber, Grab không cần bất cứ điều kiện ràng buộc gì và tùy ý gia tăng số lượng. Taxi bị kiểm soát giá cước nhưng xe Uber, Grab lại không bị quản lý, tùy ý tăng giá vào giờ cao điểm.

Grab và Uber hiện đang được hưởng mức thuế doanh thu 3% trên 80% doanh thu và 1,5% thuế thu nhập tính cho 80% doanh thu. Do chỉ phải tính thuế trên 80% doanh thu nên thực chất Grab và Uber đang hưởng ưu đãi với mức thuế 2,4% trên doanh thu và 1,6% thuế thu nhập.