Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng, vào tháng 7 vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức hội thảo tham vấn, lấy ý kiến góp ý về một số nội dung chủ yếu cần thực hiện trong quy hoạch.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan, đặc biệt là các chuyên gia trong lĩnh vực khai thác, sử dụng tài nguyên nước để hoàn thành đề cương nhiệm vụ. "Để có cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các Bộ nghiên cứu, góp ý kiến bằng văn bản về tên gọi, nội dung cụ thể, đề xuất phân công các Bộ liên quan thực hiện nhiệm vụ Quy hoạch và gửi về Bộ trước ngày 15.9.2016 để tổng hợp”- văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ.
Trước đó như báo chí đã liên tục phản ánh, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “chưa xem xét” việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh). Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng để đảm bảo phát triển bền vững.
Việc xây dựng quy hoạch này phải được thực hiện một cách kỹ lưỡng, khoa học và phải có sự tham gia của các địa phương liên quan, các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội khác là đại diện cho lợi ích của người dân trong lưu vực đồng bằng sông Hồng. Dự án Giao thông đường thủy xuyên Á và thủy điện trên sông Hồng do Cty TNHH Xuân Thiện đề xuất với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới trên 1,1 tỉ USD (khoảng 24.500 tỉ đồng). Trong đó, chi phí xây dựng là 8.207 tỉ đồng, chi phí thiết bị 4.558 tỉ đồng, chi phí bồi thường tái định cư 1.230 tỉ và dự phòng khoảng 6.549 tỉ đồng… Cơ cấu vốn gồm 30% tự có của doanh nghiệp, còn lại 70% là vay thương mại có lãi suất 4-9%.
Dự án được đề xuất thực hiện theo dạng hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh). Với việc nạo vét 288 km đường sông và kết hợp làm thủy điện, dự án giao thông đường thủy xuyên Á này dự tính kết nối, nâng cấp hai tuyến vận tải thủy từ Hải Phòng - Việt Trì (Phú Thọ) với Hà Nội - Lạch Giang (Nam Định). Để đảm bảo mục tiêu giao thông quy mô lớn, chủ đầu tư đề xuất sẽ xây dựng 6 đập thủy điện và âu tàu để nâng mực nước cho tàu trọng tải lớn qua lại. Đây là các công trình thủy điện cấp II kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp. Tổng công suất thiết kế khoảng 228 MW, cung cấp 912 triệu kWh một năm. Đồng thời, Xuân Thiện cũng có ý định xây dựng 7 cảng dọc tuyến: cảng Phố Mới, Apatit, Quý Xa (Lào Cai), cảng Văn Phú (Yên Bái), cảng Ngọc Tháp, Cổ Tiết (Phú Thọ), cảng phía Bắc (Hà Nội) thuộc các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai và Hà Nội.
Chủ đầu tư đề xuất, dự án này sẽ được Nhà nước hỗ trợ giá bán điện để bù giá thu phí vận tải và chi phí quản lý thu phí, duy tu bảo dưỡng công trình (5 năm đầu là 1.900 đồng/KWh, 5 năm tiếp theo là 2.380 đồng, các năm tiếp theo tối thiểu là 2.970-3.560 đồng/KWh). Bên cạnh đó, được miễn tiền thuế sử dụng đất, miễn thuế tài nguyên nước và thuế dịch vụ môi trường rừng, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đến thời điểm hoàn vốn... Khi thông tin xoay quanh dự án này được báo chí phản ánh, dư luận xã hội và các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học đã phản ứng dữ dội.
Tại hội thảo do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức vào tháng 7 vừa qua, GS.TSKH Phạm Hồng Giang - Chủ tịch Hội đập lớn Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - khẳng định dự án này không có trong quy hoạch sông Hồng trước đây.
Chính vì thế hiện nay đang có nhiều luồng ý kiến cho rằng xây dựng Đề án quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng- sông Thái Bình là để hợp thức hóa dự án đường thủy xuyên Á này. “Dư luận xã hội đang có ý kiến hoài nghi như vậy. Một con đường cao tốc thì quy hoạch, thực hiện rất nhanh nhưng một dòng sông, nhất là sông Hồng thì không thể phó mặc cho doanh nghiệp tư nhân làm được mà phải do cơ quan nhà nước thực hiện. Nếu giao doanh nghiệp tư nhân thực hiện thì họ có thể chuyển nhượng và nước ngoài nhảy vào mua thì sẽ thành tô giới của người ta, khi ấy chúng ta làm gì được? Con sông này ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục triệu người dân, không thể phó mặc cho mấy ông doanh nghiệp tư nhân”- ông Giang thẳng thắn.
Chung quan điểm với ông Giang, PGS.TS Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu - phản ánh “tâm tư” trong giới khoa học về việc xây dựng đề án quy hoạch sông Hồng có phải để rộng đường phê duyệt Dự án giao thông thủy xuyên Á đã bị Thủ tướng Chính phủ quyết định chưa xem xét?